Nhiều bất lợi
Báo cáo trước UBTVQH về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, vì những nguyên nhân bất lợi trên cả thế giới lẫn trong nước đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nên kinh tế nên mục tiêu về GDP, lạm phát hay thu ngân sách khó có khả năng đạt được.
Ông Dũng cho biết, GDP 6 tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại: Quý I năm nay GDP chỉ tăng 5,48%, thấp hơn 1,53 điểm phần trăm so với tốc độ tăng của quí 4 năm trước. Quý II/2016 tăng cao hơn quý I nhưng cũng chỉ đạt 5,55%. Tính chung 6 tháng GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,4% cùng kỳ năm 2015. Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng không chỉ xảy ra trong ngành nông nghiệp - ngành bị thiệt hại nặng nhất do thiên tai và môi trường - mà cả trong công nghiệp với sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng (giảm 2,2%).
“Việc nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) đã tác động đến từng quốc gia và nền kinh tế toàn cầu và hiện tại diễn biến tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng. Còn ở trong nước, sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lý giải.
Cũng theo ông Giàu, hiện dư luận đang hết sức quan tâm đến những vấn đề nổi cộm đầu năm, như một số dự án, công trình quy mô lớn nhưng không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản nhà nước. Vấn đề quản lý đầu tư, khai thác thu phí chưa minh bạch và mật độ trạm thu phí trên quốc lộ 1A quá dày đối với các dự án BOT cũng gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân.
Cần làm rõ lỗi chủ quan từ sự cố Formosa
Tại phiên họp, vấn đề liên quan đến Formosa cũng được UBTVQH rất quan tâm. Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, hiện có 6 nhà thầu nước ngoài liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị, chuyển giao quản lý, hầu hết nhà thầu là Trung Quốc.
Qua kiểm tra đã phát hiện 53 hành vi vi phạm về thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công. Qua giai đoạn thử nghiệm có dấu hiệu xảy ra sự cố liên quan đến điện, liên quan đến việc triển khai các hệ thống xử lý chưa đáp ứng theo quy định của pháp luật cũng như quy định của cơ quan quản lý...
“Trong 53 hành vi vi phạm có một hành vi vi phạm rất quan trọng, đó là hành vi tự ý thay đổi công nghệ từ xử lý cốc khô - công nghệ thân thiện sang công nghệ xử lý cốc ướt - công nghệ phát tán rất nhiều chất thải. Việc này hoàn toàn do Formosa tự ý điều chỉnh so với công nghệ được duyệt”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Người đứng đầu Bộ TN&MT cho biết thêm, hiện nay các vấn đề về xử lý đang trong giai đoạn chạy thử, trên thực tế công suất và nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc. Nguồn nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hoá mới chạy được 1/4 công suất, nếu vận hành đầy đủ, đúng quy định và được kiểm tra chặt chẽ thì hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.
Cho rằng vấn đề Formosa bước đầu đã được xử lý rất tốt, “nhưng về sâu xa nếu chúng ta không giải quyết tốt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an ninh - quốc phòng”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đỗ Bá Tỵ đã đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến việc ô nhiễm môi trường do xả thải của Công ty Formosa.
“Vấn đề khắc phục môi trường bao giờ sẽ làm được để nghề cá tiếp tục? Vấn đề liên quan quốc phòng - an ninh? Việc giải ngân số tiền đền bù của Formosa sẽ được thực hiện thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan? Tiền đến tay người dân ra sao?”, ông Tỵ băn khoăn. Theo ông Tỵ, nếu không làm tốt các vấn đề này, sẽ có nhiều vấn đề khác phát sinh như việc người dân có thể tiếp tục khiếu kiện, các thế lực thù địch lợi dụng làm phức tạp tình hình…
Cùng lo lắng này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần điều tra nguyên nhân chủ quan từ phía Việt Nam trong việc phê duyệt, thẩm định dự án này, bởi theo ông Chiến, đây là dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường cũng diễn ra rất nhanh, chủ đầu tư yêu sách thế này thế nọ thì cũng được các cơ quan xem xét và đồng ý rất nhanh để rồi cuối cùng hậu quả xảy ra cũng rất nhanh. “Làm rõ lỗi chủ quan này thì mới lấy được uy tín với cử tri và nhân dân, còn việc khắc phục sự cố là tất yếu rồi”, ông Chiến nhấn mạnh.
Sau khi Formosa thừa nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả, Chính phủ đã triển khai các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát, yêu cầu khắc phục các tồn tại.
Một trạm quan trắc đã được lắp đặt tại điểm cuối của đường ống dẫn nước thải của Công ty Formosa trước khi được xả ra môi trường để tự động lấy mẫu nước thải và đo các chỉ số, phục vụ cho công tác giám sát việc xả thải của Formosa ra môi trường. Ngoài ra, nhiều thiết bị mới đã được lắp đặt để giám sát các chỉ số của nước thải của Formosa.
Hệ thống máy tính cũng được niêm phong và camera giám sát 24/24 mọi hoạt động bên trong trạm quan trắc tự động. Toàn bộ dữ liệu sau đó sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm Quan trắc môi trường tỉnh Hà Tĩnh 2 phút/lần; hệ thống cảnh báo sẽ tự động gửi email và tin nhắn tới các bộ phận liên quan khi phát hiện các chỉ số bất thường để kịp thời ứng phó và xử lý.
Bên cạnh việc giám sát các chỉ số trong nước thải của Công ty Formosa, đối với việc giám sát khí thải, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương lắp đặt các thiết bị để quan trắc độc lập.
Ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các thiết bị quan trắc 6 chỉ số như: Phenol, xianua, cadimi,… để có hệ thống theo dõi 24/24, đồng thời có lắp đặt thêm các thiết bị tự động để quan trắc khí xả thải các nhà máy của Formosa.
Ngọc Tuấn