Nhiều điểm mới đáng chú ý về đăng ký thành lập doanh nghiệp

(PLVN) - Ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Đây là Nghị định đầu tiên của năm 2021, có phạm vi tác động lớn, trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán... sẽ thực hiện ĐKDN tại CQĐKKD.

Nghị định  01/2021/NĐ-CP gồm 9 chương, 101 điều quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN), đăng ký hộ kinh doanh (HKD); quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh (CQĐKKD) và quản lý nhà nước về ĐKDN, đăng ký HKD.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện ĐKDN theo quy định của pháp luật Việt Nam; Cá nhân, thành viên hộ gia đình thực hiện đăng ký HKD theo quy định của Nghị định này; CQĐKKD; Cơ quan quản lý thuế; Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc ĐKDN, đăng ký HKD.

Theo Cục trưởng Bùi Anh Tuấn, Nghị định được ban hành nhằm cụ thể hóa những có những cải cách, đổi mới của Luật DN, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua. 

Thứ nhất, quy định rõ ràng, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKDN, đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải các thông tin phải kê khai nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN và các hệ thống thông tin đã kết nối. Bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết như: Công bố con dấu, Thông báo thay đổi thông tin người quản lý DN, chào bán cổ phần riêng lẻ,…

Thứ hai, tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác ĐKDN thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về ĐKDN qua mạng điện tử, thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập DN, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Việc công khai hóa các thông tin cơ bản về DN trên Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về DN, tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối hoạt động của DN góp phần nâng cao hiệu quả công tác “hậu kiểm”, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Thứ ba, bổ sung thêm một cộng đồng DN mới thực hiện ĐKDN tại CQĐKKD là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ĐKDN, đặc biệt là xử lý triệt để hành vi kê khai không trung thực, không chính xác, giả mạo hồ sơ ĐKDN, xử lý các DN “bỏ trốn, mất tích” nhằm tăng tính răn đe, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, an toàn.

Thứ năm, hoàn thiện một bước khung khổ pháp lý về HKD, thể chế hoá các quy định về HKD đã được dự kiến đưa vào Luật DN 2020. Nghị định đã xác định rõ chủ thể thành lập HKD phù hợp với Bộ luật Dân sự, phân tách rõ quyền và nghĩa vụ của chủ HKD và thành viên hộ gia đình, đảm bảo quyền kinh doanh và nghĩa vụ của HKD, quy định tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi HKD thành DN và một số nội dung quan trọng khác.

Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Nghị định  78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 và Nghị định  108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về ĐKDN.

Ghi ngành, nghề kinh doanh như thế nào?

Nghị định quy định, khi đăng ký thành lập DN, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận ĐKDN, người thành lập DN hoặc DN lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị ĐKDN, Thông báo thay đổi nội dung ĐKDN hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận ĐKDN. CQĐKKD hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của DN vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN.

Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì CQĐKKD xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

Trường hợp DN có nhu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì DN lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của DN dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của DN phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của DN là ngành, nghề kinh doanh chi tiết DN đã ghi.

Nghị định cũng quy định, việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của DN thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành…

Đọc thêm