Ngoài việc có dấu hiệu lợi dụng chỉ đạo của Thủ tướng, phía sau câu chuyện UBND TP.Hà Nội bán 118 căn hộ thuộc quỹ nhà tái định cư (TĐC) cho Bộ Xây dựng làm nhà công vụ vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm được làm rõ.
Tòa nhà Green Park Tower có vị trí đắc địa. |
“Nhập nhèm” quỹ đất, quỹ nhà TĐC
Khi UBND TP.Hà Nội quyết lấy 4.000m2 là quỹ đất 20% của Dự án Nhà ở công trình công cộng Yên Hòa (tổng diện tích là 57.862m2) giao cho Contrexim HOD xây dựng tòa nhà cao tầng Green Park Tower có nêu “từ tầng 4 đến tầng 15 tháp B bố trí chức năng làm nhà ở tái định cư với diện tích sàn xây dựng khoảng 900m2/tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 10.800m2, tương ứng 118 căn hộ”.
Nếu so với tổng diện tích sàn xây dựng của Tòa nhà Green Park Tower là 46.023m2 được chấp thuận, thì 118 căn hộ này chỉ chiếm khoảng hơn 20% diện tích, một con số không lớn. Như vậy, có thể hiểu nếu 118 căn hộ này là quỹ nhà bàn giao theo Quyết định 123/2001 và Quyết định 153/2006 của TP.Hà Nội thì nó là quỹ nhà của dự án Green Park Tower do Contrexim HOD thực hiện, không phải là quỹ nhà phải bàn giao cho thành phố của dự án Nhà ở công trình công cộng Yên Hòa như nhiều người lầm tưởng.
Như vậy, với chủ trương của UBND TP.Hà Nội bán nốt 118 căn hộ thuộc quỹ nhà tái định cư cho Bộ Xây dựng làm nhà công vụ gây xôn xao dư luận tuần qua thì có thể khẳng định quỹ đất 20% (trong tổng 57.862m2) thuộc dự án Nhà ở công trình công cộng Yên Hòa sẽ hoàn toàn biến mất.
Cũng cần phải làm rõ, cái “lợi” không phải nằm ở 118 căn hộ nêu trên mà nằm ở vị trí đắc địa của dự án, nằm ở phần lớn diện tích còn lại. Cụ thể, từ tầng 16 đến 25 tháp B và từ tầng 4 đến tầng 25 tháp A của tòa nhà Green Park Tower, UBND TP.Hà Nội cho Contrexim làm nhà ở kinh doanh. Đáng nói, cũng trên phần đất này, trước khi thu hồi để giao cho Contrexim HOD thực hiện, UBND TP.Hà Nội đã từng rất nhấn mạnh mục đích “phục vụ công tác di dân giải phóng mặt bằng” trước nhà đầu tư. Nhưng sau khi khu đất được giao cho Contrexim HOD thực hiện thì mục đích đã bị biến tướng.
Qua đây, mới thấy rõ Contrexim HOD đã được UBND TP.Hà Nội ưu ái ra sao và quỹ đất đáng ra phải được giành để phục vụ công tác di dân GPMB trên địa bàn TP.Hà Nội đã bị biến tướng thành đất thương mại ngoạn mục như thế nào. Được biết, UBND TP.Hà Nội quyết định từ nhà ở tái định cư sang nhà ở kinh doanh trên diện tích đất công ích này là do “ý tưởng” của Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Bộ Xây dựng chưa quyết định
Nếu như việc biến quỹ đất 20% thành đất thương mại là ý tưởng của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, thì việc lấy phần quỹ nhà tái định cư còn lại của dự án này bán cho Bộ Xây dựng lại là ý tưởng của Sở Xây dựng Hà Nội. Việc này cũng được UBND TP.Hà Nội giải thích rằng, chỉ sau khi xem xét nội dung Văn bản số 933 ngày 24/2/2012 của Sở Xây dựng đề xuất việc bán 100 căn hộ chung cư làm nhà công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 164 ngày 10/2/2012 thì lãnh đạo TP mới có ý kiến đồng ý.
Giải thích với báo chí về sự việc này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ sẽ cùng TP.Hà Nội xem xét kỹ cân đối nhu cầu của các loại nhà ở trên địa bàn thành phố. Nếu nhu cầu nhà ở tái định cư và nhà công vụ đều cấp thiết thì phải ưu tiên cho nhu cầu tái định cư. “Nhà tái định cư cũng như các loại nhà khác cũng cần đặc biệt quan tâm để nó đáp ứng nhu cầu tái định cư và đáp ứng nhu cầu phát triển của TP.Hà Nội; Còn việc TP.Hà Nội sử dụng quỹ nhà nào để phục vụ cho nhu cầu của các đối tượng khác nhau là do UBND TP.Hà Nội cân nhắc, xem xét về tình hình thực tế tại địa bàn TP.Hà Nội” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Ông Dũng cũng cho biết, trong quá trình đề xuất mua nhà ở công vụ, các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng và Hà Nội đã khảo sát tại nhiều dự án, cũng có thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chưa xem xét được hết các khía cạnh. Vì vậy, Bộ trưởng phải nghe và quyết định chính thức thì khi đó mới là quan điểm của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Nhu cầu về nhà ở cho từng loại đối tượng khác nhau phụ thuộc vào từng giai đoạn cụ thể. Quỹ nhà ở của Nhà nước được đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách, vì vậy cũng cần phải sử dụng cho hiệu quả, tránh lãng phí. Giai đoạn nào nhà tái định cư cấp bách thì ưu tiên nhà tái định cư. Nhưng có những giai đoạn nhà tái định cư chưa cần mà cứ đầu tư để chờ, không sử dụng ngay thì cũng không hiệu quả. Và như tôi đã nói, nếu nhu cầu cả nhà ở tái định cư và nhà công vụ đều cấp thiết thì phải ưu tiên cho tái định cư”. |
Phi Hùng