>>> KHÁT VỌNG CÀ PHÊ TÂY NGUYÊN
Kết hợp trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch
Là địa phương có diện tích canh tác cà phê thuộc tốp đầu cả nước, ông có thể điểm qua một số lợi thế trong phát triển giống cây trồng này của Gia Lai?
- Gia Lai nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam và là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên. Mặt khác, Gia Lai có lợi thế giao thông thuận lợi trong kết nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và nhiều địa phương trong nước, quốc tế.
Ông Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. |
Bên cạnh đó, Gia Lai rộng thứ 2 cả nước với diện tích tự nhiên hơn 1,5 triệu ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp hơn 1,4 triệu ha. Đặc biệt, tỉnh có cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng, đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa là những ưu đãi thiên nhiên ban tặng. Đây chính là nguồn lực quan trọng trong phát triển sản xuất nông - lâm, tạo ra sự đa dạng, phong phú sản phẩm nông sản.
Giá cà phê ngày càng tăng đã giúp người dân Tây Nguyên vươn lên làm giàu. |
Riêng cà phê là cây trồng chủ lực của Gia Lai với diện tích đến nay hơn 105.000 ha trải dài trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Trong đó có gần 60.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, RA, C.A.F.E. Practices, Organic…, chủ yếu là cà phê Robusta, năng suất hơn 3,9 tấn/ha; sản lượng hơn 400.000 tấn/năm. Đến nay, cà phê của Gia Lai đã được xuất khẩu đi thị trường 60 nước trên thế giới, năm 2023 giá trị xuất khẩu cà phê hơn 490 triệu USD, chủ yếu là cà phê nhân xanh, tỉ lệ cà phê qua chế biến sâu đạt 6%.
Một trong những định hướng của Gia Lai là phát triển cà phê gắn với du lịch. |
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Gia Lai không chú trọng tăng sản lượng cà phê bằng cách mở rộng diện tích canh tác mà sẽ đi vào chế biến sâu, phát triển cà phê đặc sản nhằm gia tăng giá trị, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về định hướng này?
- Theo kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp Gia Lai đến năm 2030, tỉnh định hướng phát triển ổn định diện tích cà phê khoảng 100 ngàn ha, sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 15,03%. Cùng với đó, phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan; những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ...
Gia Lai đang hướng tới sản xuất cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. |
Gia Lai đồng thời rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp, đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới để chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn. Song song với đó, chúng tôi đẩy mạnh tái canh các vườn cà phê già cỗi; sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh; trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm và tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển cà phê đặc sản Việt Nam trên địa bàn. Theo kế hoạch, đến năm 2030, diện tích cà phê vối đặc sản ở Gia Lai đạt khoảng 2,34 ngàn ha, sản lượng cà phê đặc sản đạt khoảng 1,7 ngàn tấn.
Chủ tịch Gia Lai Rah Lan Chung (thứ hai từ phải qua) trong một lần khảo sát, kiểm tra tại cơ sở. |
Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh áp dụng rộng rãi kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; trồng cây chắn gió, cây che phủ, tỉa gốc và tạo cảnh quan cà phê; từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và sản xuất cà phê chứng nhận. Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 2%, diện tích cà phê đặc sản trên 2%; có trên 80% diện tích cà phê đạt các tiêu chuẩn sản xuất (VietGAP, 4C, RA, C.A.F.E. Practices, Organic...); trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện tốt quy định EUDR (phát triển ngành hàng cà phê chống suy thoái rừng, phá rừng).
Ưu tiên chế biến sâu cà phê để gia tăng giá trị
Thưa ông, một trong những ưu tiên của Gia Lai trong chiến lược nâng cao giá trị cà phê là đẩy mạnh thu hút đầu tư về lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm cà phê và phát triển hệ thống logictic. Để cụ thể hoá hướng đi này, tỉnh xác định nhiệm vụ chính là gì?
Chủ tịch tỉnh Gia Lai trò chuyện với cán bộ, cựu chiến binh trong chuyến công tác tại huyện Kbang. |
- Để chế biến sâu sản phẩm cà phê và phát triển hệ thống logictic, Gia Lai tập trung vào 3 nhiệm vụ chính sau đây: Trước tiên, đảm bảo tỷ lệ thu hái cà phê đúng độ chín, đủ tiêu chuẩn chất lượng đạt 80 - 90%. Hạt cà phê sau đảm bảo sạch trong tất cả các khâu thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản, cung cấp cà phê nguyên liệu... để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Người dân Tây Nguyên nâng niu từng hạt cà phê. |
Nhiệm vụ trọng tâm nữa là tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống sân phơi và máy sấy đối với sơ chế cà phê bằng phương pháp khô; Khuyến khích nông dân hợp tác trong sơ chế cà phê với quy mô vừa và áp dụng phương pháp chế biến bán ướt đối với cà phê vối, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phẩm cấp nguyên liệu cho các quá trình chế biến tiếp theo.
Đồng thời, Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm cà phê, đặc biệt chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và tạo sự khác biệt của cà phê. Các giải pháp triển khai đồng thời khác như khuyến khích đầu tư mới và nâng cấp các nhà máy sử dụng công nghệ mới, hiện đại chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu chiếm 20 - 25% tổng sản lượng cà phê của tỉnh; khối lượng cà phê xuất khẩu khoảng 85% tổng sản lượng cà phê của tỉnh (trong đó, cà phê rang xay chiếm khoảng 6%, cà phê hòa tan khoảng 20%).
Có thể thấy tiềm năng, cơ hội phát triển ngành hàng cà phê Gia Lai rất lớn, vậy để đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa vai trò ngành hàng cà phê, đâu là những giải pháp tỉnh chú trọng trong thời gian tới?
- Thứ nhất, tăng cường quản lý và phát triển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất cà phê (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, không độc hại nhằm đảm bảo chất lượng nông sản; mở rộng sản xuất cà phê theo chương trình IPM, sức khỏe cây trồng; từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất cà phê từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nhằm hạ chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê Gia Lai trên thị trường.
Nụ cười người nông dân khi cà phê được mùa, được giá. |
Thứ hai, phát triển mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nhằm tạo ra sản lượng cà phê theo tiêu chuẩn lớn nhất; gắn với thực hiện EUDR, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời tăng cường kết nối, thu hút đầu tư chế biến sâu sản phẩm cà phê; phát triển hệ thống kho, bãi, bốc xếp, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm cà phê.
Thứ ba, thực hiện tốt việc rà soát diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh nặng, năng suất thấp để tái canh bằng các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao; mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như 4C, RA, Organic.... để đáp ứng các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Đẩy mạnh phát triển thủy lợi nhỏ, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho sản xuất cà phê nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo năng suất và sản lượng, chất lượng cà phê.
Thứ tư, tập trung xây dựng chứng chỉ cacbon, phát triển kinh tế tuần hoàn ngành hàng cà phê. Song song với đó, chúng tôi tăng cường quảng bá chỉ dẫn địa lý cà phê Gia Lai trong và ngoài nước, thực hiện tốt bảo hộ thương hiệu cà phê Gia Lai trên thị trường quốc tế; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê, nâng giá trị xuất khẩu cà phê Gia Lai lên tầm cao mới.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi, chúc ngành hàng cà phê Gia Lai sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của địa phương!
Sản xuất cà phê sạch, cà phê đặc sản – hướng đi bền vững
Sản xuất cà phê theo hướng sản phẩm sạch, cà phê đặc sản là mô hình đang được nhiều nông dân, doanh nghiệp ở Tây Nguyên áp dụng. Hiểu một cách nôm na, cà phê sạch, cà phê đặc sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Chẳng hạn, sản phẩm cà phê muốn xuất khẩu sang một số thị trường cần phải được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Tiêu chuẩn 4C được phát triển và quản lý bởi Tổ chức Phi chính phủ Common Code for the Coffee Community (4C), có trụ sở tại Đức. Mục tiêu chính của tiêu chuẩn này là đảm bảo rằng cà phê được sản xuất từ quy trình bền vững, có ít tác động tiêu cực đến môi trường, tạo điều kiện làm việc công bằng cho người lao động và hỗ trợ phát triển cộng đồng nơi cà phê được sản xuất. Đổi lại, khi xuất bán cà phê được chứng nhận sản xuất bền vững, xanh, người nông dân sẽ được hỗ trợ thêm một khoản chi phí từ người tiêu dùng.