Với quan niệm là nơi hợp lưu của 3 dòng sông nơi đất Tổ, là nguồn nước tạo liên kết âm – dương, có thể “tẩy rửa bụi trần cho người chết được siêu thoát”, từ nhiều năm trước đây dòng nước nơi 3 con sông Đà, sông Lô, sông Hồng giao nhau tại phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã được người ta “chuyên dụng” vào những việc trọng đại như tắm rửa cho người chết khi khâm liệm, cải táng mồ mả, làm móng xây nhà…
Cùng với sự phát triển kinh tế, thời gian gần đây khi nhận thấy “có cầu thì có cung”, những dịch vụ trục lợi từ nguồn nước này đã phát sinh khi người từ các địa phương đổ về đây lấy “nước thiêng” ngày một nhiều.
Ngã ba sông nơi được coi là “dòng nước linh thiêng” |
9 người 10 ý
Từ phía trước đền Bạch Hạc, muốn đến nơi 3 dòng nước giao nhau phải xuống đò ngược dòng chừng 4 – 5 cây số đường sông. Ngay từ sáng sớm, trên bến dưới thuyền đã tấp nập những đoàn người mang theo nào can, chai, lọ hối hả xuống bến. Theo lời giới thiệu của chủ thuyền, đây chính là điểm “giang sơn quy về một mối”: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô hòa quyện vào nhau. Tại ngã ba Hạc, nước sông có đủ vị ngọt - mặn, vị đất, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào nơi thế đất “tụ nhân – tụ thủy”.
Không khí trên thuyền càng thêm rôm rả khi mỗi người đóng góp thêm một câu chuyện minh chứng cho sự “linh thiêng” của dòng nước ở đây.
Theo ông Huệ là một người dân thị xã Phú Thọ: “Đã từ lâu người dân khu vực chúng tôi sinh sống có tục là khi gia đình có người quá cố, hoặc cải táng thì dù hoàn cảnh thế nào cũng phải đi lấy được nước ở đây về đun sôi, cho thêm hồi quế để tắm rửa cho người khuất thì linh hồn mới mát mẻ siêu thoát và phận làm con, làm cháu mới trọn đạo hiếu được”. Ông ra lấy nước lần này cũng vì cha ông sức khỏe đang yếu dần, cụ bị bệnh ung thư phổi bệnh viện đã trả về hơn một tháng nay nên người con đi lấy nước để phòng xa “Lỡ ông cụ chẳng may nằm xuống còn có cái mà dùng”.
Ông Huệ cho biết, ông còn phải ra đây một lần nữa, khi cải táng cũng phải bắt buộc có nước thiêng để tắm rửa hài cốt rồi mới coi là hoàn thành trách nhiệm của con cái đối với cụ, nước thiêng sẽ tạo được liên kết âm – dương hoặc tẩy rửa bụi trần để người chết được siêu thoát, con cháu được mát mẻ, làm ra ăn nên.
Người phụ nữ tên Hà lặn lội từ huyện Thanh Trì (Hà Nội) lên thì lại có mục đích khác. Sau nhiều năm làm ăn dành dụm, năm nay anh chị mới có tiền để làm nhà và từ lời đồn thổi “khi xây nhà lên đây lấy nước thì tiền của cứ vào như nước” nên chị sắm hẳn 5 cái can 20 lít vượt quãng đường hơn 100 km lên đây.
Thấy mọi người tỏ vẻ e ngại “có cần mang nhiều can thế không” thì người phụ nữ này lại hồ hởi: “Mình lấy không chỉ dùng một lần mà từ lúc động thổ, đào móng, đổ mái cho đến khi hàn thổ long mạch thì bằng này cũng có thấm tháp gì”.
Còn ông Hòa người Sơn Tây thì cho rằng nước thiêng còn có thể… chữa được cả bệnh: “Trước đây tôi bị bệnh cứ thay đổi thời tiết là toàn thân đau nhức, uống thuốc gì cũng chỉ thuyên giảm một thời gian rồi bệnh lại đâu vào đó. Lần trước tôi nhờ người quen lên đây lấy 2 lít nước thiêng về uống, thấy người nhẹ nhõm khỏe ra. Lần này tôi quyết định ra tận nơi để lấy về uống dần”.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, chiếc thuyền cũng đi đến khu vực hợp lưu giữa ngã ba sông nơi được coi là chỗ nước thiêng tụ hội. Những người trên thuyền chẳng ai bảo ai, tranh nhau đưa can xuống dòng nước để lấy nước, nét mặt hỉ hả.
“Dịp cuối năm vừa rồi, tôi chở một một ông người Hải Phòng lên đây lấy nước về cải táng cho mẹ. Đúng là tôi chưa thấy ai có hiếu như ông ấy, chỉ lấy nước mà ông ấy phải lên đây từ trước mấy hôm, canh đúng 12 giờ đêm ngày tốt mới thuê đò đi ra ngã ba sông lấy nước, mà giờ về bến cũng phải chuẩn không kém một phút”, ông lái thuyền “phụ họa” thêm.
Phong tục tốt đẹp bị biến tướng?
Kể từ ngày người từ các nơi đổ xô về đây lấy nước, đời sống dân vạn chài khấm khá rõ rệt, cứ nhẩm tính mỗi ngày chỉ cần chạy ra đó hai chuyến là mỗi nhà thuyền đã có vài triệu đồng. Ông chủ thuyền Nguyễn Văn Hoan năm nay đã ngoài 50 tuổi cho biết trước đây gia đình ông sống chủ yếu bằng nghề chài lưới giăng câu, còn bây giờ nghề chính của gia đình ông lại là chở khách ra ngã ba sông lấy nước thiêng và làm các dịch vụ khác trên bờ. Ông chẳng giấu diếm: “Từ công việc này mà tôi đã đóng được thuyền máy, có vốn để nuôi hai lồng cá chiên”.
Đến tiệm sửa xe cũng “kiêm nhiệm” bán “nước thiêng” |
Dọc theo hai bên đường dẫn vào đền Bạch Hạc, hàng quán mọc lên nhan nhản, dù không lộ liễu bày bán các loại can nhựa nhưng chỉ cần khách hỏi mua thì số lượng hàng trăm chiếc cũng có. Chiếc can nhựa dung tích 10 lít bình thường chỉ có giá khoảng 15 – 20 ngàn nhưng ở đây có giá gấp đôi.
Bất kỳ hàng quán nào cũng đều có sẵn “nước thiêng” để bán với giá đắt ngang với xăng: Không dưới 300 ngàn một can 20 lít. Đấy là chưa kể đến các dịch vụ nhà nghỉ, phục vụ ăn uống, đồ lễ… Thế nhưng, chẳng vị khách nào kêu ca, phàn nàn đắt rẻ vì họ đều cho rằng việc lấy nước thiêng thuộc về tâm linh nên không ai mặc cả, kỳ kèo, chủ quán nói bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu.
Theo lời một chủ quán: “Bình thường một can nước 20 lít có giá từ 300 – 400 nghìn đồng. Thế nhưng hôm nào may mắn gặp được “đại gia” thì số tiền có thể là 500 - 600 ngàn, thậm chí cũng có người “hào phóng” trả đến 1 triệu một can”. Chính vì “nghề” này mà nhiều gia đình ở khu vực đã “khá giả” lên trông thấy, bằng chứng là những dãy nhà khang trang chạy dọc theo phía sông.
Một chủ thuyền khác cho biết: “Đã hàng chục năm nay gia đình tôi sống nhờ việc lấy nước thiêng ở ngã ba sông này, không chỉ nuôi các cháu ăn học mà chẳng phải lo cuộc sống thường nhật như làm nghề sông nước trước đây “thả lưới, bắt tôm tép” chạy ăn lo từng bữa một”.
Theo như người dân nơi đây thì công việc bận rộn nhất của họ và cũng kiếm bội tiền nhất là vào thời điểm cuối năm và đầu năm mới. Vào thời điểm đó, mỗi một chuyến đò chèo tay, thường chỉ đi được từ 1 - 2 người cũng phải có giá từ 500 - 600 ngàn đồng.
Còn đi thuyền máy thì cứ tính theo can nước mà thu tiền, mỗi người được kèm theo một can, còn từ can thứ hai trở đi thì tính tiền riêng, tuy giá có giảm đi chút ít, lấy càng nhiều can thì giá càng “hữu nghị”. “Có những ngày chúng tôi phải cho thuyền đi từ tờ mờ sáng để kịp lấy nước theo “đơn đặt hàng”, cũng có người lấy một lúc cả hàng chục can 20 lít.
Thế nhưng có một sự thật đã bị che giấu về “nguồn nước linh thiêng”, đến khi chúng tôi nghe câu chuyện của cụ Nguyễn Xuân Quý, đã nhiều năm làm thủ từ đền Tam Giang ngay bên bến sông. Theo phong tục địa phương từ xa xưa thì sau khi lấy nước thiêng, mọi người trở về phải vào trong đền Tam Giang lễ tạ thì nước thiêng mang về mới linh ứng.
Cụ Quý cho biết tục lấy nước từ ngã 3 sông có ý nghĩa ban đầu chỉ để cầu may nhưng nay “nước thiêng được người ta tùy tiện sử dụng vào nhiều việc, tùy theo sự ngẫu hứng và tưởng tượng của mỗi người”. Một cụ bà đến thắp hương lễ ở đền cũng xác nhận: “Nếu ở đời anh làm việc thất nhân, thất đức thì nước nào đi nữa cũng chẳng thể nào tẩy rửa bụi trần để được siêu thoát”.
Cụ Quý đưa cho chúng tôi cuốn sổ tay ghi họ tên, địa chỉ để cụ làm lễ xin nước: “Nếu tín chủ đến đây lấy nước về thờ thì trước hết cái tâm phải trong sáng, không màng vụ lợi”. Tôi lật giở cuốn sổ thấy có rất nhiều người ở khắp mọi miền về đây xin nước thiêng từ Thái Nguyên, Cao Bằng đến Nghệ An, Hà Tĩnh… mỗi người một ý nguyện.
Chia tay ngã ba sông theo truyền thuyết là nơi khởi đầu của dân tộc Việt Nam khi chiều chạng vạng tối, người dân nơi đây cũng đã nghỉ những chuyến đi lấy nước ở ngã ba sông, trong lòng lại vẩn vơ nghĩ về lời của cụ Quý: "Sống ở đời phải có nhân có nghĩa, phải sống sao cho có ích cho xã hội, giữ được tấm lòng trong như nước kia, chứ đừng để đến lúc nhắm mắt, xuôi tay mới mong gột rửa thì nước thiêng cũng chẳng làm được”.
Doãn Kiên