Nhiều tin vui với ngành Y tế Hải Phòng

(PLVN) - Từ đầu năm 2023 có nhiều tin vui với ngành Y tế Hải Phòng. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai thành công đã mang thêm hy vọng sống khỏe cho người dân, tạo động lực cho đội ngũ y, bác sĩ tiến đến nền y tế tiên tiến, hiện đại.
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu và Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng hỏi thăm người bệnh tại Bệnh viện An Lão.
Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu và Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng hỏi thăm người bệnh tại Bệnh viện An Lão.

Những ca ghép thận đầu tiên thành công

Thời gian gần đây, hàng loạt các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới tại các bệnh viện (BV) chuyên khoa, đa khoa của TP Hải Phòng tiếp tục được triển khai thành công đã mang lại cơ hội sống cũng như đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh rất đa dạng của người dân.

Tháng 6/2023, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức, BV Hữu nghị Việt Tiệp (TP Hải Phòng) đã thực hiện thành công ca ghép thận từ cặp ghép cùng huyết thống. Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi để lấy thận từ người hiến, sau đó ghép cho người nhận. Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca ghép thận đã được thực hiện thành công.

Sau phẫu thuật, cặp anh em ruột được hồi sức, sau 7 ngày thì hồi phục hoàn toàn. Tiếp đó, kíp mổ của BV đã tiếp tục triển khai ca ghép thận thứ hai cho hai bố con sinh sống tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau gần 5 tiếng phẫu thuật, ca ghép thận diễn ra tốt đẹp, thuận lợi.

Ghép thận là một kỹ thuật cao, chuyên sâu, đòi hỏi BV phải được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, phòng mổ đủ tiêu chuẩn, đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bài bản. Trước đây, mỗi năm, BV Hữu nghị Việt Tiệp phải chuyển khoảng 30 ca ghép thận lên Hà Nội thực hiện phẫu thuật thay thận (chưa tính số người tự đi, không qua BV). Trước tình hình đó, BV quyết tâm thực hiện được việc ghép thận để giảm chi phí, đi lại do bệnh nhân phải di chuyển lên tuyến trên. Sự kiện này cũng đưa kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy, góp phần quan trọng nâng cao uy tín, vị thế của ngành Y tế Hải Phòng.

Triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu

Ngoài BV Hữu nghị Việt Tiệp, BV Phụ sản Hải Phòng, BV Mắt Hải Phòng cũng có nhiều bước tiến trong việc triển khai kỹ thuật y tế chuyên sâu.

Tháng 6 vừa qua, PGS.TS Vũ Văn Tâm - Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng đã thực hiện ca mổ đẻ thành công cho sản phụ N.T.M (60 tuổi, Tiên Lãng, Hải Phòng). Bà M là phụ nữ cao tuổi nhất đến thời điểm này sinh con tại BV Phụ sản Hải Phòng. Năm 2022, bà M cùng chồng (62 tuổi) đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Hải Phòng bày tỏ nguyện vọng được làm IVF (kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm - PV). Mặc dù ở độ tuổi không còn thích hợp nhưng khát vọng được làm mẹ của sản phụ M cùng sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, các bác sĩ đã làm nên một điều kỳ diệu. Lần chuyển phôi thứ 2 đối với sản phụ M đã thành công. Thai kỳ diễn ra thuận lợi và bé gái nặng 3,1kg chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình.

Sau trường hợp lớn tuổi nhất là sản phụ 61 tuổi ở Hà Nội, bà M là phụ nữ cao tuổi thứ 2 của Việt Nam mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Tính đến thời điểm này, tổng số trẻ sơ sinh đã được ra đời nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại BV Phụ sản Hải Phòng là trên 1.800 trẻ.

Ngoài thụ tinh trong ống nghiệm, BV cũng duy trì nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu như: nút mạch điều trị u xơ tử cung, truyền ối điều trị thiếu ối, phẫu thuật nội soi phụ khoa… “Với nhiệm vụ cao cả là trở thành trung tâm sản khoa vùng Duyên hải Bắc Bộ, chúng tôi đã và đang nỗ lực chuyển trục phát triển BV theo hướng chuyên khoa sâu và mũi nhọn, giảm dần các kỹ thuật truyền thống cho các tuyến dưới”, PGS.TS Vũ Văn Tâm nhấn mạnh.

Trong khi đó, tháng 8/2023, BV Mắt Hải Phòng đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép giác mạc cho hai bệnh nhân bị mất thị lực do bệnh lý giác mạc. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật ghép giác mạc được thực hiện thành công tại BV Mắt Hải Phòng. Đặc biệt, kíp phẫu thuật còn thực hiện phẫu thuật “2 trong 1” khi vừa ghép giác mạc, vừa treo thủy tinh thể cho một trong hai bệnh nhân.

Cả hai bệnh nhân được khám, hội chẩn với PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng khoa kết giác mạc BV Mắt Trung ương, Hội đồng khoa học BV Mắt Hải Phòng và kíp gây mê của BV Hữu nghị Việt Tiệp. Sau hơn hai giờ thực hiện, cả hai ca phẫu thuật ghép giác mạc được các chuyên gia đánh giá bước đầu thành công, các bệnh nhân được chuyển về phòng hậu phẫu theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Tính đến thời điểm hiện tại, thị lực của các bệnh nhân đang hồi phục, tiến triển tốt.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Quân - Giám đốc BV Mắt Hải Phòng khẳng định thành công của ca ghép giác mạc đầu tiên này là dấu ấn lịch sử mang tính đột phá trong việc phát triển chuyên môn, là tiền đề cho việc triển khai kỹ thuật ghép giác mạc tại BV thời gian tới. Với sự kiện trên, BV Mắt Hải Phòng đã có tên trên “bản đồ” ghép giác mạc Việt Nam.

Ca ghép thận đầu tiên thành công của Hải Phòng.

Ca ghép thận đầu tiên thành công của Hải Phòng.

Chủ trương sử dụng chính sách ưu đãi đặc biệt

Đánh giá chung về những thành công bước đầu trong việc phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của ngành Y tế trong thời gian qua, lãnh đạo TP Hải Phòng khẳng định đây là những bước tiến quan trọng trong mục tiêu xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Việc làm chủ công nghệ hiện đại cũng như làm hài lòng người bệnh là mục tiêu mà ngành Y tế TP Cảng hướng tới trong xu thế hội nhập quốc tế.

Theo Đề án Nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập TP Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2028 được Sở Y tế xây dựng, đến năm 2025, Hải Phòng phấn đấu đạt 14 - 15 bác sĩ trên một vạn dân; 3 - 3,5 dược sĩ đại học trên một vạn dân; tốc độ tăng dân số hàng năm dưới 1%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ hoạt động duy trì 90 - 100%. 100% bệnh viện tuyến TP, tuyến quận, huyện thực hiện được trên 60% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến (hiện tại là 55%).

Sau quá trình ghi nhận và kiểm tra thực tế tại các cơ sở y tế công lập, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu yêu cầu Sở Y tế điều chỉnh giai đoạn thực hiện Đề án đến năm 2030, đồng thời tập trung sâu vào việc khắc phục các thực trạng hiện nay. Bí thư Thành ủy đề nghị đến năm 2025, Đề án cần tập trung rà soát hiện trạng các cơ sở y tế, nhất là các BV của TP đang bị quá tải để bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, mở rộng ngay.

Để tạo điều kiện cho các kỹ thuật chuyên sâu phát triển, nhiệm vụ đầu tiên của các cơ sở y tế là phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại. Do đó, Hải Phòng ưu tiên nguồn lực để xây dựng mới, nâng cấp mở rộng một số hạng mục tại các đơn vị như: BV Đa khoa huyện Thủy Nguyên, BV Đa khoa huyện Vĩnh Bảo, Trung tâm Y tế huyện Tiên Lãng, BV Đa khoa quận Ngô Quyền, Trung tâm Y tế quận Hồng Bàng, Trung tâm Y tế huyện An Dương...

Không chỉ vậy, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đặt ra, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu yêu cầu Sở Y tế tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc biệt của TP về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có; các chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài TP, trong đó cần ưu tiên đào tạo đối với một số lĩnh vực y tế thiếu tính hấp dẫn như: chăm sóc sức khỏe sinh sản, giải phẫu, lao, phong, tâm thần, pháp y ... Các giải pháp trên sẽ giảm bớt tình trạng mất cân đối trong nhân lực các lĩnh vực của ngành Y tế.

Trên cơ sở nền tảng căn cơ về cơ chế, chính sách đồng bộ, ưu việt, lãnh đạo TP Hải Phòng tin tưởng rằng sẽ giải quyết cơ bản những bức xúc, những điểm quá tải ở giai đoạn trước năm 2025. Từ 2025 đến 2030, Hải Phòng ưu tiên nguồn lực, đầu tư đồng bộ, đưa hệ thống y tế tiến thẳng đến hiện đại. “Hải Phòng sẵn sàng ủng hộ các chính sách ưu đãi đặc biệt, bằng hoặc hơn so với các địa phương trên cả nước. Các địa phương trên cả nước có chính sách nào tốt thì TP sẵn sàng tham khảo và thực hiện nếu cần thiết để nâng cao chất lượng hệ thống y tế của TP”, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Đọc thêm