Nhiều sai phạm tại Bộ Y tế trong kế hoạch dự trữ 30 triệu viên Tamiflu

Cơ quan chức năng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế kiểm điểm trách nhiệm, xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm liên quan đến việc mua thuốc Tamiflu phòng chống dịch cúm A(H5N1). 

Cơ quan chức năng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế kiểm điểm trách nhiệm, xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm liên quan đến việc mua thuốc Tamiflu phòng chống dịch cúm A(H5N1). 

>> Thêm một bệnh nhân tử vong vì cúm A(H1N1)
>> Sắp có thuốc kháng virus H1N1 'made in Việt Nam'

Cuối  năm 2005, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm ở người, Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương đầu tư trang thiết bị, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phòng chống đại dịch. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate, đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Tham mưu thiếu căn cứ

Về vấn đề thuốc dự trữ, theo đề nghị của Bộ Y tế, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir để phòng chống dịch cúm A/H5N1. Số thuốc dự trữ được Bộ Y tế đề xuất là đủ 30 triệu viên (đến 30/6/2006). Sau đó, kế hoạch này được Chính phủ điều chỉnh xuống còn 20 triệu viên, dự trữ thuốc dưới hai hình thức: sản xuất 10 triệu viên, hoàn thành trong tháng 3/2006 và dự trữ dưới dạng nguyên liệu đủ sản xuất 10 triệu viên Oseltamivir.

Cơ quan chức năng nhận định, mặc dù trong hai năm (2003 - 2005) cả nước chỉ có 91 ca mắc bệnh nhưng Bộ Y tế vẫn đề xuất mốc thời gian đến 30/6/2006 phải dự trữ đủ 30 triệu viên thuốc, tương đương 3 triệu liều cho 3 triệu người. Việc tham mưu đề xuất như trên là thiếu căn cứ thực tiễn về tình hình diễn biến của dịch tại VN. Đồng thời, việc làm này cũng dẫn đến việc không mua được nguyên liệu của Công ty Roche để hạn chế lãng phí (Công ty Roche cung cấp nguyên liệu sau thời điểm tháng 8/2006, với hạn dùng nhiều năm hơn nguyên liệu từ Ấn Độ (Công ty Roche là 10 năm, của Ấn Độ là 3 năm).

Nhiều sai phạm tại Bộ Y tế trong kế hoạch dự trữ 30 triệu viên Tamiflu ảnh 1
Bộ Y tế đã có nhiều sai phạm trong kế hoạch dự trữ Tamiflu. Ảnh minh họa

Không xin phép Thủ tướng

Ngoài ra, Bộ Y tế còn vi phạm nhiều quy định trong quá trình triển khai mua nguyên liệu làm thuốc, dẫn đến việc doanh nghiệp đã mua nguyên liệu từ nguồn cung cấp với giá cao.

Cụ thể, bốn công ty được Bộ Y tế đặt hàng mua nguyên liệu sản xuất thuốc là Công ty dược và vật tư - y tế Phú Yên (Pymepharco); Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long; Công ty cổ phần dược phẩm Imexpharm và Công ty Stada Việt Nam. Trong quá trình đặt hàng bốn công ty trên, biên bản của “Hội đồng thẩm định các cơ sở đủ điều kiện sản xuất thuốc” của Bộ Y tế tại buổi làm việc với bốn công  ty đã  không có nội dung thương thảo về giá; biên bản làm việc không có chữ ký của công ty; đơn đặt hàng đã được Hội đồng thẩm định gửi cho công ty ngay tại buổi kiểm tra trong khi chưa có báo cáo lên Bộ trưởng.

Từ kết quả này, bốn công ty đã đặt mua 2.030 kg nguyên liệu Oseltamivir (do Hetero Labs Limited Ấn Độ sản xuất) với giá 17.500 - 18.000 USD một kg, cao hơn nhiều so với giá Bộ Y tế đã báo cáo là 12.000 USD một kg. Riêng Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long mua 520 kg nguyên liệu từ  Công ty Mambo Overeas Limited Singapore với giá 17.500 USD một kg, thành tiền là 9.100.000 USD. Tuy nhiên, công ty này chỉ thanh toán cho bên bán 5.252.000 USD và giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD, đồng thời số tiền giữ lại không được thể hiện trong báo cáo tài chính.

Theo cơ quan chức năng, Bộ Y tế đã không có văn bản gửi Bộ Tài chính thẩm định và không báo cáo Thủ tướng trước khi đặt hàng cho bốn công ty sản xuất và cung cấp thuốc. Đồng thời, Bộ Y tế cũng không phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá mua thuốc trước khi có đơn đặt hàng cho các công ty sản xuất để làm căn cứ pháp lý; đơn đặt hàng không ghi đơn giá và giao cho các công ty tự tìm nguồn mua nguyên liệu, tự xây dựng giá thuốc dẫn đến việc thẩm định giá thuốc bị động và phụ thuộc vào giá do doanh nghiệp đề xuất.

Theo cơ quan chức năng, tổng số thuốc Bộ Y tế đã mua và tiếp nhận từ các nguồn là 23.682.650 viên, bao gồm thuốc sản xuất trong nước là là 19.608.990 viên; thuốc viên mua nhập khẩu là 70.000 viên Tamiflu; thuốc nhận từ nguồn viện trợ là 4.003.660 viên. Số thuốc hiện còn tồn kho là 21.827.015 viên, trong đó có 10.153.805 viên hết hạn dùng nhưng chưa xử lý. Cơ quan chức năng cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ba trong bốn công ty tham gia sản xuất thuốc nộp tổng số tiền 2.846.000 USD vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ để chờ xử lý; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ giá mua nguyên liệu của 4 công ty và khoản tiền 3.848.000 USD mà công ty Cửu Long để ngoài báo cáo tài chính.

Theo BaoDatViet

Đọc thêm