Tiềm năng kinh tế từ “sản phẩm độc quyền”
Dừa sáp Trà Vinh nổi tiếng với lớp cơm dày, mềm dẻo và có vị béo ngậy đặc trưng, khác hẳn với các loại dừa thông thường. Với sự khác biệt này, dừa sáp không chỉ thu hút sự chú ý của thị trường trong nước mà còn được nhiều thị trường quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, dừa sáp đang được khai thác trong các lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm, và dược phẩm, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.
|
Dừa sáp là loại trái cây có giá trị kinh tế cao được nông dân Trà Vinh ưu ái. |
Một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên tiềm năng kinh tế của dừa sáp là số lượng hiếm có. Loại dừa này chỉ xuất hiện ở một số địa phương của Trà Vinh, với tỷ lệ cho sáp từ 20 - 30% trong tổng số trái trên 1 buồng, bình quân mỗi năm cho khoảng 20-25 trái/cây. Điều này không chỉ làm tăng giá trị của dừa sáp mà còn tạo nên nét riêng biệt, khiến người tiêu dùng sẵn lòng chi trả mức giá cao hơn để sở hữu.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, Trưởng đại diện Hiệp hội Dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa Quốc tế - ICC nhận định: Với đặc tính đặc biệt của dừa sáp hiện nay, thị trường trong và ngoài nước được đánh giá dư địa còn rất lớn. Do các loại dừa (sáp) của các nước khác chưa được quan tâm đầu tư, sản phẩm chưa xuất hiện trên thị trường thế giới mà còn thụ động như là đặc sản địa phương.
“Tỉnh Trà Vinh cần đầu tư chính sách và khuyến khích đầu tư các chuỗi liên kết cho dừa sáp, và khuyến khích đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường nhằm kích thích tiêu dùng tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào dừa sáp. Qua đó, kích thích người nông dân trồng và chăm sóc, tạo nhu cầu cho nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu nâng cao chất lượng là bước tiến kịp thời trong thời điểm hiện nay. Có thể nói đây sẽ là sản phẩm độc quyền trên thị trường”, ông Khoa cho biết thêm.
Khai thác tiềm năng trong ngành công nghiệp chế biến
Không chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi, dừa sáp Trà Vinh có thể mang lại giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc chế biến. Hiện nay, sản phẩm từ dừa sáp đã và đang được phát triển trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là thực phẩm.
Theo đó, dừa sáp có thể được chế biến thành nhiều sản phẩm như: dừa sáp sợi, kẹo dừa sáp, sữa chua dừa sáp, dừa sáp sấy khô, kem dừa sáp... Những sản phẩm này không chỉ cung cấp hương vị thơm ngon, mà còn rất giàu dinh dưỡng. Với việc nâng cấp công nghệ chế biến sâu, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được dừa sáp Trà Vinh có thể trở thành một sản phẩm nổi bật trong ngành hàng tiêu dùng thực phẩm.
|
Không chỉ cơm dừa, nước dừa mà ngay cả gáo và xơ trái dừa sáp đều có thể được tận dụng làm nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến sâu. |
Bà Lâm Ngọc Tú - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) cho biết: Công ty đang ứng dụng phương pháp sấy thăng hoa – là phương pháp sấy hiện đại nhất đang được ứng dụng tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... cho ra đời 2 sản phẩm dừa sáp sấy được sự đón nhận nồng nhiệt của người tiêu dùng. Ngoài ra sản phẩm từ dừa sáp sấy còn được xuất khẩu sang thị trường Anh, hứa hẹn nhiều khả năng đột phá, đủ sức tồn tại và thuyết phục được thị trường châu Âu.
Trà Vinh đang đẩy mạnh cải tiến quy trình sản xuất và chế biến, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và phát triển các cơ sở thu mua, chế biến tại địa phương nhằm giảm chi phí và gia tăng giá trị sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khẳng định: Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào chế biến sâu dừa sáp với mục tiêu đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm của ĐBSCL về ngành hàng dừa. Trà Vinh cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng hợp tác để đưa dừa sáp ra thị trường quốc tế, trở thành niềm tự hào của người dân Trà Vinh và cả nước.
Phát triển du lịch và các ngành liên quan đến dừa sáp
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, giá trị dừa sáp không chỉ dừng lại ở bán hàng, hoặc sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa sáp cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Giá trị dừa sáp còn ở chỗ khai thác từ nguồn du lịch, khách đến địa phương thỏa thích sự tò mò với trái dừa sáp, thưởng thức đặc sản địa phương... Đây là nguồn công nghiệp không khói hấp dẫn nhất mà tỉnh Trà Vinh chưa tận thu triệt để.
|
Lãnh đạo Hiệp hội Dừa Việt Nam trao công nhận "Cây dừa được trồng tại Trà Vinh là cây dừa Việt Nam" cho tỉnh Trà Vinh. |
Thực tế, việc phát triển các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp và văn hóa không chỉ tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân, mà còn giúp tăng cường quảng bá sản phẩm đã không còn xa lạ tại nhiều địa phương. Du khách không chỉ được tham quan quy trình trồng trọt, mà còn có cơ hội thưởng thức trực tiếp sản phẩm tại vườn, mang lại những trải nghiệm độc đáo. Đây là hướng đi tiềm năng, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành trồng dừa sáp Trà Vinh.
Bên cạnh du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa sáp cũng có thể trở thành một lĩnh vực khai thác tiềm năng. Vỏ dừa và các bộ phận của cây dừa có thể được sử dụng để tạo ra nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo, từ các vật dụng trang trí đến đồ dùng hàng ngày. Việc kết hợp giữa tính thẩm mỹ và tính bền vững trong các sản phẩm thủ công này có thể giúp mở ra thêm một thị trường mới cho dừa sáp Trà Vinh.
Trong tương lai, dừa sáp Trà Vinh sẽ là một sản phẩm mở ra tiềm năng rất lớn không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn ở nhiều ngành công nghiệp liên quan khác như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ và du lịch... Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính quyền và các doanh nghiệp, dừa sáp Trà Vinh có thể trở thành một thương hiệu quốc gia, mang lại nhiều giá trị kinh tế to lớn và bền vững cho cả người dân địa phương và nền kinh tế nước nhà.