Liên quan tới quy định về Chứng thư giám định đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng có mã số HS thuộc hai chương 84, 85 quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam (Mục 146), VCCI viện dẫn Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng hiện đang áp dụng cơ chế quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng dựa trên tiêu chí “tuổi” máy móc, thiết bị, theo đó tất cả các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng sẽ phải chịu chung cơ chế quản lý, và tiêu chí để xác định sẽ là “tuổi của thiết bị”.
Trong khi đó, về mặt logic, không phải loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng tiềm ẩn nguy cơ cao tới mức phải kiểm soát bằng cơ chế đặc biệt. Thậm chí với nhiều trường hợp, nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng còn là cơ hội để doanh nghiệp và nền kinh tế tiếp nhận công nghệ tốt với giá hợp lý.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, trên thực tế, việc kiểm soát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng chỉ nên tập trung vào mục tiêu bảo vệ các lợi ích quan trọng như bảo vệ các lợi ích công cộng: bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người hay an ninh, quốc phòng (không nhập khẩu máy móc, thiết bị rác, gây nguy hại môi trường...). Đồng thời, đảm bảo việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả, không lãng phí (không nhập khẩu máy móc thiết bị cũ với giá cao, gây thiệt hại cho ngân sách).
Như vậy, không phải bất kỳ máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng cần kiểm soát khi nhập khẩu mà chỉ trong những trường hợp cụ thể có ảnh hưởng tới các mục tiêu/lợi ích nói trên.
Do đó, các chuyên gia pháp lý của VCCI cho rằng, việc phân loại cơ chế quản lý đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng cũng cần được thiết kế theo hướng này.
Cụ thể, phân loại cơ chế quản lý đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo nguồn gốc vốn sử dụng để mua sắm: Đối với trường hợp mua sắm bằng vốn từ ngân sách Nhà nước, Nhà nước cần kiểm soát bằng các điều kiện nhất định để đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước được sử dụng đúng quy định và có hiệu quả; Đối với trường hợp mua sắm bằng tiền vốn ngoài ngân sách Nhà nước: Nhà nước không cần kiểm soát mục tiêu “sử dụng vốn hiệu quả” của các hoạt động mua sắm này (bởi hiệu quả hay không hiệu quả thì chủ thể bỏ vốn tự chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng gì tới ngân sách Nhà nước).
Ngoài ra, có thể phân loại cơ chế quản lý theo nguy cơ mà các loại máy móc, thiết bị công nghệ đã qua sử dụng có thể gây ra cho các lợi ích công quan trọng. Đối với các loại máy móc, thiết bị có nguy cơ cao, cần kiểm soát bằng điều kiện nhập khẩu và áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt nguồn vốn sở hữu vốn của doanh nghiệp (do dù mua sắm bằng nguồn vốn nào thì mức độ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng của các máy móc, thiết bị này là như nhau và đều cần phải kiểm soát).
Đối với các loại máy móc, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ ngoài Danh mục trên (tức là nguy cơ không lớn), cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, không cần kiểm soát bằng điều kiện nào, do việc nhập khẩu các loại này không tạo ra tác động đáng kể nào tới những lợi ích công cộng cần bảo vệ nên doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ của mình, hiệu quả thì hưởng, không hiệu quả thì tự mình và chỉ một mình mình chịu, Nhà nước không nên can thiệp.
Từ những phân tích trên, VCCI đề xuất ban hành Danh mục các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng cần phải kiểm soát (theo tiêu chí nguy cơ cao và tiêu chí vốn sử dụng để mua sắm) và chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với các máy móc, thiết bị trong Danh mục mà thôi.