Xin rút kinh nghiệm sâu sắc!
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hội đồng chức danh Giáo sư (GS) Nhà nước rà soát lại danh sách ứng viên, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước đã giao Thanh tra Bộ chủ trì xác minh làm rõ.
Ngày 6/3 vừa qua, trong danh sách mới chỉ còn 74 người được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, 1.057 người đạt chuẩn PGS.
Như vậy, 95 người không còn tên trong danh sách mới. Trong số đó, có nhiều cán bộ quản lý mà dư luận cho rằng không cần thiết phải có học hàm như ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên GS Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ứng viên PGS Trương Xuân Cừ - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, ứng viên PGS Hà Anh Đức - thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên PGS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ứng viên PGS Lê Quang Minh - Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, ứng viên PGS Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và công nghệ)...
Có hay không việc “chạy nước rút”?
Bộ GD&ĐT cũng cho biết đang khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới.
Mổ xẻ việc số lượng GS, PGS đột biến trong năm nay, dư luận cho rằng đó là kết quả của quá trình các ứng viên "chạy nước rút" trước khi dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mà Bộ GD&ĐT lấy ý kiến gần 1 năm nay chính thức được ban hành.
Theo dự thảo này, tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ nâng lên rất cao và sẽ rất ít người có thể đạt được các tiêu chuẩn đó.
Cụ thể, các GS, PGS phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn (đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở giáo dục ĐH sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc trong đào tạo.
Có chứng chỉ TOEFL IBT điểm tối thiểu 56 hoặc IELTS điểm tối thiểu 5.5. Từ năm 2018-2020, tăng thêm 5 điểm mỗi năm trên thang điểm TOEFL IBT và tăng thêm 0.5 điểm mỗi năm trên thang điểm IELTS). Ngoài ra, các ứng viên chức danh GS, PGS phải có công bố quốc tế.
Nghĩa “giáo sư” từng chỉ “người dạy học”
Trước tiên, xin được nói về cách hiểu danh từ “giáo sư” trong tiếng Việt (dẫn theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công):
1.Đại Nam Quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của-xuất bản 1895): “Giáo sư: Thầy dạy học, dạy đạo lý.”
2.Việt Nam tự điển (Hội khai trí tiến đức-xuất bản 1931): “Giáo sư: thầy dạy học.”
3.Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh-xuất bản 1932): “Giáo sư: Thầy dạy học (professeur, meitre)
Như vậy, các sách từ điển (1), (2), (3) xuất bản trước 1945 đều thống nhất: “Giáo sư” có nghĩa chung là thầy dạy học. Tuy nhiên, cũng là “thầy dạy học” nhưng trong thực tế có sự phân biệt: thầy dạy từ Trung học (đệ nhất niên đến đệ tứ niên) Tú tài (bán phần 2 năm và toàn phần 3 năm) trở lên mới được gọi là “giáo sư”.
Riêng thầy dạy cấp Tiểu học chỉ gọi là “hương sư” (thầy giáo dạy trường làng). Sau khi Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (1956), danh từ “giáo sư” không còn và không thể được hiểu, được dùng theo nghĩa duy nhất trước đây là “thầy dạy học” nữa.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên-xuất bản 1988) đã đưa ra nghĩa mới của “giáo sư” để phân biệt với cách hiểu cũ như sau:
-“Giáo sư: 1.Học hàm cao nhất phong cho cán bộ có trình độ cao trong giảng dạy, nghiên cứu và phát triển khoa học: giáo sư sử học; được phong hàm giáo sư. 2.Người được nhận hàm giáo sư: vị giáo sư; mời giáo sư lên phát biểu. 3 [cũ] người dạy ở trường trung học hay trường đại học thời trước.”
-Từ điển từ và ngữ Hán Việt (GS Nguyễn Lân-xb 1988): “Giáo sư (giáo:dạy bảo; sư: thầy giáo) 1. Cán bộ giảng dạy cao cấp ở trường đại học: Một giáo sư nổi tiếng về những công trình nghiên cứu của mình. 2. Người dạy bảo: Thi đua ái quốc là trường đào tạo cán bộ rất rộng lớn mà giáo sư chính là quần chúng (Trường Chinh)
-Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân-xb 2003, tái bản 2006): “Giáo sư: danh từ (Hán: sư: thầy) Cán bộ giảng dạy cao cấp ở trường đại học: Một giáo sư nổi tiếng về những công trình nghiên cứu của mình”.
Cần người xứng đáng chứ không phải danh xưng cho “oai”
Như vậy, từ 1 từ chỉ người “dạy học”, “dạy đạo lý” đơn thuần, cùng với những chuyển biến của xã hội, giáo sư đã trở thành một “danh vị” đứng đầu về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Đương nhiên đi liền với nó không chỉ có lợi mà còn có danh.
Đợt phong giáo sư đầu tiên ở nước ta là vào ngày 11/9/1956, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 162/CP về việc phong hàm GS, PGS cho 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu. Sau đợt phong hàm GS đầu tiên, Chính phủ đã tổ chức xét và công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư nhiều đợt vào các năm 1980, 1984, 1988, 1991 và 1996. Trong các đợt này, gần 4.000 nhà giáo và nhà khoa học đã được phong hàm GS, PGS.
Về mặt cơ sở pháp lý, ngày 11/9/1976, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 162-CP của về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực công tác giảng dạy đại học và công tác nghiên cứu khoa học; Tiếp đó là Quyết định số 271-CP ngày 1/10/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc công nhận chức vụ Giáo sư và Phó Giáo sư trong lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học; Nghị định số 153-HĐBT, ngày 22/9/1989 của Hội đồng Bộ trưởng, về việc thành lập Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước; Nghị định số 21/CP, ngày 4/3/1995, của Chính phủ, về việc thành lập Hội đồng Học hàm Nhà nước; Nghị định số 20/2001/NĐ-CP, Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, ngày 31/12/2008.
Việc công nhận và tiêu chuẩn chức danh GS, PGS như thế nào còn cần bàn thêm. Tuy nhiên đều người dân mong mỏng, kỳ vọng là, những GS, PGS Việt Nam phải là những người có thực tài, đóng góp thiết thực cho dân, cho nước, chứ không chỉ là 1 danh xưng cho ai đó “oai”.