Nhập siêu trở lại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước đạt 156,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa ước đạt 148,7 tỷ USD... Sau 5 tháng Việt Nam giữ vững cán cân thương mại xuất siêu 8 tỷ USD và các yếu tố quan trọng trong xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốt như kim ngạch XK đi các thị trường truyền thống (Mỹ, châu Âu…) vẫn tăng đều; Đa số các mặt hàng NK là nhóm hàng tư liệu sản xuất (chiếm 94% kim ngạch), nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 8,87 tỷ USD, chiếm 6%.
Đáng chú ý, số liệu này cũng cho thấy, kim ngạch XK hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD; trong khi đó kim ngạch NK hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD. Như vậy, tháng 5/2024 là tháng đầu tiên Việt Nam nhập siêu sau gần 2 năm duy trì tốc độ xuất siêu hàng tháng. Lần gần nhất cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận nhập siêu là tháng 5/2022, ở mức 2,02 tỷ USD.
Mặc dù vậy, việc nhập siêu trở lại lại được nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế nhìn nhận tích cực, vì cho rằng điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) sản xuất tăng mua nguyên liệu, vật tư để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết. Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, nhập siêu quay lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng hơn do nhập siêu đến từ việc NK thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 5/2024, NK linh kiện điện tử máy tính, máy móc thiết bị tăng 27,3%; nguyên vật liệu dệt may tăng mạnh với mức 33%... Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới.
Dù cán cân thương mại sau 5 tháng vẫn xuất siêu cao nhưng Tổng cục Thống kê vẫn đưa ra khuyến cáo cho rằng, trong tháng 5, mức tăng của kim ngạch NK hàng hóa lớn hơn mức tăng của kim ngạch XK hàng hóa, xu thế xuất siêu có dấu hiệu chậm lại.
“Khi nhập siêu có dấu hiệu quay trở lại, chúng ta cần chú trọng đa dạng hóa thị trường NK, đặc biệt là thị trường NK nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; Từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; Chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng NK hàng hóa phù hợp; Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng NK và sử dụng hiệu quả hàng rào kỹ thuật” - đại diện Tổng cục Thống kê lưu ý.
Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu
Đại diện Bộ Công Thương cũng đánh giá, việc nhập siêu trở lại sau thời gian gần 2 năm cũng chưa cho thấy có dấu hiệu gì đáng lo bởi việc hồi phục XK của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy cán cân thương mại hàng hóa vẫn giữ vững đà tăng trưởng. Chưa kể, XK phục hồi ở cả khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực DN 100% vốn trong nước. Trong đó, nhóm DN trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài). Cùng với đó là XK sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có sự phục hồi tốt.
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng đánh giá, hoạt động XK và khai thác ưu đãi từ các FTA còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tận dụng tối đa các cơ hội có được, tính chuyên nghiệp và bền vững của một bộ phận DN chưa cao. Do đó, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã có nhiều cuộc làm việc để thúc đẩy XK các mặt hàng có thế mạnh, đặc biệt là nông sản sang các thị trường truyền thống và các thị trường đã có FTA để tận dụng thuế quan NK. Đồng thời sẽ tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng như Nga, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi…
Cùng với đó, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao đàm phán mở cửa thị trường XK, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt. Trước mắt, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tham tán thương mại cùng vào cuộc để tiêu thụ các nông sản tới vụ (như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng…) và phối hợp với các bên liên quan của Việt Nam và Trung Quốc để điều tiết tốt tốc độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; Tổng kim ngạch XK sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch XK được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch XK sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%. Bên cạnh đó, đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 hiệp định và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương).