Nhiều điểm giữ xe nâng giá

(ĐNĐT) - Trong đêm đầu tiên Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010, vẫn còn có những điểm kinh doanh thực phẩm đã nâng giá bán cao hơn ngày thường, trong khi các điểm giữ xe không thực đúng giá theo quy định của UBND thành phố.

(ĐNĐT) - Trong đêm đầu tiên Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010, vẫn còn có những điểm kinh doanh thực phẩm đã nâng giá bán cao hơn ngày thường, trong khi các điểm giữ xe không thực đúng giá theo quy định của UBND thành phố.

Giá bánh mì vô chừng, lúc 7.000 đồng sau tăng lên 10.000 đồng (ảnh chụp tại đường Phạm Văn Đồng)

Hầu hết các điểm phục vụ ăn uống hai bên bờ đều hết sức náo nhiệt. Những điểm kinh doanh ăn uống cố định có đăng ký với địa phương như nhà hàng News, Seventeen Salon, Nguyệt, Ra Khơi…đều thực hiện đúng cam kết về giá cả. Trong khi đó, số những điểm bán lẻ khác dọc tuyến đường này cũng trưng biển báo giá chỉ một thời gian rồi hạ xuống.

Nhiều ý kiến của du khách và người dân cho rằng: Đồ ăn, thức uống bán trong đêm đầu tiên diễn ra pháo hoa không quá đắt. Cụ thể bánh mì kẹp chả và dăm bông 7.000 đồng/ổ, nước suối 5.000 đồng/chai, bún 15.000 đồng/tô, bia 333 12.000 đồng/lon, cà phê đen 5.000 đồng/ly. Dù vậy, những kiểu hàng rong như thế này vừa mất an ninh trật tự, vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi bụi bặm, rác rưởi, cộng với nhiều nguy cơ khác từ nơi đông người.

Song cũng qua phản ảnh thực tế, đã có nhiều điểm bán hàng rong cố tình nâng giá bán đồ ăn thức uống (phổ biến là nâng gấp đôi mỗi loại thực phẩm như: bánh mì, nước giải khát, bánh bao, bánh chưng, hạt dưa…). Một số khách hàng cho biết thêm, điểm kinh doanh đồ ăn nhanh của Công ty thực phẩm Vicsan (tại đầu cầu sông Hàn) là hơi mắc. Cụ thể một ổ bánh mì kẹp chả và rau xà lách bán với giá 12 ngàn đồng là chưa hợp lý.

Cũng thấy rằng, đây là năm thứ 3, Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa, do đó, người khi đi xem pháo hoa đã có sự chuẩn bị trước như mang theo đồ ăn thức uống. Hầu hết người dân và du khách đều có kinh nghiệm hỏi giá cả trước khi mua nên đã có sự thỏa thuận hợp lý.

Nhiều bãi giữ xe “chặt chém”

Sau nhiều hồi cùng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) quần quanh các bãi giữ xe lớn nhỏ tại hai địa bàn trung tâm là Hải Châu và Sơn Trà, chúng tôi nhận thấy, năm nay, đã có sự tuyên truyền sâu rộng đến các hộ kinh doanh, nên các điểm này có ý thức chấp hành tốt.

Lực lượng QLTT đang chấn chỉnh điểm giữ xe không niêm yết giá trên đường Nguyễn Công Trứ

Cùng với việc UBND thành phố cho phép các điểm giữ xe được thu 5.000 đồng/xe máy và 2.000 đồng/xe đạp (nâng lên 2.000 đồng/xe máy so với năm trước), điều này đã không làm giá giữ xe có nhiều biến động. Tuy nhiên, trước vài giờ lễ khai mạc diễn ra, lực lượng QLTT khá vất vả để di chuyển, nhắc nhở và làm động tác đi từng điểm ghi giá niêm yết cụ thể.

Mặc dù số điểm giữ xe đăng ký với chính quyền địa phương chênh lệch quá lớn so với bãi giữ xe thực tế tại quận Sơn Trà (130 điểm/hàng trăm điểm tự phát), nhưng đã không xảy ra tình trạng ép giá vô tội vạ như hai năm trước đây. Riêng có một số điểm tự phát đã thu mỗi xe máy tăng lên 10.000 đồng là có thực. Đáng nói, có những điểm vi phạm giá niêm yết lại thuộc trường hợp có đăng ký và cam kết quy định với ban ngành.

Qua ghi nhận của phóng viên, bãi giữ xe số 11 đường Lê Duẩn đã cố ý gỡ bảng giá niêm yết 5.000 đồng xuống để thu 10.000 đồng/xe máy. Lực lượng QLTT đã có mặt và lập biên bản xử lý. Tại điểm giữ xe đường Phạm Văn Đồng, các kiểm soát viên QLTT đã phát hiện bãi giữ xe của Hội đoàn thể phường An Hải Bắc không niêm yết giá. Sau một hồi chấn chỉnh, người giữ xe mới chịu ghi giá trên bảng.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố cho biết: Tính đến 22 giờ 45 phút tối ngày 27-3, lực lượng QLTT vẫn chưa nhận một phản ánh nào từ phía người dân và du khách về tình trạng chặt chém về giá cả.

Duyên Anh

Đọc thêm