Khát vọng cà phê Tây Nguyên - Bài 1: Hành trình nâng tầm cà phê K’Ho dưới chân núi Langbiang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mạnh dạn thử nghiệm, xây dựng thương hiệu cà phê của quê hương dưới chân núi Langbiang - ngọn núi được mệnh danh “nóc nhà Tây Nguyên”, Cơ Liêng Rolan đang đặt những bước đi đầu tiên để đưa thương hiệu cà phê K’Ho đi xa, bay cao...

Lời toà soạn: Tây Nguyên - vùng đất phên dậu phía Tây của Tổ quốc được trời phú thổ nhưỡng phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, con người phóng khoáng. Những năm qua, tại mảnh đất này - nơi được mệnh danh là thủ phủ của cà phê - cây cà phê Tây Nguyên không ngừng vươn cao, vươn xa chinh phục thị trường toàn cầu.

Giữa trời đất bao la vùng núi non trùng điệp, nhiều con tim ngày đêm cần mẫn tìm tòi, không ngại khổ, ngại khó nghiên cứu, thử nghiệm, cho ra đời những thương hiệu cà phê với giá trị cốt lõi “sạch – nguyên chất - hảo hạng”.

Với tâm nguyện tiếp lửa, lan toả tinh thần nâng tầm cà phê Tây Nguyên, Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Khát vọng cà phê Tây Nguyên”.

Quán cà phê với phong cách đặc trưng văn hoá đồng bào K'Ho của Rolan ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương.

Quán cà phê với phong cách đặc trưng văn hoá đồng bào K'Ho của Rolan ở thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương.

Thương hiệu cà phê nảy nở từ mối tình xuyên biên giới

Cơ Liêng Rolan (SN 1987, ngụ làng Bon Bnor C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) khiến nhiều người bất ngờ bởi cô là người con gái đồng bào K’Ho hiếm hoi lấy chồng Tây, có khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát. Điều đặc biệt, cô đã tự mình lập doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cà phê K’Ho.

Rolan kể lại, từ cả trăm năm trước, ông cố, ông nội cô là những người đầu tiên nhân giống cà phê được người Pháp đem tới Lâm Đồng trồng, đến nay Rolan là thế hệ thứ 4 trong gia đình theo nghề trồng cà phê. Từ nhỏ Rolan đã theo bố mẹ lên rẫy trồng và thu hoạch cà phê. Tuổi thơ cô gắn liền với cây cà phê. Trong ký ức của mình, Rolan vẫn nhớ cảnh bố mình nhặt chọn cà phê chín rồi tự rang, xay thủ công đem pha uống.

Cơ liêng Rolan tự tay pha cà phê K’Ho.

Cơ liêng Rolan tự tay pha cà phê K’Ho.

Rolan sinh ra trong gia đình đông con, thấm đẫm nỗi vất vả người làm nông nên từ nhỏ luôn tự nhủ phải cố gắng học để thoát cảnh nghèo khó. Nhờ thầy cô giáo giảng dạy, cộng với niềm đam mê, khát khao thoát ly khỏi buôn làng nên từ năm 14 tuổi, cô bé người K’Ho đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài, trở thành “hướng dẫn viên” du lịch tại buôn làng.

Thi đỗ vào một trường đại học ở TP HCM nhưng Rolan đành gác lại giấc mơ ngồi ghế giảng đường bởi gia đình không đủ điều kiện. Trở lại buôn làng, Rolan chăm chú mày mò trau dồi tiếng Anh, tham gia hướng dẫn du khách. “Mình là người đồng bào K’Ho, lại biết nói tiếng Anh nên thường được mời tham gia hướng dẫn du khách, giới thiệu với khách du lịch văn hoá đồng bào K’Ho. Năm 19 tuổi mình xin vào làm việc tại điểm du lịch Đồi Mộng Mơ, TP Đà Lạt”, Rolan kể.

Hai năm sau đó, cô gái K’Ho gặp gỡ chàng trai người Mỹ gốc Hà Lan Josh Henry Guikema cũng là hướng dẫn viên du lịch, 2 người cảm mến nhau rồi chàng trai ngoại quốc tự nguyện bị “bắt chồng”.

Thương hiệu cà phê K’Ho gắn liền với câu chuyện tình đẹp giữa Rolan và Josh Henry Guikema.

Thương hiệu cà phê K’Ho gắn liền với câu chuyện tình đẹp giữa Rolan và Josh Henry Guikema.

Chồng Rolan có niềm đam mê uống cà phê, có thể uống cà phê suốt ngày. Năm đầu tiên kết hôn, Josh tham gia thu hoạch cà phê cùng gia đình Rolan: “Anh ấy mê mẩn trước những hạt cà phê chín mọng, chắc hạt, rang xay ra pha uống lại cho hương vị thơm ngon đặc trưng. Rồi một lần anh ấy tự hỏi tại sao cà phê ngon như thế mà không tự rang xay uống, cho người thân thưởng thức”.

Từ ý tưởng vu vơ đó của chồng, Rolan quyết định tuyển chọn cà phê trong vườn rồi rang xay, pha uống. Mẻ cà phê đầu tiên chị thử nghiệm vào năm 2011.

Mới đầu cà phê có vị chua, ít thơm. Vợ chồng Rolan cần mẫn điều chỉnh công thức, mỗi khi có một công thức mới, lại nhờ người thân, bạn bè uống thử để đúc rút kinh nghiệm. “Không chỉ điều chỉnh công thức rang xay mà phải thay đổi từ việc thu hoạch, sơ chế cà phê, thậm chí phơi cà phê thế nào cho đúng cách cũng phải học”, Rolan kể.

Vợ chồng Rolan cần mẫn, tâm huyết với thương hiệu cà phê K'Ho.

Vợ chồng Rolan cần mẫn, tâm huyết với thương hiệu cà phê K'Ho.

Suốt những năm từ 2011 đến 2015, Rolan và chồng cũng thường xuyên mang sản phẩm cà phê của mình đi “thi đấu” tại các cuộc thi, triển lãm về cà phê.

Sau khi nhận được những lời khen, vợ chồng Rolan mới quyết định xây dựng thương hiệu cà phê cho riêng mình. Thương hiệu Cà phê K’Ho ra đời từ đó.

Kể từ khi có Cà phê K’Ho, Josh nghỉ việc, gom góp mọi thứ rồi cùng Rolan và buôn làng chung sức dựng một căn nhà gỗ ấm áp giữa một vườn cà phê bát ngát, tựa vào sườn đồi nhìn ra núi Lang Biang – nơi mỗi chiều, Rolan lại kể cho Josh nghe câu chuyện tình bất hủ của chàng Lang và nàng Biang trong truyền thuyết người K’Ho.

"Năm 2012, Josh và Rolan đã bán được một túi cà phê arabica lụa cho du khách theo phương pháp rang tay thủ công. Và cứ thế, đến năm 2013, từ một túi 1kg ban đầu đó, đến nay Cà phê K’Ho đã bán hàng tấn cà phê cho khách" - bà chủ Cà phê K’Ho vui vẻ tiết lộ.

Ý tưởng phát triển cà phê tự nhiên

Rolan với kinh nghiệm lâu năm trồng cà phê, được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều loại cà phê đã đúc rút ra rằng vùng đất quê hương dưới chân núi Langbiang sở hữu những điều kiện lý tưởng để trồng cà phê ngon như: Nằm ở độ cao 1.500- 1.700m so với mực nước biển, là vùng đất được mệnh danh “nóc nhà Tây Nguyên”, khí hậu mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng phì nhiêu, rất phù hợp cho cây cà phê arabica phát triển. Việc còn lại là sơ chế cà phê phải đảm bảo kỹ thuật để giữ được hương vị cà phê đặc trưng.

Rolan bên vườn cà phê “hoàn toàn tự nhiên”.

Rolan bên vườn cà phê “hoàn toàn tự nhiên”.

Hiện tại Rolan xây dựng vùng nguyên liệu cà phê K’Ho gồm nương rẫy của người thân trong gia đình hơn 20ha. Toàn bộ diện tích cà phê này đều được chăm sóc, thu hoạch, sơ chế thành phẩm hoàn toàn thủ công.

Ấp ủ và theo đuổi khát vọng phát triển thương hiệu cà phê của đồng bào người K’Ho, cũng như lưu giữ lại những giống cà phê cổ được cha ông để lại, Rolan cùng chồng miệt mài quảng bá, lan toả thương hiệu cà phê vùng cao nguyên Langbiang đi khắp nơi.

Thậm chí, cô gái K’Ho còn mạnh dạn mang sản phẩm cà phê K’Ho đi “du đấu” tại các triển lãm, hội chợ tại Nhật Bản, Mỹ.

Sản phẩm cà phê K’Ho tại một hội chợ.

Sản phẩm cà phê K’Ho tại một hội chợ.

Năm 2012, tại hội chợ ở Mỹ, cà phê K’Ho được ban giám khảo chấm 89 điểm, ngang bằng với sản phẩm cà phê nổi tiếng Ethiopia.

Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức với cô gái K’Ho khi du khách nước ngoài vắng bóng tại địa phương. Những đoàn khách ngoại quốc vào buôn làng Bon Bnor C cũng thưa thớt. Hệ thống quán cà phê K’Ho ở các tỉnh thành vừa mở cửa cũng đìu hiu trước đại dịch. Cùng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu, những lô hàng cà phê xuất khẩu cũng dừng lại.

Khó khăn như vậy nhưng Rolan chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ sứ mệnh phát triển cà phê K’Ho.

Có thể nói hành trình khởi nghiệp của cô gái 8X K’Ho gặp phải tảng đá lớn, thế nhưng khát vọng vực dậy thương hiệu cà phê quê hương chưa bao giờ nguội lạnh trong suy nghĩ của Rolan.

Chỉ ra vườn cà phê rộng hơn 3.000m2 ngay trong khuôn viên quán cà phê K’Ho ở buôn Bon Bnor C, Rolan cho biết bản thân đang thử nghiệm loại cà phê ngon nhất, tự nhiên nhất. Rolan giới thiệu vắn tắt rằng mảnh vườn đang trồng giống cà phê cổ mà gia đình canh tác qua nhiều thế hệ. Với vườn cà phê này, Rolan không sử dụng phân bón hoá học, thậm chí bón phân hữu cơ cũng hạn chế tối đa. Thay vào đó, chị trồng xen cây ăn trái, cây có bóng mát, trồng cỏ, thả gà để tạo ra hệ sinh thái hoàn toàn tự nhiên.

Cô gái K’Ho giới thiệu về thương hiệu cà phê gắn với nơi sinh ra, lớn lên.

Cô gái K’Ho giới thiệu về thương hiệu cà phê gắn với nơi sinh ra, lớn lên.

Theo kinh nghiệm cá nhân, Rolan nhận thấy cây cà phê cho hạt ngon từ năm tuổi thứ 7. “Mình đã chờ đợi 7 năm nay rồi, sắp tới sẽ thu hoạch, sơ chế rồi rang xay thành phẩm và gửi mẫu cà phê đi phân tích, pha thử để lấy ý kiến người uống. Nếu được thị trường chấp nhận, mình sẽ chuyển hướng sang sản xuất dòng sản phẩm này để tạo chỗ đứng trên thị trường, mình cũng đã có sẵn mảnh vườn hơn 2ha để dành để trồng giống cà phê cổ của gia đình”, Rolan nói về dự định.

Rolan chia sẻ, giống cà phê của gia đình cho hương vị thơm trái cây, đậm vị, ngọt hậu, còn giống cà phê gieo trồng đại trà dù có sơ chế kỹ lưỡng thì cà phê vẫn có vị đắng.

Bà chủ Cà phê K’Ho cũng tiết lộ những "bí kíp" riêng để tạo ra sản phẩm cà phê đặc biệt của mình: Ngoài việc chọn lọc 100% quả chín, chắc thì để có cà phê ngon, nguyên bản đòi hỏi khâu sơ chế, phơi, lên men phải đảm bảo kỹ thuật. Chẳng hạn như thời tiết nắng nhẹ, hạt bay hơi ít thì quá trình đảo hạt phải khác.

Cà phê K'Ho được phơi tỉ mỉ dưới ánh nắng tự nhiên.

Cà phê K'Ho được phơi tỉ mỉ dưới ánh nắng tự nhiên.

Đắm chìm với niềm đam mê cà phê, Rolan mong muốn người dân địa phương gìn giữ giống cà phê cổ ở vùng bản địa. Bởi nhiều năm qua, vì chạy theo sản lượng trước mắt, nhiều gia đình mua các giống cà phê mới về trồng, dần dần những gốc cà phê cổ bị loại bỏ.

“Mình đang cố gắng giữ lại những vườn cà phê giống cổ của gia đình, thay đổi phương pháp canh tác để bà con nhìn vào đó mà nhận ra rằng nếu chăm sóc đúng cách, đúng phương pháp thì sản lượng cà phê cổ không thua kém giống mới. Từ đó mọi người sẽ quay lại với giống cà phê bản địa”, cô gái người K’Ho bộc bạch.

Cà phê K'Ho được tuyển chọn rang xay từ hạt cà phê chín.

Cà phê K'Ho được tuyển chọn rang xay từ hạt cà phê chín.

Tuy nhiên để thương hiệu cà phê đồng bào K’Ho có chỗ đứng, được đi xa, theo Rolan là cả bài toán nan giải: “Hiện tại mình chủ yếu bán cà phê nhân cho các khách hàng thân thuộc nhưng vì sản xuất hoàn toàn thủ công nên sản lượng không nhiều. Để phát triển mạnh cà phê K’Ho thì trước tiên phải có vốn đầu tư máy móc canh tác, sơ chế và xử lý rác thải tại chỗ. Nếu sản xuất nhỏ lẻ thì những vấn đề này hoàn toàn kiểm soát được, song mở rộng quy mô lớn thì chuyện không dễ”.

Cà phê K’Ho được thu hoạch, sơ chế, rang xay hoàn toàn thủ công.

Cà phê K’Ho được thu hoạch, sơ chế, rang xay hoàn toàn thủ công.

Bên cạnh chất lượng, Rolan đang phát triển cà phê gắn liền với văn hoá đồng bào K’Ho. Đó là lý do mà quán cà phê K’Ho trưng bày nhiều sản phẩm dệt thủ công, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của người K’Ho: “Bon Bnor C là làng dệt thổ cẩm nên trưng bày các sản phẩm văn hoá truyền thống sẽ tăng thêm sức hấp dẫn, thú vị cho khách tới thưởng thức cà phê. Ngồi nhâm nhi ly cà phê kèm theo những câu chuyện sẽ thêm thi vị”, Rolan nói.

(còn tiếp)

Đọc thêm