Sản phẩm OCOP Thanh Hóa: Khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng, các sản phẩm OCOP xứ Thanh đã không ngừng nỗ lực tiếp cận người tiêu dùng bằng nhiều hình thức đa dạng, từ đó tiếp tục khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của Thanh Hóa, một trong những phương thức hiệu quả tiếp cận người tiêu dùng (Ảnh: Đức Thọ).
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của Thanh Hóa, một trong những phương thức hiệu quả tiếp cận người tiêu dùng (Ảnh: Đức Thọ).

Tăng cường quảng bá thương hiệu bằng phương thức tiếp cận khách hàng truyền thống

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Thanh Hóa đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng. Tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh đã có 531 sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất được công nhận OCOP (473 sản phẩm 3 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm 5 sao). Các sản phẩm thể hiện những màu sắc, hương vị đặc trưng riêng, không chỉ chiếm được sự tin yêu của khách hàng trong nước mà còn từng bước chinh phục thị trường xuất khẩu.

Góp phần không nhỏ để đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực đồng lòng đưa thương hiệu sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng của các chủ thể OCOP cùng các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, bằng nhiều phương tiện, hình thức đa dạng.

Từ năm 2019 đến nay, hàng chục điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP được xây dựng tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Một số địa phương còn hỗ trợ để các thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP như: Hoằng Hóa, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa...

Tại TP Thanh Hóa, từ đầu năm 2024, sản phẩm OCOP được triển khai các gian hàng trưng bày, bán tại Công viên Hội An vào thứ 7 hằng tuần. Đây là hình thức quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương đến với khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, không chỉ người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm tiêu biểu của tỉnh mà du khách khi đến tham quan, vui chơi cũng có thêm những lựa chọn khi mua quà tặng, quà lưu niệm.

Gian hàng trưng bày OCOP tại Công viên Hội An, TP Thanh Hóa.

Gian hàng trưng bày OCOP tại Công viên Hội An, TP Thanh Hóa.

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 30 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP và hàng chục điểm bán sản phẩm OCOP dưới dạng quà tặng, quà lưu niệm tại các khu, điểm du lịch.

Năm 2024, Văn phòng Điều phối nông thôn XDNTM tỉnh và các sở, ngành có liên quan cũng đưa các sản phẩm OCOP Thanh Hóa xuất hiện tại nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ địa phương và một số tỉnh, thành phố khác như: Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Ngày hội kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn, giới thiệu sản phẩm OCOP Thái Nguyên; gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; sản phẩm OCOP xứ Thanh xuất hiện tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực Thọ Xuân; Hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Lễ hội du lịch biển Nghi Sơn; Liên hoan văn hóa ẩm thực xứ Thanh năm 2024 tại TP Sầm Sơn với quy mô hơn 100 gian hàng đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước; gian hàng tiêu chuẩn tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ 2 tại tỉnh Kiên Giang,...

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hoá tại Hội báo toàn quốc năm 2024.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hoá tại Hội báo toàn quốc năm 2024.

Thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các chủ thể sản xuất được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng. Qua đó, kết nối thêm các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và các đại lý trong, ngoài tỉnh.

Ngày 2/8, trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ chủ thể tham gia xúc tiến thương mại và xuất khẩu sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, các chủ thể OCOP của tỉnh Thanh Hoá đã tham gia trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Qua đó tìm kiếm, gia tăng cơ hội kết nối với một số đơn vị tiêu thụ có uy tín trong nước và từng bước vươn tầm ra thế giới.

Khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường thông qua ứng dụng công nghệ, nền tảng số

Ngoài các phương thức quảng bá truyền thống, để nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Qua đó giúp các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trên thị trường.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 180 doanh nghiệp, 11 HTX và gần 150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP đã thực hiện quảng bá và bán hàng nông sản thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử: Tiki, Lazada, Postmart.vn, Voso.vn... với trên 50 sản phẩm khác nhau. Sản phẩm tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử ước tính đạt khoảng 25 - 30% sản lượng bán hàng của các DN.

Thương hiệu Nem vị Thanh được quảng bá hiệu quả trên website và nhiều nền tảng mạng xã hội.

Thương hiệu Nem vị Thanh được quảng bá hiệu quả trên website và nhiều nền tảng mạng xã hội.

Là 1 trong những doanh nghiệp của tỉnh đi đầu trong đẩy mạnh triển khai quảng bá, thương hiệu sản phẩm trên nhiều nền tảng mạng xã hội và Website, ông Phạm Hữu Hùng, giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Lam Kinh, chủ thương hiệu Nem vị Thanh cho biết: "Để tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn, ngoài việc tham gia các hội chợ để trực tiếp giới thiệu sản phẩm tới khách hàng, công ty chúng tôi còn xây dựng kênh Tiktok, Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng đẩy mạnh đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi số trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh thu của công ty tăng 2-3 lần, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn nem các loại".

Để trợ lực phát triển Chương trình OCOP, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Theo đó, quy định hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền; thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng những cơ chế riêng để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Từ đó, không chỉ sản phẩm được nâng sức cạnh tranh mà còn đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Website OCOP Thanh Hóa liên tục cập nhật tin, bài giới thiệu sản phẩm, hoạt động.

Website OCOP Thanh Hóa liên tục cập nhật tin, bài giới thiệu sản phẩm, hoạt động.

Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương để thông tin, tài liệu để xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền về phát triển các sản phẩm OCOP; Cập nhật các tin, bài, ảnh, phóng sự về Chương trình OCOP tại website “ocoptinhthanhhoa.com.vn” để giới thiệu quảng bá nét độc đáo, dấu ấn riêng của sản phẩm.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực không ngừng của các chủ thể sản xuất, sản phẩm OCOP xứ Thanh ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận, mang trải nghiệm thực tế đến người tiêu dùng; trở thành những thương hiệu tin cậy, chất lượng, có sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Đây chính là động lực không nhỏ giúp thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân địa phương cũng như bồi đắp tình yêu, niềm tự hào với sản phẩm truyền thống quê hương Thanh Hóa.

Đọc thêm