Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp và ban hành Chương trình công tác Tư pháp năm 2018 đồng thời, ban hành 22 kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); theo dõi thi hành pháp luật (THPL); bồi thường nhà nước…
Bên cạnh đó, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Sở Tư pháp có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn, chú trọng hướng công tác tư pháp về cơ sở đồng thời, kịp thời nắm bắt chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh để cập nhật, bổ sung vào các chương trình, kế hoạch công tác từ đó có những điều chỉnh phù hợp đối với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ.
Nhìn chung, các nhiệm vụ công tác tư pháp cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo chương trình công tác tư pháp năm 2018 của UBND tỉnh; qua đó đã thể hiện được vai trò của Ngành trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp quản lý Nhà nước tại địa phương.
Có thể nói, trong năm 2018, chất lượng công tác tham gia ý kiến, thẩm định văn bản QPPL ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Sở Tư pháp tham gia ý kiến đối với 99 dự thảo văn bản; Thẩm định 45 dự thảo văn bản QPPL của tỉnh trên các lĩnh vực: kinh tế, môi trường, văn hóa, đất đai, giáo dục…
Công tác kiểm tra, rà soát, xử lý, hệ thống hoá văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng chú trọng việc tham mưu đề xuất UBND tỉnh, Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện giải quyết các vụ việc phức tạp trên địa bàn tỉnh. Điển hình như nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng sân golf và tổ hợp văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ mát và du lịch Hà Nội; thu hồi đối với dự án Khu Công viên vui chơi giải trí và đô thị phụ trợ Nam Đầm Vạc; chính sách thực hiện tiểu dự án GPMB của dự án sử dụng vốn ngân sách; tham gia Tổ Công tác liên ngành và nhóm giúp việc liên ngành rà soát các dự án đầu tư xây dựng công trình và các dự án không có cấu phần xây dựng công trình…
Liên quan đến công tác hành chính tư pháp, việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng.
Sở Tư pháp đã trang bị thống nhất máy tính, máy in cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức 05 lớp tập huấn sử dụng hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch cho 146 công chức làm công tác hộ tịch đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) chính thức thực hiện Phần mềm hộ tịch dùng chung trên địa bàn tỉnh từ ngày 02/5/2018 (là tỉnh thứ 27 thực hiện trong cả nước); phối hợp với Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho 150 công chức làm công tác hộ tịch.
Kết thúc khoá bồi dưỡng, 100% học viên được cấp Chứng chỉ Bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch theo tiêu chuẩn và quy chế đào tạo của Bộ Tư pháp.
Năm 2018, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) của Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là việc triển khai, thi hành Luật TGPL năm 2017.
Sở Tư pháp đã trình chủ tịch UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện Luật TGPL và Kế hoạch TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh; kiện toàn hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng; ký hợp đồng với 04 tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức thành công Hội nghị tập huấn Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Trong năm 2018, Trung tâm TGPL Nhà nước đã thụ lý 376 vụ việc TGPL cho đối tượng được TGPL. Hoàn thành 291 vụ việc, trong đó lĩnh vực pháp luật hình sự là 146 vụ việc; pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình là 115 vụ việc; pháp luật hành chính 12 vụ việc; các lĩnh vực pháp luật khác 18 vụ việc Đồng thời, ban hành Quyết định cử 154 lượt Trợ giúp viên Pháp lý, Luật sư ký hợp đồng tham gia TGPL tham gia tố tụng, thực hiện đại diện ngoài tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2019 trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định một số giải pháp chủ yếu.
Cụ thể là, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tập trung hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; rà soát, hoàn thiện các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị theo hướng công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch phù hợp với thực tế; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của ngành theo hướng thiết thực, hiệu quả; gắn chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ với công tác thi đua, khen thưởng; phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện công tác tư pháp, pháp chế trên địa bàn toàn tỉnh...