Tâm huyết với sản phẩm truyền thống
Hiện nay, tại Hà Nội còn những làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề làm miến ở làng Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), nghề làm hương ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), hay làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn đang tồn tại, được nhiều thế hệ người trẻ lưu giữ và phát triển.
Như câu chuyện của nữ nghệ nhân Vũ Như Quỳnh (sinh năm 1986) sống tại Gia Lâm, Hà Nội, cô xuất thân từ gia đình có 4 đời làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng. Vì thế, từ nhỏ Quỳnh đã quen với bàn xoay, bình lọ được nặn thủ công tỉ mỉ của đất sét từ chính bố mẹ, người thân của cô. Nhưng ban đầu, Quỳnh chưa nhận ra tình yêu của mình với gốm sứ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Quỳnh đã đăng ký học ngành thiết kế thời trang ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cho tới 4 năm sau, khi tốt nghiệp trường đại học, Quỳnh mới nghĩ tới việc chuyển nghề, về nối nghiệp gia đình. Kiến thức mỹ thuật từ thời học đại học, đã giúp cho Quỳnh có thể định hình sản phẩm, tạo nên những hoa văn sống động, phối các màu sắc tinh tế...
Tuy nhiên, để thành công trong con đường làm gốm sứ, Quỳnh phải trải qua rất nhiều vất vả, thử thách. Đầu tiên, với con mắt của một người trẻ, Quỳnh nhận thấy nhu cầu đồ thờ cúng, bình trang trí... có nhu cầu trên thị trường lớn hơn món đồ sứ bát, đĩa, cốc, chén truyền thống. Cô bắt đầu thử sức với những lĩnh vực mới. Sau những lần hụt vốn, đập bỏ không biết bao nhiều đồ gốm sứ làm thất bại, Vũ Như Quỳnh vẫn được bố mẹ và gia đình ủng hộ, động viên cổ vũ để tiếp tục phát triển sản phẩm gốm sứ của mình. Từ đây, Vũ Như Quỳnh đã mạnh dạn bước vào con đường mới, đó là làm gốm đắp nổi, dát vàng, vẽ vàng, men rạn. Với những kiến thức thu nhận được từ việc học ngành mỹ thuật, Như Quỳnh đã làm các sản phẩm nổi 3D đầu tiên, mang lại một luồng gió mới cho dòng gốm tâm linh phong thủy.
Đồ gốm sứ họa tiết 3D của cô gái trẻ được rất nhiều khách hàng lựa chọn, bởi độ tinh tế, thẩm mỹ cao, đồng thời hoa văn của cô vừa độc đáo, sống động như thật lại vẫn giữ được vẻ mềm mại, uyển chuyển. Chẳng bao lâu sau, Vũ Như Quỳnh đã mở rộng kinh doanh, trở thành Giám đốc công ty TNHH Gốm sứ Vạn An Lộc đặt tại làng nghề gốm Bát Tràng.
Đó còn là câu chuyện của Nguyễn Thu Phương (37 tuổi, được phong Nghệ nhân làng nghề năm 2022), trú tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, là một người trẻ nhưng luôn đau đáu phát triển nghề làm hương truyền thống của gia đình. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm hương, từ nhỏ cô đã quen với mùi hương, cách làm ra từng nén hương. Khi trưởng thành, Thu Phương tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề làm hương của gia đình, thành lập Cơ sở sản xuất Từ Bi Hương. Cơ sở của cô không chỉ thỏa mãn niềm đam mê với nghề thủ công truyền thống của gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người ở xã.
Không chỉ dừng lại ở công nghệ làm hương truyền thống, nghệ nhân Thu Phương luôn tích cực đổi mới sản phẩm của mình. Thời đại công nghệ 4.0, để đa dạng hóa thị trường và mở rộng thị trường trong nước cũng như nước ngoài, Phương đã áp dụng công nghệ vào việc kinh doanh của gia đình nhằm đưa sản phẩm tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Sản phẩm hương của Cơ sở sản xuất Từ Bi Hương đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, cơ sở của cô có uy tín trên thị trường với chất lượng sản phẩm tốt. Trong tương lai sắp tới, cô mong muốn con cái sẽ nối nghiệp để phát triển thương hiệu của gia đình, lan tỏa vẻ đẹp của nghề thủ công truyền thống và gìn giữ giá trị văn hóa của quê hương.
Không chỉ có những người trẻ quyết tâm “nối nghiệp” truyền thống của ông cha, dòng họ để lại. Có những thanh thiếu niên Hà Nội đã tìm đến với văn hóa, nghề thủ công truyền thống bởi tình yêu, niềm say mê của mình. Đó là trường hợp của chàng trai trẻ Ngô Quý Đức (quận Ba Đình, Hà Nội) - người sáng lập dự án “Về làng”. Anh đã có hơn 15 năm ấp ủ giấc mơ đưa sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam về lại với đời thực.
Quý Đức không sinh ra và lớn lên ở một làng nghề truyền thống nào cả. Nhưng ngày từ thuở ấu thơ, anh đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm thủ công ở nhà ông như những bức tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, hay cả bộ bàn ghế bằng mây tre, những chiếc hộp sơn mài… Những thứ đồ vật đó dường như đã gắn liền với cả tuổi thơ của anh. Sau này khi lớn lên, xã hội phát triển, anh cảm thấy đáng tiếc rằng những sản phẩm thủ công đó không còn xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động đời sống hằng ngày nữa.
Khi đã trưởng thành, Ngô Quý Đức tiếp xúc với nhiều nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống. Anh tham gia hoạt động cho câu lạc bộ của các làng nghề thủ công. Nhưng Đức chỉ thực sự tìm thấy định hướng phát triển riêng khi thành lập dự án mang tên “Về làng”. Dự án những hoạt động hỗ trợ người trẻ tiếp cận với các sản phẩm thủ công truyền thống. Điểm đặc sắc của dự án là những tour du lịch đến những làng nghề truyền thống. Tại đó, du khách được giao lưu, trò chuyện với các nghệ nhân, đồng thời tìm hiểu các quy trình làm ra những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Mỗi tour sẽ có sự thay đổi khác nhau, tạo ra điểm mới lạ, đặc sắc, hấp dẫn mọi người tham gia. Qua những chuyến đi như vậy, du khách sẽ thêm trân trọng những sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc.
Nhiều người trẻ ở Hà Nội vẫn giữ “lửa” nhiệt huyết với những làng nghề truyền thống. (Vũ Như Quỳnh, nguồn: Kinh tế đời sống) |
Đưa đồ thủ công truyền thống vươn xa
Nhiều người thường được ví von Hà Nội là mảnh đất “trăm nghề”. Tính đến hiện nay, Thủ đô có hàng trăm làng nghề và làng có nghề. Mỗi làng nghề không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Vì vậy, phát triển làng nghề đầu tiên là câu chuyện phải tìm đầu ra, bán sản phẩm các sản phẩm truyền thống. Thứ hai, đó là làm sao để người tạo ra sản phẩm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Do đó rất cần mở ra không gian mới cho làng nghề, đưa sản phẩm của làng nghề Việt Nam vươn tầm thế giới.
Thực tế, giấc mơ của nhiều nghệ nhân trẻ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là đem những sản phẩm thủ công vươn tầm quốc tế, nhằm quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ, xã hội phát triển, người trẻ Việt Nam có thể dùng các trang mạng xã hội, trang web để đem sản phẩm thủ công của mình lan tỏa với bạn bè quốc tế.
Giống như câu chuyện của nữ nghệ nhân làm gốm Vũ Như Quỳnh. Cô không chỉ bán những sản phẩm gốm đắp nổi của mình cho cho khách hàng trong nước. Mà còn xuất khẩu sang các thị trường lớn ở bên nước ngoài. Những năm gần đây, đồ gốm sứ của nghệ nhân Như Quỳnh liên tục được đổi mới, sáng tạo. Cơ sở sản xuất của cô ngoài sản xuất đồ gốm thờ cúng, còn phát triển phân khúc đồ tâm linh cao cấp dát vàng và vẽ vàng kỹ thuật cao. Tạo ra sự kết hợp tinh tế giữa gốm và vàng, Ngoài ra, những đồ trang trí nội thất gia đình cũng được cô đầu tư, để làm ra những sản phẩm vừa sang trọng, tinh tế, nhưng không kém phần độc đáo.
Còn đối với nghệ nhân Thu Phương sản phẩm của cô đã được chứng nhận sản phẩm OCOP. Chất lượng sản phẩm của nữ nghệ nhân không chỉ đáp ứng được nhu cầu khách hàng nội địa, mà còn được nhiều khách nước ngoài ưa thích. Đặc biệt, những năm gần đây, các sản phẩm hương đen hay chân nhang của vùng được xuất sang các nước như Ấn Độ, Malaysia và một số nước Đông Nam Á... Cơ sở sản xuất của chị đã quảng bá nhiều mặt hàng sang Ấn Độ, nhưng vẫn chưa thực sự khả thi. Để phát triển mặt hàng này ở bên nước ngoài, đòi hỏi nghệ nhân Thu Phương cần đầu tư thêm công sức, tâm huyết để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng quốc tế.
Không chỉ bán sản phẩm truyền thống cho khách hàng trong nước, nhiều người trẻ còn mong muốn đem sản phẩm truyền thống vươn tầm quốc tế. (Nguồn: Từ Bi hương) |
Đặc biệt, để đưa sản phẩm của làng nghề truyền thống Việt Nam đến với thị trường nước ngoài, đòi hỏi công tác truyền thông và các hoạt động độc đáo, mới mẻ. Như Ngô Quý Đức, chàng trai với dự án “Về làng” mong muốn trong tương lai, anh và các cộng sự có thể để đưa những sản phẩm chất lượng cao, những tour du lịch đến các làng nghề Việt tới gần hơn với không chỉ cộng đồng trong nước mà còn cả quốc tế. Quý Đức hy vọng điều này sẽ góp phần giới thiệu những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và những bản sắc rất riêng của người Việt, để bạn bè thế giới có thể thấy được những gì tinh hoa nhất của làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam.