Nhiều công ty ở Mỹ bị cáo buộc bán thực phẩm chức năng không đúng

(PLO) - Lợi dụng sự thiếu sót của các quy định pháp luật, và tâm lý tiêu dùng của phần lớn người dân, nhiều công ty bán lẻ lớn ở Mỹ như GNC, Walmart, Walgreens, Target đã bày bán thực phẩm chức năng có thành phần không đúng theo như mô tả ghi trên nhãn mác, thậm chí còn chứa chất có khả năng gây dị ứng.
Nhiều công ty ở Mỹ bị cáo buộc bán thực phẩm chức năng không đúng
Văn phòng cảnh sát bang New York (The New York State attorney general’s office) mới đây đã tiến hành một cuộc điều tra các mặt hàng thực phẩm chức năng tại bốn nhà bán lẻ lớn gồm GNC, Target, Walgreens và Wal-Mart.
Trong số 4 nhà bán lẻ hàng đầu đó, Wal-Mart là đơn vị vi phạm tồi tệ nhất với các cáo buộc, kết luận điều tra cho thấy nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là có chứa thảo dược giúp hỗ trợ quá trình ăn kiêng, nhưng thực tế điều tra không hoàn toàn đúng như vậy. Nhiều thực phẩm chức năng không chứa các thành phần như được ghi trên bao bì, thậm chí còn chứa chất gây dị ứng không xác định trong danh sách thành phần.
Một cảnh báo tới người tiêu dùng đưa ra một vài ví dụ liên quan đến các thành phần của thuốc. Khi mua thành phẩm có chứa ginkgo bibola – có chức năng tăng cường tuần hoàn não, đồng nghĩa với việc bạn có thể mua phải thuốc có chứa mù tạt, lúa mì, củ cải và các chất khác không phải thảo dược trong tự nhiên. Hay việc mua thuốc nhân sâm bồi bổ sức khỏe, thực tế thì không có nhân sâm được tìm thấy mà thay vào đó là lúa, cây huyết dụ, cây thông, lúa mì đã được phát hiện trong các chất bổ sung vào thành phần của thuốc.
Các kết quả thử nghiệm cho thấy có tới 79% các sản phẩm bị cáo buộc không có chứa thành phần là các chất thảo dược đúng như quảng cáo. Có thể liệt kê ở đây một số loại thực phẩm chức năng đã phần nào quen dùng tại thị trường Việt Nam như nhân sâm Gingseng Hàn Quốc, thực phẩm chức  năng Ginkgo Bibola tăng cường tuần hoàn não, dầu Garlic chiết xuất từ tỏi, thực phẩm chức năng Echinachea nâng sức đề kháng, thực phẩm giúp ngủ ngon Valerian Root…


Theo thời báo New York Times cho rằng, việc lạm dụng quảng cáo, ghi sai thành phần của thuốc trên bao bì sản phẩm là hành động kinh doanh lừa đảo, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Và vì vậy, việc làm này của các đơn vị kinh doanh là rất đáng lên án và các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn, yêu cầu các hãng bán lẻ ngừng ngay việc kinh doanh các sản phẩm này. Trên thực tế, cả bốn hãng bán lẻ này đều đã nhận được yêu cầu chấm dứt việc kinh doanh các sản phẩm đã bị cảnh báo.
Được biết, cuộc điều tra này chỉ là mới nhất trong một loạt các cú đánh chống lại ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm bổ sung bán ra trên toàn thế giới. Thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng vốn không được coi là các sản phẩm thay thế thuốc chữa bệnh, “vô thưởng vô phạt”, vì vậy việc kinh doanh thực phẩm chức năng từ lâu đã được quy định và thực tế quản lý rất lỏng lẻo không chỉ tại Mỹ mà còn tại rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Mỹ được bày bán công khai, rộng rãi và được nhiều người dân tin dùng – coi đó là sản phẩm đáng tin cậy, hỗ trợ phòng ngừa và chữa bệnh. Qua tìm hiểu, giá bán của các loại thực phẩm này không hề rẻ, thấp thì khoảng 100 ngàn đồng trở lên.

Đơn cử như một lọ Gingko Bibola có giá bán lẻ tại Việt Nam dao động trong khoảng 800 ngàn đồng, thực phẩm chức năng Garlic có giá bán 450 ngàn đồng… hầu hết các sản phẩm này được rao bán qua mạng và tại các hiệu thuốc thành phẩm, chủ yếu là tại các thành phố lớn./.

Đọc thêm