Nhiều người học, ít người làm

Đất canh tác không còn, khá nhiều lao động nông thôn phải kiếm kế mưu sinh. Đào tạo nghề và tạo cơ hội cho đối tượng này phát huy nghề đã học là vấn đề cơ quan chức năng cần quan tâm.

Đất canh tác không còn, khá nhiều lao động nông thôn phải kiếm kế mưu sinh. Đào tạo nghề và tạo cơ hội cho đối tượng này phát huy nghề đã học là vấn đề cơ quan chức năng cần quan tâm.

Học nghề không khó

Trồng hoa súng khá hiệu quả nhưng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi vài ba hộ ở Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ).

Trồng hoa súng khá hiệu quả nhưng cũng chỉ giới hạn trong phạm vi vài ba hộ ở Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ).

Ở thành phố Đà Nẵng, đối tượng nông dân và con em họ muốn có nghề không khó, nhiều nơi mời đến đào tạo miễn phí. Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang và Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu quanh năm rộng cửa đón học viên. Hội Nông dân thành phố cũng liên tiếp mở các lớp đào tạo nghề. Có Trung tâm đào tạo nghề của Liên minh HTX, các Trung tâm Khuyến nông, khuyến công, các tổ chức phi chính phủ... cũng thực hiện chức năng này.

Tính ra mỗi năm, hàng nghìn nông dân ở Đà Nẵng được đào tạo nghề. Đó là chưa kể nhiều lớp tập huấn ngắn hạn cũng đã triển khai. Phải nói rằng, người lao động ở Đà Nẵng rất được quan tâm trong việc đào tạo nghề. Lớp trẻ thì học các nghề may công nghiệp, điện dân dụng, điện công nghiệp, gia công cơ khí, điện tử..., lứa tuổi trung niên thì học sản xuất nấm ăn, kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, nấu ăn, nuôi trồng thủy-hải sản...

Theo số liệu từ Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã đào tạo nghề cho 474 học viên. Tương tự, Trung tâm Dạy nghề Liên Chiểu đào tạo hơn 400 người. Cùng theo đó, Hội Nông dân đã mở 8 lớp đào tạo các nghề sản xuất nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi và kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, mỗi lớp 30 nông dân tham dự, nâng tổng số lớp đã mở trong 3 năm nay lên con số 26. Ngoài ra, hàng chục lớp do các đơn vị khác mở cũng thu hút hàng trăm học viên. Có thể nói, với chủ trương xã hội hóa đào tạo nghề, kinh phí đào tạo đều từ ngân sách, lao động ở nông thôn có cơ hội học nghề khá bài bản. Tuy vậy, hành nghề như thế nào là vấn đề cần đề cập.

Hành nghề không dễ

Chỉ cần đến lớp đều đều sau 3-4 tháng là có nghề trong tay, bởi người học gần như không mất khoản chi phí nào. Thế nhưng số học viên ứng dụng nghề đã học vào thực tế đời sống không nhiều. Chỉ tính riêng việc đào tạo nghề sản xuất nấm ăn, mấy năm gần đây có đến hàng chục lớp với hàng trăm nông dân dự học. Tuy vậy, số người sản xuất nấm hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay nấm ăn dễ tiêu thụ và có giá trên thị trường. Ngày rằm, mồng một, nấm rơm 60-80 nghìn đồng/kg. Nấm sản xuất không khó, nguyên liệu phong phú. Thế mà từ hơn 400 hộ sản xuất nấm 3 năm trước, nay cả thành phố còn chưa đến 100 hộ. Nguyên nhân là do người nông dân không tâm huyết, chịu khó. Hay như nghề trồng hoa, cây cảnh, năm nào các đơn vị đào tạo nghề cũng mở dăm bảy lớp, thế nhưng hoạt động này vẫn không khởi sắc.

Ông Ông Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang cho rằng: Trồng hoa, cây cảnh và sản xuất nấm là 2 nghề được vận dụng nhiều trong đời sống. Ông nêu một số người đã thành công trong nghề này như chị Khánh Vân ở phường Hòa Phát (Cẩm Lệ), ông Nguyễn Trung ở thôn Vân Dương xã Hòa Liên (Hòa Vang), hay như ông Lê Đình Cư ở phường Hòa Phát, ông Trương Ngọc Thân ở phường Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ), thu nhập cao từ trồng nấm.

Nói về nguyên nhân, ông cho rằng: Nhiều nông dân ít chịu khó và ít nỗ lực trong sản xuất kinh doanh. Hầu như họ hài lòng với cuộc sống không lấy gì khá giả hiện tại. Việc thu hút học viên là đối tượng nông dân đã khó, để họ phát huy nghề đã học là vấn đề không đơn giản. Ngay như sản xuất nấm rơm, chịu khó thu gom nguyên liệu sau mùa gặt không thiếu. Nông dân địa phương khác họ thu bằng hết. Còn ở Đà Nẵng sau mùa gặt, rơm cháy nghi ngút. Hoặc như hoa cây cảnh, hiện tại người Đà Nẵng chủ yếu mua từ nơi khác chuyển đến chăm sóc tiêu thụ, ít người tự ươm tạo, trồng cấy...

Nhiều người học, ít người làm là thực trạng diễn ra rất nhiều năm nay. Đây cũng là nguyên nhân kinh tế vùng nông thôn và vùng ven chậm khởi sắc. Từ thực trạng này, cơ quan chức năng cần xem xét đến hiệu quả việc đào tạo nghề, bởi mục tiêu cao nhất của hoạt động này là trang bị kiến thức để nông dân mưu sinh từ nghề đã học.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu   

Đọc thêm