Vì vậy, nhiều lô hàng về đến Việt Nam nhưng không thể làm thủ tục NK dẫn đến tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển. Nhiều DN khi bị phát hiện đã “bỏ của chạy lấy người”. Hiện có 158 tổ chức chiếm 58% tổ chức NK không có Giấy xác nhận sẽ bị xử lý như đối với tổ chức buôn lậu phế liệu NK.
Lộ diện buôn lậu phế liệu
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (TCMT), tính đến ngày 6/9/2018, có 25.400 tấn xỉ hạt lò cao đang lưu tại kho của DN (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và 15.442 container phế liệu NK đang lưu tại các cảng, bao gồm 3 loại thời gian lưu: Lưu dưới 30 ngày (là thời gian tổ chức NK phải đến làm thủ tục thông quan); lưu từ 31 đến 90 ngày (là thời gian tổ chức NK vẫn được đến làm thủ tục thông quan nhưng bị xử lý chậm nhận hàng); tồn đọng từ 91 đến 150 ngày (được xem như vô chủ, là thời gian cơ quan nhà nước đăng báo 3 lần để tìm chủ hàng đến nhận).
Trong đó, số lưu dưới 90 ngày là 10.535 container, chiếm 68% và số tồn đọng quá 90 ngày là 4.907 container, chiếm 32%. Hiện nay, có 158 tổ chức, cá nhân (chiếm 58%) đứng tên người nhận phế liệu NK không có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu (gọi tắt là giấy xác nhận) của Bộ TN&MT có thể là những tổ chức, cá nhân buôn lậu phế liệu NK.
Ngày 25/6/2015, Bộ TN&MT đã có Công văn 2570/BTNMT-TCMT hướng dẫn tạm thời về NK một số phế liệu chưa có quy chuẩn trong khi chờ ban hành (đang được xây dựng, trình thẩm định và ban hành). Trước tháng 7/2018, CQHQ vẫn cho thông quan các lô hàng phế liệu NK chưa có quy chuẩn (chiếm 1,3%) theo Công văn 2570/BTNMT-TCMT nhưng hiện nay lại không cho thông quan. Năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN 16:2017/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng - Xỉ hạt lò cao dùng để sản xuất xi măng. Xỉ hạt lò cao NK theo QCVN 16:2017/BXD là sản phẩm hàng hóa cũng không được thông quan.
Để đáp ứng yêu cầu trong hoạt động NK và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018, trong đó ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu NK.
Về cơ bản, phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã có đủ các quy chuẩn kỹ thuật môi trường để thực hiện kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu NK. Trong số container phế liệu tồn đọng tại các cảng hiện nay, nhóm phế liệu chưa có quy chuẩn chỉ chiếm 1,3% (202 container) trong tổng số 15.442 container phế liệu tồn đọng. Do đó, lý do không có quy chuẩn dẫn đến tồn đọng phế liệu NK tại cảng là chưa đúng.
Từ năm 2016 đến hết tháng 5/2018, Bộ TN&MT chỉ cấp 242 Giấy xác nhận trên phạm vi cả nước. Để xảy ra tình trạng trên ngoài việc các DN vi phạm và gian lận thương mại như: NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất khi không đủ điều kiện, không có Giấy xác nhận; giả mạo Giấy xác nhận; dùng Giấy xác nhận của các DN khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực; một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu nhưng thực tế có phế liệu NK... còn do khâu tổ chức thực hiện pháp luật trong thông quan phế liệu có thủ tục phức tạp, kéo dài. Hiện, cơ quan hải quan (CQHQ) đang áp dụng chồng chéo, trùng lắp 2 lần thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu NK theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Bên cạnh đó, còn có các bất cập từ các cơ quan chức năng và các văn bản pháp lý. Các cơ quan chức năng chưa xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân NK phế liệu vi phạm như biện pháp buộc tái xuất lô hàng phế liệu NK vi phạm hoặc buộc xử lý, tiêu hủy theo quy định. Phế liệu NK thuộc Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập chưa phù hợp với thực tiễn; để kiểm tra, lấy mẫu giám định phế liệu ở cửa khẩu nhập là không khả thi vì phải tiến hành kiểm tra từng container (mở container ra rất khó đóng vào). Việc quy định không rõ ràng trong cùng một văn bản như quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 15/2017/QĐ-TTg có thể dẫn đến một số CQHQ có thể cho làm thủ tục “tại cửa khẩu nhập” hoặc “tại nhà máy” và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tồn đọng phế liệu.
Hiện một số quy định của pháp luật mới được ban hành chưa được triển khai đồng bộ như: Khoản 1 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nếu thực hiện, thủ tục thông quan rất nhanh chóng và thuận tiện, đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ phế liệu NK theo quy định của pháp luật...
Hướng xử lý các container phế liệu “vô chủ”
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, tại Công văn 5087/BTNMT-TCMT, Bộ TN&MT đã xác định rõ nguyên nhân tồn đọng các container và đề xuất xử lý theo hướng: Đối với lô hàng phế liệu mà tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (có 116 tổ chức, chiếm 42%): CQHQ yêu cầu tổ chức khẩn trương đến làm thủ tục thông quan theo quy định. Trường hợp, các lô hàng phế liệu NK không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, theo hướng buộc tái xuất hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Chi phí sẽ do tổ chức, cá nhân NK phế liệu chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với các lô hàng phế liệu mà tổ chức, cá nhân NK không có Giấy xác nhận (có 158 tổ chức, chiếm 58%): CQHQ sẽ xác minh các tổ chức NK và xử lý như đối với tổ chức buôn lậu phế liệu NK. Yêu cầu tổ chức, cá nhân khẩn trương đến nhận lô hàng phế liệu NK theo quy định. Trường hợp, tổ chức, cá nhân đứng tên trong khai báo trên E-Manifest không phải là chủ hàng (do chủ hàng ủy quyền), phải yêu cầu tổ chức, cá nhân được ủy quyền và chủ hàng ủy quyền khai báo, xuất trình các văn bản ủy quyền theo quy định, để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các lô hàng phế liệu NK vô chủ và lô hàng phế liệu NK vi phạm nêu trên không thể tái xuất được, sẽ lựa chọn các nhà máy xử lý chất thải nguy hại hoặc sử dụng phế liệu NK tương ứng có Giấy phép xử lý chất thải và tái chế phế liệu còn lại. Sản phẩm có giá trị thu được từ quá trình xử lý, tiêu hủy và tái chế phế liệu vô chủ hoặc vi phạm sẽ được sử dụng để thanh toán cho việc xử lý, tiêu hủy.
Việc xử lý các container “vô chủ” được thực hiện theo các quy định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; thời gian giải quyết theo quy định này chỉ được thực hiện sau thời hạn 5 tháng (nếu không có người nhận) kể từ thời điểm các container đến cảng.
Các bộ ngành vào cuộc xử lý phế liệu nhập khẩu “vô chủ”
Ông Nguyễn Văn Tài- Tổng cục trưởng TCMT cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại các Thông báo 281/TB-VPCP ngày 7/8/2018 và Thông báo 322/TB-VPCP ngày 28/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động NK và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, TCMT đã phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố có phế liệu tồn đọng tại các cảng (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Định, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP HCM) khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Sau khi chủ động thành lập 7 Đoàn công tác làm việc với Tổng cục Hải quan; các Cục Hải quan, Cảng vụ Hàng hải và đơn vị kinh doanh cảng tại các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Định, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP HCM; kiểm tra thực tế các lô hàng phế liệu NK tại các cảng... TCMT đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động NK và sử dụng phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất đối với các cơ quan, tổ chức liên quan. Kết quả thanh tra bước đầu tại 10 tổ chức cho thấy: có 80% tổ chức hiện không còn phế liệu NK tại các cảng; 20% tổ chức có giấy phế liệu tồn đọng tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng)…