Nhiều giải pháp "vực" dậy công tác tư pháp Phú Thọ

Tiếp tục chuyến công tác kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn kiểm tra hôm qua làm việc với tỉnh Phú Thọ. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ về công tác Tư pháp và Thi hành án dân sự.

Tiếp tục chuyến công tác kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn kiểm tra hôm qua làm việc với tỉnh Phú Thọ. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ về công tác Tư pháp và Thi hành án dân sự.

 

Thấy được lòng dân qua sửa đổi Hiến pháp

Thay mặt Đoàn kiểm tra, Bộ trưởng cũng đánh giá cao những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, nổi bật của Phú Thọ trong công tác tuyên truyền nội dung Dự thảo và việc lấy ý kiến nhân dân cũng như truyền tải, giới thiệu về các nội dung ý kiến đóng góp vào Dự thảo. Kết quả bước đầu với hơn 2.300 ý kiến đóng góp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đối với những vấn đề rất cơ bản của Dự thảo Hiến pháp.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vi Trọng Lễ cũng cho biết thêm, khó khăn là công tác hướng dẫn việc triển khai tổ chức lấy ý kiến chưa thật cụ thể, chưa dự liệu hết những khó khăn gặp phải trong triển khai ở cấp cơ sở; đặc biệt chưa chủ động dành kinh phí riêng cho nhiệm vụ lấy ý kiến.

Chia sẻ với Phú Thọ về những khó khăn trong việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhưng các thành viên Đoàn Kiểm tra đều lưu ý địa phương việc góp ý phải đi vào thực chất, tránh hình thức, làm sao để mọi người dân đều được tuyên truyền về chủ trương sửa đổi cũng như được góp ý vào bản dự thảo quan trọng này.

Nhấn mạnh "sửa đổi Hiến pháp là công việc trọng đại trong số các việc trọng đại" và "là vinh dự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân", Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định, qua việc lấy ý kiến sẽ giúp hiểu hơn lòng dân. Đây cũng là cơ hội để qua đó tăng cường ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Nhiều giải pháp "vực" dậy công tác tư pháp

Cũng trong chiều 28/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ về công tác Tư pháp và Thi hành án dân sự trên địa bàn. Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Dân Mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Minh Châu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đình Cúc.

Cách đây chưa đầy 1 tháng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự 2013 của Phú Thọ. Tuy nhiên Bộ trưởng rất trăn trở khi thấy "công tác Tư pháp đang chững lại", công tác Thi hành án dân sự cũng còn nhiều hạn chế. Trăn trở của Bộ trưởng cũng là lo lắng của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Dân Mạc. Do đó, buổi làm việc tập trung vào việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đề xuất: "Tỉnh ủy, UBND, Bộ Tư pháp cần có sự phối hợp, quan tâm hơn với ngành Tư pháp, Thi hành án dân sự. Bản thân ngành cũng phải tự vươn lên, quyết liệt, sâu sát hơn".

Cơ bản nhất trí với các giải pháp mà tỉnh đề ra, tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tổ chức cán bộ, đồng thời, "phải coi công tác Tư pháp là của cấp ủy, chính quyền địa phương chứ không nên "khoán trắng" cho ngành Tư pháp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Dân Mạc cam kết trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cho Sở Tư pháp, sắp xếp, bố trí lại các vị trí công tác của các phòng ban chuyên môn đồng thời tiến hành các biện pháp cần thiết để “vực dậy” công tác này.

Thu Hằng

Đọc thêm