Nhiều uẩn khúc vụ bé gái 12 tuổi chết "ngồi" giữa lòng kênh

Người nhà đến trường đón muộn 20 phút nhưng không thấy bé Ngọc Trinh, sau đó, cả đại gia đình phải thức trắng đêm truy tìm tung tích bé mà vẫn “bặt vô âm tín”. Bất ngờ, sáng hôm sau, đứa bé được phát hiện đã chết dưới lòng kênh với tư thế “ngồi” kỳ quặc. Trong cặp sách của nạn nhân có một bức thư tuyệt mệnh... Gia đình cho rằng, còn những uẩn khúc quanh cái chết của cô bé.

Người nhà đến trường đón muộn 20 phút nhưng không thấy bé Ngọc Trinh, sau đó, cả đại gia đình phải thức trắng đêm truy tìm tung tích bé mà vẫn “bặt vô âm tín”. Bất ngờ, sáng hôm sau, đứa bé được phát hiện đã chết dưới lòng kênh với tư thế “ngồi” kỳ quặc. Trong cặp sách của nạn nhân có một bức thư tuyệt mệnh... Gia đình cho rằng, còn những uẩn khúc quanh cái chết của cô bé.

Đoạn kênh nơi phát hiện thi thể Ngọc Trinh.

20 phút định mệnh

“Cha mẹ ơi, có lẽ con không có trong nhà thì cả nhà sẽ êm ấm hạnh phúc. Nếu không có con thì cả nhà sẽ êm ấm hạnh phúc rất là nhiều! Con không muốn làm người phá rối trong gia đình. Cho con nói lời vĩnh biệt út thật. Con không nhìn thấy út thật lớn lên rồi. Đừng tìm con nữa. Tạm biệt cả nhà. Khi mọi người tìm thấy con đã đi rồi... Vĩnh biệt!”. Đó là những câu chữ “ngô nghê” trong lá thư tuyệt mệnh mà cháu Huỳnh Thị Ngọc Trinh (12 tuổi, ngụ ấp 9, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) để lại trước khi chết.

Bức thư và cái chết quá đột ngột của cô học trò đang học lớp 5A3 Trường tiểu học thị trấn Nàng Mau 1 khiến cho dư luận tại địa phương này nhiều ngày qua không ngớt xôn xao, bàn tán. Một không khí tang thương bao trùm căn nhà nhỏ của bé gái. Mẹ của Trinh là chị Đinh Hồng Yến (SN 1979) mới trở về nhà sau nhiều ngày phải truyền nước cấp cứu trong bệnh viện.

Những người thân trong gia đình cho biết suốt mấy ngày qua, chị Yến chỉ ăn được vài thìa cháo loãng cầm hơi, còn anh Huỳnh Hồng Cang (SN 1979, cha của bé gái) thì suốt ngày ra ra vào vào thơ thẩn như người mất hồn.

Nén tiếng thở dài, ông Huỳnh Văn Đối (65 tuổi, ông nội của Trinh) cho biết, suốt từ ngày Trinh ở nhà trẻ cho đến khi đi học tiểu học, vợ chồng anh Cang đều “đưa đi đến nơi, đón về đến chốn” chứ nhất định không để con đi một mình.

Chiều 8/4/2013, vì lỡ dở công việc ngoài đồng nên anh Cang gọi điện về nhà nhờ em trai đi rước con gái giùm. Giờ tan lớp là 16h10 nhưng đến khoảng 16h30, người này mới ra đến cổng trường nhưng ngóng mãi mà không thấy cháu nên gọi điện về thông báo cho gia đình.

Được tin, cha mẹ Trinh vội gọi điện hỏi cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo lập tức gọi đến nhà mấy học sinh trong lớp hỏi thăm thì có một em bảo đã nhìn thấy Trinh được ai đó đón về rồi. “Người này mặc áo trắng, đeo khẩu trang và đi chiếc xe đỏ gần giống như màu xe của ba Ngọc Trinh”, cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A3 cho biết. Thế nhưng, khi hỏi vòng vo hết một lượt họ hàng lẫn nhà bạn bè của con gái, câu trả lời vẫn là cái “lắc đầu” vì không ai thấy Ngọc Trinh đâu.

Nghi có người bắt cóc Trinh nên 6 anh em trai nhà anh Cang đã huy động hết chú bác tá hỏa mỗi người chạy xe đi một hướng phong tỏa mọi lối đi. “Người đón ở ngã ba Vị Thanh, người đón ở Long Mỹ, Cái Tắc, thậm chí còn chạy cả lên cầu Cần Thơ canh chừng. Thế nhưng thức trắng đêm, mỏi mắt trông theo từng chiếc xe chạy qua vẫn không thấy bóng dáng của nhỏ gái đâu. Mãi đến gần 5h, mấy anh em mới bảo nhau về nhà”, bà Hồ Thị Hạnh (63 tuổi, bà nội của Ngọc Trinh) kể lại.

Đến sáng 9/4, chị Yến đến Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang cùng tấm hình con gái để nhờ nhà đài đăng tin tìm trẻ lạc. Vẫn đang trao đổi thì chị nhận được tin người ta phát hiện xác một bé gái trên kênh Xáng Nàng (thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy).

Vừa nghe điện xong, chị Yến đã ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu. Cơ quan chức năng sau đó xác định nạn nhân đúng là cháu Huỳnh Thị Ngọc Trinh.

Cái chết nhiều ẩn ức

Liền sau đó, khi kiểm tra cặp sách của Trinh để lại trong ngăn bàn ở trường, cơ quan chức năng đã tìm thấy lá thư tuyệt mệnh với mong muốn đi xa để “không làm người phá rối trong gia đình”. Chính điều này làm dấy lên luồng dư luận cho rằng nguyên nhân bé gái tìm đến cái chết xuất phát từ phía cha mẹ.

Lá thư tuyệt mệnh của Trinh

Ông nội của Trinh cũng cho biết lâu nay mẹ Trinh thường hay la rầy con vì “chểnh mảng học hành”. “Nhỏ gái học yếu lắm. Có khi không làm được bài bị cô giáo cho điểm xấu, nó không dám mang tập vở về nhà vì sợ mẹ la. Bình thường tối nào mẹ nó cũng bắt ở nhà học bài, cách đây mấy hôm thấy con học khá hơn mới cho ra ngoài chơi”, người ông cho hay.

Tìm đến trường nơi Trinh theo học cũng được các thầy, cô giáo xác nhận bé gái có học lực vào loại yếu so với các bạn trong lớp, “có khi đánh vần mãi mới hết một câu”. Không biết vì học kém hay vì lý do nào khác mà ở lớp, Trinh rất trầm lắng, ít khi ra ngoài chơi đùa với các bạn. Mặc dù vậy, các thầy, cô giáo và người thân trong gia đình Trinh đều không tin cô bé “tự vẫn”.

“Nuôi con thấy con học kém, cha mẹ nào lại không la rầy, trách mắng?. Nhưng mẹ nó la cũng vì thương nó chứ có mình nó là con gái sao lại chẳng thương?”, ông nội của Trinh nói.

Bên cạnh đó, tư thế chết của Ngọc Trinh cũng vào loại “kỳ quặc” xưa nay chưa từng xảy ra với người đuối nước. Xác của bé gái co gập hai đầu gối gần như đang “ngồi” và chỉ nổi một chỏm tóc lên trên mặt nước. Điều kỳ lạ hơn, từ lúc vớt xác đặt lên bờ cho đến khi mang về nhà tẩm liệm, các cơ chây tay của bé gái vẫn mềm, có thể co duỗi, chưa bị co cứng.

“Nếu là nó nhảy xuống nước tự vẫn thì tại sao trong bụng vẫn xẹp khô chứ không uống miếng nước nào. Kinh nghiệm dân gian đối với người bị chết đuối bao giờ lỗ hậu môn cũng hở, đằng này lại vẫn còn khít”, ông nội của Trinh hồ nghi.

Một lý do thứ hai khiến những người thân trong gia đình đặt dấu hỏi chấm là “người đàn ông đến đón Ngọc Trinh ở trường là ai?”. Bé gái học chung lớp với Trinh cũng “xác nhận đi xác nhận lại” thông tin đã có người đến đón Trinh. Trong lá thư tuyệt mệnh, Trinh cũng chỉ nói đến là muốn đi xa chứ không hề nói sẽ tìm đến cái chết.

Hơn nữa xưa nay cha mẹ lẫn ông bà đều “không cho tiền” nhưng không hiểu sao trong cặp sách của Trinh có một hộp kem nghệ trị mụn không phải do gia đình mua cho. “Lúc tan học, con Trinh còn đưa cho một người chị mang về gửi cho đứa em trai 7.500 đồng. Người này mới nói là cả hai đi về cùng đường sao Trinh gửi tiền làm gì thì nhỏ gái lắc đầu không nói”, bà Hạnh kể lại.

Cái chết của bé gái lại càng thêm phần bí ẩn khi trong đêm Trinh mất tích đã xuất hiện hai thanh niên đi xe máy màu đen lượn đi lượn lại nhà nạn nhân những ba lần. Bà Hạnh kể: “Đêm đó nhà tôi để điện sáng ngoài hiên cả đêm, mấy mẹ con ngồi ngoài hè lại tưởng người đó làm rơi đồ gì nên đi tìm. Tới lần thứ ba thì thấy người ngồi sau ôm một bọc gì đó, khả nghi tôi mới vội vàng kêu người con lấy xe máy đuổi theo nhưng không kịp”.

Chưa hết, trong đám tang Trinh còn xuất hiện thêm một người đàn ông lạ mặt lảm nhảm rằng: “Thằng đi xe đỏ không có tội, thằng xe đen mới có tội”. Cho rằng người này khùng điên nên gia đình không để ý nhưng sáng hôm sau vẫn là người đó đã quay lại mang theo tiền với mấy con cá biển đòi cúng hương hồn cháu bé.

“Tôi bảo gia đình không nhận tiền, ông đi chỗ khác đi thì từ hôm đó không thấy ông ta quay lại, mọi người cũng không ai biết ông ta là ai và từ đâu đến. Bây giờ mong muốn lớn nhất của gia đình chúng tôi là cơ quan chức năng sớm tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc để vong linh cháu nơi chín suối được thanh thản mỉm cười”, bà Hạnh buồn bã tâm sự. 

Theo bà Nguyễn Thị Bằng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Nàng Mau 1 thì “việc học sinh ở độ tuổi tiểu học tìm đến cái chết rất ít xảy ra”.

Tâm lý thông thường của đứa trẻ ở giai đoạn này là dễ giận hờn nhưng cũng rất mau quên. Các cháu cũng chưa có ý thức về cái chết là như thế nào.

Ở lứa tuổi cấp 2, khi giận dỗi thì trẻ thường có tâm lý bỏ nhà đi. Đến độ tuổi cấp 3 hay lớp hơn, mới có suy nghĩ tìm đến cái chết. Vì vậy việc bé Trinh “tự vẫn” là một việc không bình thường.

Bản thân bà Bằng cũng cho rằng về góc độ tâm lý mà nói có thể Trinh đã bị ai đó xúi giục viết thư với những lời lẽ “tuyệt vọng” như vậy để cha mẹ không đánh mắng nữa chứ rất khó xảy ra trường hợp cháu chủ động tìm đến cái chết.

Quang Toản - Ngọc Trinh

Đọc thêm