|
Sau khi lãi suất huy động bằng tiền đồng đã ổn định quanh mức 14%/năm theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động bằng đô la Mỹ.
Từ ngày 8-1-2011, Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) đã tăng lãi suất huy động đô la Mỹ ở các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng lên 5%/năm, 2 tháng 5,1%/năm, và kỳ hạn 3 tháng lên 5,3%/năm.
Ngân hàng SeABank cũng đã đưa lãi suất huy động đô la Mỹ lên mức cao nhất là 6%/năm. Tại các ngân hàng khác như Kiên Long, Phương Đông, SCB, An Bình... lãi suất huy động đô la cao nhất nằm trong mức từ 5,1%-5,6%/năm.
Chỉ có những ngân hàng lớn có thế mạnh về thanh toán và tài trợ xuất nhập khẩu như Eximbank, ACB, Sacombank… thì lãi suất huy động đô la Mỹ được giữ dưới mức 5%/năm.
Nguyên nhân được đại diện các ngân hàng đề cập đó là để gia tăng thị phần huy động, nhất là thời điểm giáp tết, lượng kiều hối về nhiều nên ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất đô la Mỹ để thu hút nguồn vốn này.
Ông Đỗ Lam Điền, Phó tổng giám đốc Ngân hàng doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Hàng Hải, cho biết các ngân hàng tăng cường huy động ngoại tệ một phần là để chuẩn bị cho các kế hoạch trong năm mới. Bên cạnh đó, trong năm qua những ngân hàng có chương trình ưu đãi cho khách hàng như cho vay tiền đồng lãi suất đô la Mỹ, đã dùng đô la huy động bán lấy tiền đồng cho vay, và đến lúc các khoản huy động ngoại tệ đến hạn, thì cần một lượng tương tự để trả cho khách gửi tiền, ông Điền nói.
Ngoài ra, nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp cũng đã nhích lên nên các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động đô la Mỹ.
Ông Lê Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Miền tây (Western Bank), cho biết từ khoảng 3 tháng trở lại đây, lãi suất cho vay tiền đồng và đô la Mỹ chênh lệch nhiều nên khách hàng có xu hướng chuyển sang vay đô la Mỹ, dẫn đến trong gần một tháng nay, lãi suất huy động đô la của các ngân hàng bắt đầu nhích lên. Thêm vào đó, gần đây mảng khách hàng có thanh toán quốc tế của Western Bank khá phát triển nên ngân hàng cũng cần gia tăng nguồn đô la Mỹ.
Ông Khoa cũng cho rằng về ngắn hạn, các doanh nghiệp cũng nghiêng về hướng vay ngoại tệ vì hiện tại chênh lệch lãi suất cho vay giữa tiền đồng và đô la Mỹ đã lên đến 12%/năm, và trong ngắn hạn tiền đồng không thể giảm giá đến 12% so với đô la Mỹ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu đều chọn vay đô la, ông Khoa nói.
Hiện tại lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ của các ngân hàng khoảng 7%- 8% trong khi lãi suất cho vay bằng tiền đồng đang ở mức 17%- 18%/năm đối với các doanh nghiệp.
Mặc dù cho vay đô la đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, không có nguồn ngoại tệ để trả nợ, là rủi ro cho cả doanh nghiệp và khách hàng nếu đến lúc trả nợ giá đô la tăng cao, nhưng nhiều ngân hàng vẫn cân nhắc để cho vay đối tượng khách hàng này.
Ông Điền cho biết các ngân hàng tùy theo khả năng cung ứng ngoại tệ của mình để cho vay ngoại tệ, ví dụ như ngân hàng đó có nhiều khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu, nhận thấy có thể có đủ nguồn để bán cho các doanh nghiệp nhập khẩu thì sẽ chấp nhận cho vay ngoại tệ đối với đối tượng này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhập khẩu mở L/C thanh toán, ngân hàng cũng được hưởng phí, hoặc doanh nghiệp có doanh số cao qua ngân hàng thì ngân hàng cũng có lợi, ông Điền nói.
Vì vậy, các ngân hàng cũng cân nhắc để cho vay ngoại tệ với đối tượng là doanh nghiệp nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc lãi suất huy động ngoại tệ cao cũng là một nguyên nhân đẩy lãi suất tiền đồng lên cao, vì lãi suất ngoại tệ cao sẽ khuyến khích người dân nắm giữ đô la.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế cấp tín dụng bằng ngoại tệ cho việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, nhưng đến cuối năm 2010, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành là 27,6% so với cuối năm 2009, trong đó cho vay tiền đồng tăng 25,3% và cho vay bằng ngoại tệ tăng đến 37,7%.
TBKTSG