Nhiều động lực để thị trường bất động sản “vươn mình” trong kỷ nguyên mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 19/2 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức Sự kiện thường niên: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ V và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2024 - 2025.
Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ V
Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần thứ V

Khởi động chu kỳ phục hồi và phát triển bền vững,

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, nhìn lại năm 2024, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nhận định, như dự báo của giới chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ nét hơn trong chu kỳ phục hồi và phát triển bền vững, đặc biệt là từ quý II.

Doanh nghiệp bền bỉ vượt khó, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, thanh khoản cải thiện, nguồn cung được đẩy mạnh hơn từ các dự án mới… là những điểm sáng nổi bật. Đặc biệt, nền tảng chính sách liên quan đến thị trường bất động sản đã được hoàn thiện và đồng bộ hơn. Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm cùng nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn với những điểm mới, có khả năng tháo gỡ các nút thắt, tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan nhận định, trên cơ sở chuyển biến tích cực trong năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2025 được dự báo có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở tích cực, thị trường vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt.

Các luật mới mang tính nền tảng đã có hiệu lực từ năm 2024, tạo ra môi trường pháp lý mới cho thị trường, song mức độ hiệu quả vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng. Doanh nghiệp vẫn còn lo ngại về sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định liên quan đến đất đai, xây dựng và đầu tư, có thể gây rủi ro cho các nhà phát triển dự án. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng, khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng là vấn đề cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ để thị trường vận hành hiệu quả trong chu kỳ phát triển mới.

Đặc biệt, đứng trước thời điểm “bản lề” của nền kinh tế ở năm cuối nhiệm kỳ để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của thị trường bất động sản cần được nhận diện rõ ràng. Sự thay đổi từ tư duy đến hành động của tất cả các chủ thể trên thị trường, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phát triển dự án, nhà đầu tư, đơn vị cung ứng dịch vụ, môi giới… cũng cần phải nhận diện và định hướng phù hợp để thị trường bất động sản thực sự phục hồi và phát triển chuyên nghiệp.

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

“Thị trường bất động sản chưa bao giờ là một sân chơi dễ dàng, nhưng chính những giai đoạn thử thách lại là cơ hội để nhận diện nội lực, điều chỉnh chiến lược và định vị lại giá trị cốt lõi. Những doanh nghiệp vững vàng không chỉ là những đơn vị trụ được qua sóng gió, mà còn là những đơn vị biết cách thích nghi, đổi mới và nắm bắt cơ hội trong những chu kỳ phát triển mới”, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản 2025 - những động lực vươn mình

Tại Diễn đàn, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trình bày tham luận với chủ đề “Phát triển bền vững thị trường bất động sản: Những động lực từ không gian phát triển mới”.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi bước vào năm 2025. Trong đó, việc 3 bộ luật quan trọng của thị trường được hoàn thiện và bắt đầu đi vào cuộc sống đã giúp thị trường có một nền tảng thể chế vững chắc, tạo cơ sở để tháo gỡ nhiều điểm nghẽn đã và đang tồn tại trên thị trường trong nhiều năm qua.

Bối cảnh thương mại quốc tế, theo TS. Trần Đình Thiên dù còn nhiều biến động khó lường trước song vẫn mở ra nhiều cơ hội. Đơn cử như áp thuế nhập khẩu của Mỹ và sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá sẽ mở ra cơ hội bùng nổ cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Cùng với đó, triển vọng tăng trưởng dòng vốn FDI sẽ đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp - đô thị công nghệ cao, thương mại điện tử và hệ sinh thái công nghiệp - thương mại dịch vụ. Đặc biệt, mô hình TOD đang được chú trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, mở ra không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Đối với lĩnh vực bất động sản, mô hình TOD sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ đến tư duy phát triển của thị trường.

“Dù có nhiều cơ hội, việc hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng vẫn đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ, chính sách linh hoạt và sự đồng hành của doanh nghiệp bất động sản nhằm tạo nền tảng vững chắc cho một kỷ nguyên phát triển vượt bậc”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định.

Trình bài tham luận “Triển vọng thị trường bất động sản trong kỷ nguyên mới”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và đang đứng trước nhiều động lực tăng trưởng từ kinh tế vĩ mô, đến đột phá thể chế, chính sách tiền tệ… để “vươn mình” mạnh mẽ trong năm 2025.

Cụ thể, về kinh tế, giai đoạn 2024 - 2025, kinh tế Việt Nam được dự đoán ổn định, lạm phát, tỷ giá, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất duy trì ở mức thấp; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ… trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Chính vì vậy, dự đoán tăng trưởng kinh tế 2025 khá cao, làm tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

Về thế chế, 3 bộ luật quan trọng của thị trường đã được sửa đổi hoàn thiện. Cùng với đó, cách mạng về tinh gọn tổ chức - bộ máy đang được đẩy mạnh. Điều này làm cơ sở và động lực rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Về quy hoạch, quy hoạch các cấp được ban hành. Đầu tư công, chính sách hạ tầng cũng đang được quan tâm. Chưa bao giờ, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh như giai đoạn vừa qua.

Về chính sách tiền tệ, tiếp tục được điều hành theo hướng “linh hoạt, nới lỏng” với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong năm 2024 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh và ban hành các thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ người dân mua nhà ở. Đơn cử như Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22 (2019); Gói tín dụng ưu đãi 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; Thông tư 22/2023/TT-NHNN giảm trọng số rủi ro đối với cho vay khu công nghiệp và nhà ở xã hội.

Về phía Bộ Xây dựng, gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm đã được đề xuất. Ngoài ra còn có các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và một số Luật và quyết sách vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 kết thúc ngày 29/11/2024.

Đối thoại cấp cao với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường bất động sản đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên mới”.

Đối thoại cấp cao với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường bất động sản đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên mới”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Đối thoại cấp cao với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường bất động sản đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên mới”. Dưới sự điều phối của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đã cùng phân tích, đánh giá, thảo luận về mức độ phục hồi của thị trường bất động sản, nhận diện cơ hội của các doanh nghiệp trong chu kỳ tăng trưởng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ, tạo nguồn cung mới cho thị trường; vai trò của thị trường bất động sản đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số; dự báo về những xu hướng mới của thị trường bất động sản.

Điểm tựa cho doanh nghiệp bất động sản “vươn mình” trong kỷ nguyên mới

Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2024 - 2025 được tổ chức dựa trên kết quả của chương trình bình chọn bởi độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn bao gồm các nhà báo, các chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.

Lễ Vinh danh đã tôn vinh Top 10 thương hiệu, sản phẩm dẫn đầu thị trường bất động sản năm 2024 - 2025 với các hạng mục: Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam năm 2024; Doanh nghiệp bất động sản triển vọng nhất năm 2025; Ngân hàng cho vay bất động sản minh bạch và bền vững nhất năm 2024; Dự án bất động sản nhà ở thương mại chất lượng nhất năm 2024; Dự án bất động sản nhà ở thương mại tiềm năng nhất năm 2025; Khu nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2024; Dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2025; Nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp tốt nhất năm 2024; Nhà phát triển nhà ở xã hội hàng đầu Việt Nam.

Đồng thời cũng vinh danh Top 5 Nhà tư vấn và phát triển kinh doanh bất động sản tốt nhất năm 2024 cùng nhóm hạng mục Top One thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi bật thị trường bất động sản gồm: Thương hiệu dẫn đầu ngành proptech Việt Nam năm 2024; Thương hiệu dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam năm 2024; Thương hiệu dẫn đầu ngành vật liệu xây dựng Việt Nam năm 2024; Thương hiệu dẫn đầu ngành tư vấn quy hoạch, kiến trúc Việt Nam năm 2024; Dự án công trình xanh nổi bật năm 2024; Khu nghỉ dưỡng xanh tiềm năng năm 2025 và Dự án công trình xanh tiềm năng nhất năm 2025.

Đáng chú ý, tại hạng mục Top 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam năm 2024, các doanh nghiệp được gọi tên bao gồm: Vinhomes, Sun Property, Masterise Homes, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Bất động sản Bcons, Công ty TNHH KN Cam Ranh, DOJILAND, Văn Phú – Invest, Flamingo Holding Group, MIK Group.

Hạng mục Top 10 nhà phát triển bất động sản triển vọng nhất năm 2025 bao gồm các đơn vị: Sunshine Group, Taseco Land, BCG Land, Tập đoàn CEO, Gamuda Land, Ecopark, T&T Homes, Nam Long Group, Phú Long Group, Eurowindow Holding.

Trong bức tranh tổng thể với nhiều cơ hội và thách thức đan xen của thị trường bất động sản 2024, các thương hiệu bất động sản được vinh danh đã thể hiện những nỗ lực và sức sống mạnh mẽ để quyết tâm “bám trụ”, vượt qua những khó khăn và đón đầu những cơ hội của thị trường.

Các chuyên gia kỳ vọng, những thương hiệu dẫn đầu sẽ mang lại cảm hứng lan tỏa để các doanh nghiệp bất động sản vững tâm đầu tư, kinh doanh, vươn lên mạnh mẽ hướng tới sự chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu, như niềm tin mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024): Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

Đọc thêm