Nhìn lại một năm dự án nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm nông nghiệp

Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (dự án) được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai từ đầu năm 2009 với các mục tiêu là: Tăng cường bền vững, tăng thu nhập và việc làm trong lĩnh vực sản xuất rau, quả, chè...
Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (dự án) được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai từ đầu năm 2009 với các mục tiêu là: Tăng cường bền vững, tăng thu nhập và việc làm trong lĩnh vực sản xuất rau, quả, chè; Nâng cao sức khỏe và năng suất lao động do giảm thiểu ngộ độc thực phẩm; Phát triển ngành khí sinh học; Ứng dụng công nghệ sản xuất mới bằng việc thay thế giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiêu; hỗ trợ chứng nhận Việt GAP…

Nhiệm vụ chính của dự án là quy hoạch và thiết kế mô hình vùng nông nghiệp an toàn (SAZ); tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chế biến, kinh doanh cho nông dân và các đơn vị sản xuất- chế biến- kinh doanh nông sản;  thay thế giống cây trồng và phát triển chương trình khí sinh học (xây dựng hầm Biogas) trong nông nghiệp- nông thôn. Đây là dự án được thực hiện bằng nguồn vốn  tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của tỉnh với tổng vốn đầu tư trên 3,9 triệu USD (vốn ADB: 3,415 triệu và vốn ngân sách tỉnh 492 ngàn USD).
     
Ông Lại Thế Hưng - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật, kiêm Giám đốc dự án cho biết, năm 2010 này, dự án được phân kế hoạch vốn gần 94,4 ngàn USD (tương đương trên 1,811 tỷ đồng). Từ nguồn vốn này, UBND tỉnh giao dự án quy hoạch vùng sản xuất rau và chè an toàn với diện tích 40.374 ha tại Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương (với cây rau - diện tích 13.174 ha) và Đà Lạt, Di Linh, Bảo Lộc (với cây chè - diện tích 27. 200 ha); quy hoạch này hiện được triển khai đồng bộ và đang ở giai đoạn phê duyệt hồ sơ mời thầu tư vấn trong nước cùng với hợp phần thiết kế mô hình SAZ.  Tập huấn chuyển giao kỹ thuật và kiến thức sản xuất - chế biến - kinh doanh nông sản cho nông dân và các đơn vị chế biến - kinh doanh nông sản và triển khai Chương trình khí sinh học là những mặt mạnh  trong năm nay. Cũng theo ông Lại Thế Hưng, thời gian qua, dự án đã tổ chức thành công 36 lớp tập huấn với các nội dung này theo tiêu chuẩn Việt GAP cho 1.419 lượt người tham gia, trong đó có 2 lớp đào tạo 72 giảng viên về sản xuất chè và rau chất lượng cao cho các địa bàn; hiện đã có 462 công trình xây dựng hầm Biogas được chuẩn bị triển khai thi công tại các hộ nông dân sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư cùng với đầu tư các mô hình thay đổi cơ cấu giống chè cũ bằng chè cành BT 14 ( việc đầu tư chuyển đổi giống chè cành BT 14 phải chuyển sang kế hoạch năm 2011 do giống chè này đến nay vẫn chưa được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất- kinh doanh (?).  Chính vì nguyên nhân này, năm nay, dự án chỉ giải ngân được 91% kế hoạch , trong đó tiểu hợp phần thay thế cơ cấu giống chè đạt 0% kế hoạch.
     
Theo kế hoạch, năm 2011 tới, Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học - Sở NN-PTNT sẽ được ADB và ngân sách tỉnh đầu tư thêm trên 390,5 ngàn USD (7,55 tỷ đồng) để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ này. Tuy nhiên, việc đầu tiên mà Ban quản lý dự án cần được Ban Quản lý dự án Trung ương (CPMU) giúp đỡ tháo gỡ là sớm hướng dẫn việc xây dựng đề cương, dự toán quy hoạch SAZ rau và chè để địa phương triển khai đúng tiến độ. Việc cho vay ưu đãi đối với những hộ nông dân có nhu cầu vốn để xây dựng hầm Biogas (thuộc hợp phần phát triển khí sinh học) từ các quỹ tín dụng nhân dân mãi tới đầu tháng 12-2010 mới có hướng dẫn của CPMU và Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương) cần được triển khai nhanh và hiệu quả hơn; định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hầm Biogas cũng cần được thống nhất giữa các dự án đồng thời cũng đang đầu tư hỗ trợ nông dân xây dựng hầm Biogas trên địa bàn như như ACP, LIPSAFT…
Đức Hưng

Đọc thêm