Nhập khẩu vàng: Lợi nhuận "kếch xù"?

Một chuyên gia trong ngành "tiết lộ": Ngoài những khoản phí vận chuyển, phí gia công (thuế nhập khẩu vàng hiện tại là 0%), chỉ cần làm một phép nhẩm tính cũng có thể biết khoản lợi nhuận kếch xù mà những nhà nhập khẩu vàng thu được trên mỗi tấn vàng nhập khẩu.

Một chuyên gia trong ngành "tiết lộ": Ngoài những khoản phí vận chuyển, phí gia công (thuế nhập khẩu vàng hiện tại là 0%), chỉ cần làm một phép nhẩm tính cũng có thể biết khoản lợi nhuận kếch xù mà những nhà nhập khẩu vàng thu được trên mỗi tấn vàng nhập khẩu.

Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã cho phép nhập khẩu vàng nhằm thỏa mãn lượng cầu trong nước nhưng vàng của Việt Nam vẫn duy trì mức giá cao, đắt hơn so với thế giới khoảng 500.000 – 800.000 đồng/lượng. Câu hỏi không ít người đặt ra là: Với sự chênh lệch giá này, lợi nhuận này sẽ rơi vào túi ai?.

Mỗi tấn vàng nhập khẩu về VN lãi hàng tỷ đồng?

Có thể nói, được sự hỗ trợ bởi đà tăng của giá vàng thế giới, thời gian qua, giá vàng trong nước đã đạt những mốc cao nhất trong lịch sử. Cách đây 3 tháng (tháng 9/2010), giá vàng vẫn được giao dịch quanh mức 29 triệu đồng/lượng, sau chỉ sau đó một thời gian ngắn, có thời điểm vàng tăng vọt lên trên 38 triệu đồng/lượng, cơn “sốt” vàng bùng phát. Hiện vàng vẫn giữ ở ngưỡng giá cao. So với giá thế giới quy đổi, giá trong nước vẫn đắt hơn từ 500.000 – 800.000 đồng/lượng.

Đánh giá nguyên nhân của cơn sốt giá trên thị trường vàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã cho rằng: Không loại trừ khả năng các đối tượng đầu cơ muốn đẩy giá lên cao để tạo sức ép với cơ quan quản lý. Để tạo thanh khoản cho thị trường, ngày 9/11, người đứng đầu NHNN đã chính thức tuyên bố cấp quota nhập khẩu với số lượng phù hợp nếu doanh nghiệp có nhu cầu.

Mặc dù không được công khai trực tiếp nhưng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính từ 1/11 đến hết ngày 15/11, kim ngạch nhập khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm của Việt Nam đạt 81,84 triệu USD. Nếu giả định toàn bộ kim ngạch nhậu khẩu là vàng (đã tính thuế nhập khẩu 1% - thuế nhập khẩu mới điều chỉnh xuống 0% từ 12/11), và giá thế giới ngày 10/11 ở mức trung bình 1.400 USD/ounce, số vàng đã nhập về Việt Nam trong nửa đầu tháng 11 đứng ở con số hơn 57.870 ounce, tương đương với hơn 1,64 tấn vàng.

Đây là lần thứ ba trong năm Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng, trước đó vào 7/10, cơ quan này đã cấp quota nhập khoảng 3 tấn có thời hạn ngắn 3 - 4 ngày.

Nhập khẩu vàng: Lợi nhuận "kếch xù"?, Tài chính - Bất động sản, gia vang, vang, gia usd, usd, ngan hang, nhap khau vang, tai chinh, so giao dich vang, san vang


Việc cho phép nhập khẩu vàng nhằm thỏa mãn lượng cầu trong nước nhưng vàng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức giá cao. Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng một món lợi kếch xù đã rơi vào tay các doanh nghiệp được phép nhập khẩu vàng? Liệu vẫn còn quota theo con đường chính ngạch và nhiều đơn vị nhập khẩu vàng lậu? Bởi mặc dù mua của thế giới với giá khá cao nhưng khi nhập khẩu về, họ bán phân phối cho các doanh nghiệp bán lẻ rất sát với giá trong nước và đương nhiên luôn luôn cao hơn nhiều so với giá nhập.

Một chuyên gia trong ngành "tiết lộ": Ngoài những khoản phí vận chuyển, phí gia công (thuế nhập khẩu vàng hiện tại là 0%), chỉ cần làm một phép tính thử có thể nhẩm tính những nhà nhập khẩu vàng thu được bao nhiêu lợi nhuận trên mỗi tấn vàng nhập khẩu. Theo đó, 1 tấn vàng = 1.000.000 grams vàng,1 lượng vàng = 37,5 grams. Như vậy, một tấn vàng tương đương xấp xỉ 26.667 lượng. Hiện mỗi lượng vàng trong nước chênh 800.000 đồng so với giá thế giới quy đổi, dễ thấy, mỗi tấn vàng nhập về lãi lên đến hàng tỷ đồng, lợi nhuận thu về không hề nhỏ.

“Nếu cứ kéo dài chênh giá như này sẽ tạo ra một lợi nhuận tương đối lớn mà hiện nay chưa có cách nào hợp lý để đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới", chuyên gia này nói.

Đối với bất động sản, Nhà nước có qui định về khung giá đất trong từng thời điểm, từng vị trí nhưng đối với thị trường vàng, giống như thị trường ngoại hối, NHNN không can thiệp vào, nhà nước quản lý theo cách điều tiết thông qua cấp quota nhập khẩu. Do đó, với khối lượng vàng mà các doanh nghiệp nắm giữ, họ có thể hợp lực lại với nhau trở thành giới đầu cơ, tự động nâng giá quy định cán cân của thị trường vàng.

Vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Trước đó, năm 2005, Hiệp Hội kinh doanh vàng VN (VGTA) cũng đã đề xuất thành lập hai trung tâm giao dịch vàng từ trước khi có các sàn giao dịch vàng phát triển. Mục tiêu cho ra đời hai trung tâm giao dịch vàng nhằm kiểm soát lượng vàng giao dịch và theo dõi giá cả trên thị trường, góp phần bình ổn giá vàng trên thị trường Việt Nam và là đầu mối của các hoạt động giao dịch vàng trên thị trường theo cơ chế thỏa thuận giá.

Ông Trần Quốc Quýnh - chuyên gia cao cấp của VGTA - cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào vàng rất lớn như hiện nay việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia là cần thiết góp phần tạo một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả.

Một số chuyên gia về vàng cũng nhận định: “Sở giao dịch vàng quốc gia là một ý tưởng tốt” nhưng một vấn đề cần đặt ra là ai sẽ làm lợi trên đó?

Trong thời gian tới, vàng sẽ lưu trú vào đâu?

Tuần qua, cùng với việc giảm lãi suất tiết kiệm vàng, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại chuyển hình thức nhận vàng dưới dạng phát hành chứng chỉ tiền gửi. Người mua chứng chỉ này xem như một hình thức đầu tư vốn, do vậy phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 5% trên tiền lãi theo quy định. Ngân hàng sẽ khấu trừ luôn 5% thuế trước khi trả lãi. Những người gửi vàng dưới dạng sổ tiết kiệm vẫn được nhận trọn lãi.

Trong thời gian tới, người dân sẽ cất giữ vàng vào đâu khi gửi Ngân hàng mất phí 5% thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn

Anh Hoàng Hữu Định, phụ trách kinh doanh của Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu nhận xét: Thực ra, lượng vàng trong dân nắm giữ khá lớn, đa số người dân mua trong khoảng thời gian ngắn rồi bán hoặc mua với mục đích dài hạn để đảm bảo giá trị đồng vốn. Quy định trên của Nhà nước là một biện pháp bình ổn giá khi giá vàng biến động khó lường, hơn nữa, nhằm hạn chế thói quen mua vàng để cất trữ, định giá, thanh toán dường như đã “ăn sâu vào máu” của người dân. “Nó sẽ một phần nào ảnh hưởng tới NĐT, nhưng không biết là chiều hướng tốt hay xấu” – Anh Định nói.

Theo nhiều ngân hàng, do lãi suất vàng hiện khá thấp, nay lại bị đánh thuế TNCN xem như hạn chế người dân gửi vàng. Một số ngân hàng hướng dẫn khách hàng chuyển vốn vàng thành VND gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hơn, lại không phải đóng thuế nhưng ít người đồng ý.

Với việc áp dụng thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước ngày 29/10, người dân không được khuyến khích giữ vàng bởi họ phải trả 5% thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn. Vậy trong tương lai, họ sẽ sử dụng vàng với mục đích gì và cất giữ ở đâu?

Theo ý kiến của đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý: Có một số khả năng xảy ra như sau: Thứ nhất, người dân sẽ cất ở nhà. Thứ hai là khi cần, họ sẽ bán cho các tiệm vàng. Theo đó, nguồn vàng ấy sẽ nằm ở các tiệm vàng của các ngân hàng. Nhưng điều đáng nói là: các tiệm vàng không thể có nhiều tiền mua vàng để cất giữ trong nhà. Người có nhiều tiền nhất để cất được trong kho đó chính là NHNN.

Nhiều người tiêu dùng cũng đặt ra câu hỏi: Bao giờ NHNN sẽ làm được điều đó? Liệu Sở giao dịch vàng quốc gia trong tương lai có phải giúp cho Nhà nước thực hiện điều này hay không? Trong khi, việc hạn chế các ngân hàng thương mại huy động vốn bằng vàng cộng với việc không được xuất khẩu chẳng khác nào “nhận vàng vào là nhận vốn chết”.

Một số chuyên gia cho rằng: “Cần nghiên cứu cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, có uy tín với khách hàng xuất, nhập khẩu nhiều hơn nữa, và tiến dần tới việc tự do hóa hoạt động này, chỉ nên điều chỉnh bằng chính sách thuế, để tránh tình trạng mất cân đối cung cầu. Nếu chỉ cho nhập, mà không cho xuất như hiện nay sẽ càng làm mất cân đối về cán cân ngoại tệ. Vì vậy cần cho xuất khẩu vàng khi cần thiết để tái tạo ngoại tệ cho đất nước”.

24H

Đọc thêm