Nhật triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc về nước

Đại sứ Nhật tại Trung Quốc Uichiro Niwa ngày 15/7 từ Bắc Kinh trở về Tokyo để thảo luận với Ngoại trưởng Koichiro Gemba về những diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Tokyo – Bắc Kinh, trong đó có cả việc các tàu công vụ của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo đang xảy ra tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.

Đại sứ Nhật tại Trung Quốc Uichiro Niwa ngày 15/7 từ Bắc Kinh trở về Tokyo để thảo luận với Ngoại trưởng Koichiro Gemba về những diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Tokyo – Bắc Kinh, trong đó có cả việc các tàu công vụ của Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo đang xảy ra tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.

Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa. Ảnh: Tân Hoa xã

Phát biểu với các phóng viên tại Sân bay quốc tế Bắc Kinh trước khi khởi hành về nước, ông Niwa cho biết ông sẽ trở về Tokyo để báo cáo về tình hình, trong đó có cả các vụ xâm nhập của tàu công vụ Trung Quốc trong các ngày 11 và 12 vừa qua. Ông Niwa nói rằng ông chưa quyết định được thời điểm sẽ quay trở lại Bắc Kinh.

“Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ phải trở lại sau khi kết thúc các cuộc thảo luận tại Tokyo”, Đại sứ Niwa cho biết thêm. Ông Niwa trong một bài trả lời phỏng vấn hồi tháng trước đã công khai phải đối kế hoạch mua lại đảo Senkaku của chính quyền Tokyo do Thống đốc Shintaro Ishihara khởi xướng vì lo ngại hành động này có thể dẫn đến khủng hoảng trong quan hệ giữa 2 nước.

Phát biểu của ông Niwa Uichiro đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân Nhật Bản, thậm chí một số người đã kêu gọi Ngoại trưởng Gemba bãi miễn chức vụ Đại sứ của ông Niwa.

Căng thẳng giữa Nhật Bản đã lên cao trong tuần qua khi Bắc Kinh điều 3 tàu Ngư chính tiến vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Tokyo đã phái tàu thường trực đuổi tàu Ngư chính Trung Quốc và triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa để phản đối. Các sự việc trên xảy ra sau khi Nhật Bản công khai ý định mua lại một số đảo thuộc quần đảo Senkaku từ những chủ sở hữu tư nhân để tiến hành quốc hữu hóa khu vực đảo này.

Hãng tin AFP ngày 15/7 dẫn thông tin từ truyền thông Đài Loan cho biết, giới chức vùng lãnh thổ này đang xem xét mở rộng đường băng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu được chấp nhận, dự án này sẽ kéo dài đường băng trên đảo Ba Bình thêm 500m.

Trước đó, Đài Loan hồi tháng 2 vừa qua đã ngang nhiên xây dựng hệ thống hướng dẫn không lưu trên đảo Ba Bình, bất chấp các nước tuyên bố chủ quyền với đảo Ba Bình phản đối. Ngày 30/4, một nhóm Ủy viên viện Lập pháp Đài Loan và giới chức quân sự đảo này đã ra đảo Ba Bình để tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” trên hòn đảo này – hành động đã bị phía Việt Nam kiên quyết phản đối.

Philippines tiếp tục giám sát tại bãi Trăng Khuyết

Trong một động thái nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu mới với tàu của Philippines khi căng thẳng đang gia tăng trên biển Đông, Hãng tin Reuters ngày 15/7 dẫn nguồn từ Tân Hoa xã đưa tin, tàu 560 lớp Giang Hồ V của Trung Quốc bị mắc cạn đã được “giải cứu” thành công, chỉ bị hư hại nhẹ và sẽ quay về cảng ở Trung Quốc.

“Vào khoảng 5h sáng 15/7, con tàu mắc cạn tại khu vực bãi Trăng Khuyết đã được giải thoát thành công với sự trợ giúp của một đội cứu hộ. Tàu bị hư hỏng nhẹ và tất cả những thành viên trên tàu đều an toàn. Tàu đã được lên kế hoạch để trở về cảng” – Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một tuyên bố cho hay. Giới chức Philippines tuyên bố sẽ không nộp kháng nghị ngoại giao với Trung Quốc về vụ việc.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của hải quân Philippines cho biết, Manila vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình tại khu vực bãi Trăng Khuyết sau khi máy bay giám sát của Philippines phát hiện 6 tàu hải quân của nước này hôm 14/7. “Đến  tối ngày 14/7, các tàu của Trung Quốc vẫn hiện diện ở khu vực này, và cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vân chưa nhận được thông tin về việc liệu họ có rút tàu khỏi khu vực này hay không” – ông Rustom Pena – chỉ huy lực lượng hải quân miền Tây Philippines nói với các phóng viên.

Theo các nguồn tin Trung Quốc, tàu 560 lớp Giang Hồ V gặp sự cố khi đang trong nhiệm vụ “tuần tra thông thường”. Tuy nhiên, giới chức Philippines khẳng định nơi tàu Trung Quốc mắc cạn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo Palawan 60 hải lý.

Phó đô đốc Rustom Pena xác nhận con tàu gặp nạn là một trong số những tàu chiến từng đe nẹt ngư dân Philippines và ngư dân các nước khác ở biển Đông. Vụ việc này khiến tình hình giữa Bắc Kinh và Manila thêm phức tạp, khi những căng thẳng quanh bãi cạn Scarborough vẫn chưa ngã ngũ.

Minh Ngọc (theo Kyodo news, AFP, Reuters)

Đọc thêm