Nhật ký chiến trường “Lính chiến”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  CLB “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Tạp chí môi trưởng và Đô thị Việt Nam và CLB “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức giới thiệu tác phẩm nhật ký chiến trường “Lính chiến” của tác giả Phạm Hữu Thậm.

Nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung uý CCB Phạm Hữu Thậm, là một phát hiện mới trong năm 2022 của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, do Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu; Nhà sách “Tri Thức Trẻ” liên kết với Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Tác giả Phạm Hữu Thậm sinh năm 1945 tại thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn (nay là phường An Phụ, thị xã Kinh Môn) tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4 năm 1968, chỉ qua huấn luyện tân binh 2 tháng, ông đã cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam và được biên chế vào Đại đội 14, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ một chiến sĩ, trải qua nhiều trận đánh sống chết với kẻ thù vô cùng gan dạ và dũng cảm, anh lính Phạm Hữu Thậm đã trở thành Phó tiểu đoàn trưởng Quân sự, với quân hàm Trung uý.

Nhà văn Đặng Vương Hưng (người viết lời tựa giới thiệu sách) cho biết: "Trước khi nhập ngũ và lên đường vào Nam chiến đấu, Trung uý cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm chỉ có trình độ văn hoá lớp 4. Vậy ông đã thể hiện bản thảo cuốn nhật ký này như thế nào? Thật may mắn, là những ngày ở chiến trường, Phạm Hữu Thậm có thói quen ghi chép vắn tắt hoạt động của mình và anh em trong đơn vị vào một cuốn sổ tay. Khi có thời gian rảnh rỗi, ông viết bổ sung thêm nhiều chi tiết cụ thể cho những sự vật và hiện tượng mình đã chứng kiến. Đó là tư liệu vô cùng quý giá, cộng với trí nhớ “trời cho” để ông có thể hoàn thành bản thảo tác phẩm nhật ký “Lính chiến” sau này".

Tác giả Phạm Hữu Thậm, nhà văn Đặng Vương Hưng và các đại biểu.

Tác giả Phạm Hữu Thậm, nhà văn Đặng Vương Hưng và các đại biểu.

Thật hiếm có một cựu chiến binh nào như Trung úy Phạm Hữu Thậm, sau hàng chục năm đã trở về với cuộc sống đời thường, mà vẫn còn được cả đơn vị cũ và chính quyền địa phương nơi cư trú đồng thuận, nhất trí cao, cùng làm văn bản đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: Sư đoàn 2 (Quân khu 5) có công văn đề nghị số 09/CV-ĐN, ngày 20/9/1996 gửi Bộ Quốc phòng, Cục Chính trị - Tổng cục Chính trị, Thường vụ Đảng uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 5. Tám năm sau, từ ngày 17/8 đến ngày 20/9/2004, lần lượt thêm các văn bản để nghị của: Đảng uỷ và Uỷ ban Nhân dân xã An Phụ; Hội Cựu chiến binh xã An Phụ; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kinh Môn; Đại đội 14 thuộc Trung đoàn Bộ binh 38; Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 38…

Theo một văn bản do Thượng tá, Sư đoàn trưởng Nguyễn Trung Thu, thay mặt Đảng uỷ và Chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 2 ký ngày 20/9/1996, cho biết: Căn cứ báo cáo thành tích của Trung uý Phạm Hữu Thậm và các bản xác nhận của đồng đội cùng chiến đấu, trong 14 năm cầm súng, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm đã tham gia nhiều chiến dịch tiêu biểu, trong đó có Chiến dịch K700 Thượng Đức – Quảng Đà, tháng 3/1970; Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng, tháng 5/1972... Tổng cộng, ông đã trực tiếp chiến đấu 127 trận đánh vô cùng dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt tới 253 tên địch (trong đó có 145 lính Nguỵ, 71 lính Mỹ và 30 lính Polpot).

Phạm Hữu Thậm còn bắn rơi 19 máy bay (trong đó có 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng). Trong chiến đấu và công tác, ông đã đựơc tặng thưởng tới 7 Huân chương Chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ’, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” và “Chiến sĩ Quyết thắng”...

Nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung uý CCB Phạm Hữu Thậm, là một phát hiện mới trong năm 2022 của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.

Nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung uý CCB Phạm Hữu Thậm, là một phát hiện mới trong năm 2022 của bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.

Trong đại thắng mùa xuân 1975, sau khi cùng đơn vị tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng, Phạm Hữu Thậm cùng đơn vị được điều đi chi viện cho lực lượng Hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa. Ông đã xung phong cùng đồng đội bí mật lên tàu vượt biển, trực tiếp cùng bộ đội đặc công nước tham gia các trận đánh và lần lượt giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca và Nam Yết.

Trong đội hình chiến đấu của Đại đội Phòng không 14, Tiểu đoàn Bộ binh 4, ông đã phải chứng kiến rất nhiều đồng đội hi sinh…

Khi quần đảo Trường Sa đã hoàn toàn được giải phóng, Phạm Hữu Thậm đã được giao nhiệm vụ làm Chính trị viên đảo Sơn Ca trong 3 tháng. Tiếp đó, ông đảm nhiệm trọng trách làm Đảo phó Song Tử Tây đến hết tháng 8/1976 mới vào đất liền và được điều động bổ sung về Lữ đoàn 126 của Bộ Tư lệnh Hải quân…

Tháng 1/1982, do sức khoẻ yếu, Trung uý Phạm Hữu Thậm đã được Quân đội cho nghỉ chế độ mất sức của bệnh binh.