Nhiều vấn đề “nóng” được đề cập

Trong phiên thảo luận chiều ngày 13-7, các đại biểu HĐND thành phố nêu nhiều vấn đề bức xúc của thành phố. Tập trung là các vấn đề bệnh viện quá tải, thiếu bác sỹ tuyến dưới; tình trạng lạm thu trong trường học, chạy trường; vấn đề quy hoạch bãi đỗ ô-tô công cộng và quản lý trật tự vỉa hè; dự án treo, ô nhiễm môi trường…

Trong phiên thảo luận chiều ngày 13-7, các đại biểu HĐND thành phố nêu nhiều vấn đề bức xúc của thành phố. Tập trung là các vấn đề bệnh viện quá tải, thiếu bác sỹ tuyến dưới; tình trạng lạm thu trong trường học, chạy trường; vấn đề quy hoạch bãi đỗ ô-tô công cộng và quản lý trật tự vỉa hè; dự án treo, ô nhiễm môi trường…

Chưa có bãi đỗ ô-tô, dự án chiếm đất, ô nhiễm môi trường

Trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, nhiều ý kiến của đại biểu bức xúc về tình trạng không có bãi đỗ ô-tô trong thành phố. Theo đại biểu Ngô Văn Dũng: Thành phố ngày càng nhiều ô-tô chứng tỏ đời sống và thu nhập của nhân dân khá lên nhiều. Thế nhưng lại nảy sinh vấn nạn thiếu chỗ đậu đỗ ô-tô. Vì thế đường 4 làn xe chỉ còn 2 làn. Nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Hải Châu, xe đỗ gây ách tắc và che khuất tầm nhìn gây nguy cơ tai nạn giao thông.

Đại biểu Phạm Kiều Đa phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: M.HẠNH
Đại biểu Phạm Kiều Đa phát biểu tại buổi thảo luận.  Ảnh: M.HẠNH

Tại cây xăng cũ ở ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm được quy hoạch xây một bãi đỗ xe nhưng sau ba năm, chủ đầu tư không xây dựng mà sử dụng vào mục đích khác. Nhiều đại biểu đề nghị UBND thành phố nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm hoặc lộ thiên để tránh tình trạng ùn tắt, cản trở giao thông như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng, cần phải quy hoạch đoạn đường, tuyến đường được phép đậu ô-tô, đối với nhà cao từ 5 tầng trở lên phải có hầm ngầm làm chỗ để xe, tránh ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Ý kiến của nhiều đại biểu khác nêu tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường buôn bán chưa được giải quyết triệt để góp phần gây cản trở giao thông. Đại biểu Trương Phước Ánh bức xúc: “Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, vì vậy, đề nghị UBND thành phố sớm có biện pháp chấn chỉnh”. Liên quan đến công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư, đại biểu Thái Thanh Hùng cho rằng, việc bố trí đất tái định cư còn chậm, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Đối với việc giải tỏa đất nông nghiệp, thành phố đã làm tốt việc bố trí nhà ở cho người dân nhưng công tác giải quyết việc làm, lo cho đời sống an sinh lâu dài của các hộ giải tỏa vẫn còn gặp khó khăn. Theo ý kiến đại biểu Thái Thanh Hùng, HĐND thành phố cần ra Nghị quyết tạo điều kiện thuận lợi để UBND thành phố giải quyết vấn đề giải tỏa, đền bù, tái định cư hiệu quả hơn.

Một số ý kiến đề nghị UBND thành phố  kiên quyết thu hồi đất của những dự án đầu tư kiểu  chiếm đất, khởi công rồi để đó. Vấn đề ôn nhiễm môi trường lại được các đại biểu HĐND thành phố nhắc lại. Đại biểu Thái Thanh Hùng nhấn mạnh: “Kỳ họp nào HĐND cũng đề cập đến vấn nạn ô nhiễm môi trường nhưng thành phố vẫn chưa giải quyết dứt điểm, điển hình như tình trạng xả nước thải ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Các đại biểu đề nghị UBND thành phố kiểm tra, xử lý và giải quyết triệt để vấn đề này.

Biệt phái bác sỹ về tuyến dưới chỉ là giải pháp tình thế

Tại buổi thảo luận, một số đại biểu đề nghị UBND thành phố quan tâm đầu tư cho tuyến y tế quận, huyện. Đại biểu Ngô Văn Dũng, Tổ đại biểu HĐND quận Hải Châu nhấn mạnh: “Đối với việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thành phố đã xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư nhân lực y tế. Tuy nhiên, người dân nhận thấy đầu tư này chưa hợp lý vì thành phố chủ yếu quan tâm nhiều đến bệnh viện tuyến thành phố, trong khi bệnh viện tuyến quận, huyện là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người dân thì ít được quan tâm”.

 
Đại biểu Ngô Văn Dũng phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: S.TRUNG
Đại biểu Ngô Văn Dũng phát biểu tại buổi thảo luận.  Ảnh: S.TRUNG

Đồng ý với nhận định này, đại biểu Đoàn Võ Kim Ánh cho rằng, việc phân bổ ngân sách Trung ương về các Trung tâm y tế quận, huyện chưa công bằng. Đơn cử như Trung tâm y tế quận Hải Châu tự xin viện trợ để đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bệnh viện này cũng đang quá tải với 900-1000 lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh hàng ngày. Với lượng bệnh nhân này thì thời gian khám cho mỗi bệnh nhân không đến 10 phút, chất lượng khám sẽ kém hơn.

Nguyên nhân đây là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của nhiều bệnh nhân mua BHYT tự nguyện. Đại biểu Phạm Kiều Đa đề nghị cơ quan BHXH phân bổ đầu thẻ BHYT đến các bệnh viện tư nhân để giải tỏa bớt áp lực cho tuyến quận, huyện. Đại biểu Lê Tự Cường nêu thực trạng thiếu bác sỹ ở tuyến y tế xã, phường trầm trọng và kéo dài. Giải pháp biệt phái bác sỹ về tuyến cơ sở của ngành y tế chỉ là giải pháp tình thế, khó giải quyết tốt tình trạng thiếu bác sỹ tuyến cơ sở.

Lạm thu trong trường học, khó quản lý games online

Nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng lạm thu trong trường học chủ chủ yếu là dưới hình thức Quỹ Hội cha mẹ học sinh (CMHS). Có ý kiến nêu ra rằng Chủ tịch Hội CMHS được bầu theo gợi ý, thường là những người có địa vị xã hội, có điều kiện kinh tế. Chính những người này đã “khởi xướng” những khoản đóng góp cho trường thông qua Quỹ Hội CMHS. Theo đại biểu Vũ Hùng, qua các đợt giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội cho thấy: Hiệu trưởng trường cũng đứng sau việc lạm thu nhưng né tránh, đổ hết cho Hội CMHS, mặc dù trong biên bản họp thể hiện sự có mặt của Hiệu trưởng.

 

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh cũng đồng tình: Quỹ Hội CMHS là hình thức tự nguyện bắt buộc mà không phụ huynh nào dám há miệng phản ứng. Ông đề nghị UBND thành phố rà soát các khoản chi thật chính đáng của Quỹ Hội CMHS và xây dựng đề án mức trần và mức sàn cho Quỹ Hội CMHS. HĐND thành phố sẽ đưa vào nghị quyết về mức thu này để cho phép thu với hình thức tự nguyện, chia làm hai đợt trong năm học. Các khoản chi của quỹ này phải công khai toàn dân biết và giao cho Hội CMHS quản lý.

Đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, đại biểu Trương Phước Ánh đề cập tình trạng trò chơi điện tử trực tuyến tràn lan (games online), thiếu sự quản lý chặt chẽ, gây ra nhiều tác hại tiêu cực đến giới trẻ như bỏ học, trốn học, bạo lực học đường, mất an ninh trật tự… Để quản lý dịch vụ games online, đề nghị UBND thành phố cần có biện pháp quản lý các điểm kinh doanh dịch vụ này, cấm quảng cáo games online trên các phương tiện thông tin đại chúng không cho thuê không gian để tổ chức hoạt động game online, mở cuộc vận động về hạn chế chơi games online với sự tham gia của ngành giáo dục, đoàn thanh niên, hội phụ huynh…

 

Một số ý kiến cho rằng, tác hại của games online đối với sự phát triển của thế hệ trẻ là rõ ràng, UBND thành phố cần sớm chẩn chỉnh hoạt động này. Cũng đề cập hoạt động giáo dục, đại biểu Ngô Văn Dũng đề nghị thành phố quan tâm vấn đề xã hội hóa giáo dục, củng cố và nâng cao chất lượng dạy và học ở tất cả các trường, các khu vực, tránh tình trạng chạy trường.

Sơn Trung-Mỹ Hạnh

Đọc thêm