Nhiếp ảnh “mì ăn liền” làm mất sự công bằng cuộc thi nhiếp ảnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mỗi năm, Việt Nam có rất nhiều cuộc thi nhiếp ảnh, tạo sân chơi cho các nhiếp ảnh gia thỏa sức sáng tạo. Có cuộc thi nhiếp ảnh gặt hái nhiều bức ảnh giá trị nghệ thuật và nhân văn, nhưng không ít cuộc thi gây lùm xùm, bức xúc dư luận bởi giải thưởng dường như trao “nhầm” tác giả, tác phẩm.
Bức ảnh Chúc mừng sinh nhật mẹ.
Bức ảnh Chúc mừng sinh nhật mẹ.

Những bức ảnh gây lùm xùm, tranh cãi

Cuộc thi Canon Marathon khu vực Hà Nội của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội năm nay đã gây ra nhiều tranh cãi khi một số bức ảnh đạt giải được coi là “thảm họa”.

Theo đó, tác phẩm giải nhất “Chúc mừng sinh nhật mẹ” của Vũ Thị Thúy Hà bị nhiều người cho là chỉnh sửa. Hình ảnh nữ nhân viên y tế trên góc xa màn hình là hình ảnh trực diện, chỉ có khi để máy tính vuông góc và ngang với khuôn mặt. Tuy nhiên, nữ nhân viên này lại đang để máy tính bảng thấp hơn mặt và hơi nghiêng.

Còn tác phẩm giải ba có tên “Tình yêu Tổ quốc” của Lê Thị An Thu chụp ngày bầu cử lại mắc lỗi cắt cụt tiêu ngữ và chữ trên phông. Đây có thể nói là lỗi tối kỵ khi chụp các sự kiện chính trị.

Còn nhớ, cuộc thi Canon PhotoMarathon 2018 cũng gây bất bình của những người yêu nghệ thuật. Bức ảnh về đời sống người dân lao động Hà Nội của tác giả Trần Hữu Long đạt giải đặc biệt “Photo Marathon 2018” có sự khác biệt “không hề nhẹ” khi được vinh danh trên sân khấu và sau đó là bài đăng trên Fanpage chính thức của cuộc thi.

Cụ thể, trong ảnh nguyên gốc cụm từ “Thịt chó - Sống chín đủ món” được thay thế bằng “Thịt gà - Sống chín đủ món” ở góc trái phía trên. Nhiều ý kiến bức xúc: “Tiêu chí cuộc thi đưa ra là lựa chọn những tấm hình giá trị và chưa qua chỉnh sửa nhưng cuối cùng giải cao nhất thuộc về tấm ảnh do chính Ban tổ chức chỉnh sửa như này là sao. Việc chỉnh sửa đã "phá vỡ" đi phần nào sự trọn vẹn và tính trung thực của tác phẩm. Rất nhiều người cho rằng bức ảnh nội dung quá bình thường, không lột tả được sự “Vất vả ngược xuôi” như cái tên.

Trước đó, Giải thưởng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ 5 năm 2016 đã “vướng” lùm xùm khi tác phẩm đạt Huy chương Vàng bị tố “lắp ghép”. Tác phẩm “Họa sĩ Phan Kế An” sau khi công bố đạt Huy chương vàng bị tố là một sản phẩm lắp ghép bằng kỹ thuật photoshop vụng về. Ban tổ chức đành phải rút lại Huy chương Vàng dành cho tác phẩm này. Tác giả Nguyễn Đắc Như cũng viết thư cho Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xin rút toàn bộ ảnh triển lãm và ảnh đoạt giải. Bi hài ở chỗ, Huy chương Vàng bị rút, nhưng Huy chương Bạc "Vì thành phố xanh - sạch - đẹp" của tác giả Phạm Hoài Nam cũng là chắp ghép mà vẫn được trao giải. Liên hoan ảnh nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 7 vừa qua vừa công bố giải thưởng đã gây ra “ì xèo” về bức ảnh đoạt giải nhì “Ném đĩa” của tác giả Nguyễn Sinh Long cũng được cho là chắp ghép.

Photoshop quá đà, lắp ghép sai sự thật

Nhà nhiếp ảnh Hoàng Thắng - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ với truyền thông: “Hiện nay, thời đại của công nghệ kỹ thuật số, với các tính năng hiện đại, nên người ta ưa chỉnh sửa ảnh gốc nhưng đôi khi bị lạm dụng quá đà thành ra bức ảnh bị can thiệp quá thô bạo. Với nghệ sĩ có lòng tự trọng, tay nghề cao thì họ sẽ chụp ảnh khoảnh khắc vì để có được những khoảnh khắc họ phải mất thời gian bỏ công sức chờ đợi, trông ngóng, săn đuổi nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Còn với những ai muốn theo kiểu “mì ăn liền” thì chụp nhanh, chụp vội rồi về máy nhờ công nghệ để chỉnh sửa thêm bớt. Nước ta một dạo đã có “phim mì ăn liền” thì nay với ảnh chắp ghép cũng là một kiểu “nhiếp ảnh mì ăn liền”, đều dễ tạo ra sản phẩm nhanh, dễ dãi”.

Điều đáng nói, khi vướng vào lùm xùm, tranh cãi về các bức ảnh bị trao “nhầm” giải thưởng, hầu hết các ban tổ chức, ban giám khảo đều viện nhiều lý do để trốn tránh trách nhiệm. Người thì cho rằng, chỉ là chấm tạm thời, đang lên trang web trưng cầu dân ý (trong khi đã công bố tác giả, tác phẩm đạt giải), người lại cãi đó là “lý do khách quan” rằng: “Chúng tôi chấm hơn 2000 bức ảnh, hoa mắt, không soi được kỹ”, hay “Tuy ảnh sửa, lắp ghép nhưng không ảnh hưởng tới nội dung”… Lại có người vừa là người dự thi vừa là ban giám khảo như cuộc thi “Nhiếp ảnh Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới” khiến nhiều người không phục, gây chán nản với những người cầm máy.

Để tránh những cuộc thi nhiếp ảnh vướng vào lùm xùm, hơn ai hết, các nhiếp ảnh gia mong muốn các cuộc thi phải có quy định rõ ràng về thể lệ, quy chế, tiêu chí cũng như chủ đề cuộc thi. Ngoài ra, ban giám khảo cũng phải là những người giỏi về nghề, công tâm, trách nhiệm và sự chuyên nghiệp để tạo hứng thú cho các nhiếp ảnh gia sáng tạo những tác phẩm nhiếp ảnh đỉnh cao.