Nhập viện cấp cứu sau khi bị con vật lông vàng cắn vào tay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn mới tiếp nhận nam thanh niên 31 tuổi, nhập viện do có biểu hiện phản vệ độ 2 và ngộ độc sau khi bị động vật lông vàng không rõ loại cắn vào tay.
Vết thương ở đầu ngón tay bệnh nhân sau khi bị culi cắn.
Vết thương ở đầu ngón tay bệnh nhân sau khi bị culi cắn.

Trước đó, nam thanh niên đi rừng đã bắt gặp loài động vật nhỏ, lông vàng, mắt to tròn không rõ loài gì và bị cắn vào đầu ngón tay.

Sau khi bị cắn vài phút, người này thấy mẩn ngứa, tê bì, run toàn thân, da lạnh, tím tái các đầu ngón tay chân, đau bụng, tức ngực, khó thở, cứng lưỡi, đau buốt tại vết cắn.

Tại bệnh viện, qua mô tả của bệnh nhân và làm các xét nghiệm kiểm tra, tham khảo ý kiến từ Trung Tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn nhận định bệnh nhân bị phản vệ độ 2, nhiễm độc nọc độc sau khi bị con cu li cắn.

Đây là một trong những trường hợp hiếm gặp tại bệnh viện cũng như trên cả nước.

Con Cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước.

Con Cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước.

Theo bác sĩ, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có rối loạn đông máu, là triệu chứng điển hình của nhiễm độc do cu li cắn. Bệnh nhân rất may đã vào viện sớm, được cấp cứu kịp thời.
Sau khoảng 40 phút xử trí, các biểu hiện sốc phản vệ và ngộ độc của bệnh nhân đã dần thuyên giảm.

Bác sĩ cho biết, hình ảnh nhận dạng cho thấy con cu li cắn bệnh nhân thuộc giống Nycticebus, họ cu li Lorisidae, bộ linh trưởng (Primate) với vẻ bề ngoài hiền lành, mắt tròn to, lông vàng óng nên người dân thường hiểu lầm là vô hại. Thực chất, cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước, có bản chất Protein. Cu li dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. Nọc độc kết hợp với nước bọt gây nhiễm độc qua nhát cắn tự vệ.

Trên thế giới cũng như trong nước có rất ít thông tin, tài liệu nghiên cứu thành phần tuyến nọc độc của cu li. Biểu hiện sau khi bị cu li cắn có thể gặp phải: tê bì, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi, khó chịu toàn thân, rối loạn các yếu tố đông máu, đau buốt, hoại tử, nhiễm trùng vết cắn. Ngoài ra một số trường hợp biểu hiện dị ứng, thậm chí phản vệ, có thể dẫn đến tử vong.

Đây là ca bệnh thứ 2 bị cu li cắn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong 2 năm gần đây. Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người dân cần thận trọng khi gặp phải các sinh vật trong tự nhiên, hoang dã khi chưa nắm được đặc điểm loài, nguy cơ có hại mà chúng gây ra. Tuyệt đối không bắt và nuôi cu li, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi đi rừng, nếu không may bị các loài vật hoang dã cắn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Đọc thêm