Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản ngày 15/8 bắt 5 nhà hoạt động thân Trung Quốc khi họ tiếp cận nhóm đảo đang xảy ra tranh chấp. Phía Trung Quốc cũng tuyên bố đang theo dõi sát sao các diễn biến và yêu cầu Nhật Bản đảm bảo an toàn cho cư dân của họ.
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản ngày 15/8 bắt 5 nhà hoạt động thân Trung Quốc khi họ tiếp cận nhóm đảo đang xảy ra tranh chấp. Phía Trung Quốc cũng tuyên bố đang theo dõi sát sao các diễn biến và yêu cầu Nhật Bản đảm bảo an toàn cho cư dân của họ.
Trước khi các nhà hoạt động Hong Kong tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư, phía Trung Quốc ngày 15/8 đã lên tiếng cảnh báo Nhật Bản không gây nguy hiểm đến sự an toàn của những công dân của họ.
Hãng tin Nhà nước Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng Bắc Kinh đang “theo dõi sát sao” các động thái trên biển.
|
Nhóm các nhà hoạt động thân Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Theo thông tin từ đài NHK của Nhật Bản, 5 nhà hoạt động đã bị bắt giữ sau khi tiếp cận nhóm đảo Senkaku trong tiếng Nhật Bản và người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. David Ko – người phát ngôn của nhóm các nhà hoạt động thuộc Ủy ban Hành động bảo vệ quần đảo Điếu Ngư – cho biết, có 7 người trong nhóm đã tiếp cận Điếu Ngư/Senkaku và 5 người trong số này đã bị tạm giữ để thẩm vấn.
“Những người này mang theo cờ Trung Quốc và Hong Kong. Con tàu đã bị phá hủy” – ông Ko nói.
Theo một quan chức của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, các nhà hoạt động thân Trung Quốc “đã tiến vào lãnh hải Nhật Bản lúc 15h51”.
“Chúng tôi đã dùng bộ khuếch đại và các thiết bị liên lạc vô tuyến điện để phát cảnh báo đến nhóm này” – quan chức nói trên cho hay. Vị này cũng xác nhận việc lực lượng tuần duyên đã cử tàu tuần tra và máy bay trực thăng đến khu vực này nhưng không nói rõ số lượng.
“Chúng tôi đã được đặt trong tình trạng báo động cao để ngăn họ tiến vào lãnh hải Nhật Bản hoặc tiếp cận các hòn đảo, trong khi vẫn thận trọng để tránh một vụ va chạm có thể xảy ra” – một quan chức lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản nói.
Người đứng đầu nhóm các nhà hoạt động của Trung Quốc nói rằng tàu tuần duyên Nhật Bản đã sử dụng vòi rồng để dội vào tàu của nhóm.
“Phía Nhật Bản đã bắn vòi rồng về phía tàu chúng tôi” - Chan Miu-tak – người đứng đầu nhóm các nhà hoạt động thuộc Ủy ban Hành động bảo vệ quần đảo Điếu Ngư (cách gọi của Trung Quốc) nói với Hãng tin AFP. Chan cho biết thêm rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã sử dụng vòi rồng khi tàu của họ ở cách khu vực quần đảo tranh chấp khoảng 15 hải lý.
Nhóm các nhà hoạt động nói trên đã nhiều lần tìm cách tiến vào khu vực quần đảo đang xảy ra tranh chấp nhưng đều bị tàu tuần tra Nhật Bản chặn lại và mới chỉ tiếp cận thành công một lần duy nhất vào năm 1996.
Nhóm đảo không người ở này là hiện trường vụ va chạm giữa tàu đánh cá Nhật Bản và Trung Quốc hồi năm 2010, vốn đã khiến Bắc Kinh giận dữ và quyết định cắt đứt quan hệ cấp cao với Nhật Bản sau khi phía Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc.
Căng thẳng giữa 2 nước đã tăng vọt từ tháng 4 vừa qua sau khi Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara thông báo kế hoạch mua lại nhóm đảo từ các chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản.
Trước đó, các nhà hoạt động đảo Đài Loan ngày 14/8 đã thông báo hủy kế hoạch cùng nhóm tàu Trung Quốc, Hồng Kông đến Điếu Ngư/Senkaku để khẳng định chủ quyền với lý do thời tiết xấu nên tàu cá họ thuê trước đó không dám ra biển.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, việc hoãn chuyến đi là do có sự can thiệp của chính quyền Đài Loan, muốn tránh hiểu lầm Đài Loan đứng về phía Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo và tránh một xung đột có thể xảy ra.
Trong một diến biến có thể kích động sự giận dữ từ Hàn Quốc và Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban an toàn cho công chúng Nhật Bản Jin Matsubara - người phụ trách vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc, và Bộ trưởng Giao thông đã lần lượt viếng đền Yasukuni – nơi thờ cúng 2,5 triệu người Nhật chết trong chiến tranh, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh nguy hiểm. Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Nhật đến thăm ngôi đền này kể từ Đảng Dân chủ trung tả lên cầm quyền vào năm 2009. Động thái này được cho là sẽ khiến phía Hàn Quốc và Trung Quốc nổi giận. |
Minh Ngọc (theo AFP, BBC)