Năm 2010 được xem là một năm ghi dấu những biến động mạnh mẽ và nhiều kỷ lục chưa từng có trong lịch sử với hầu hết kênh đầu tư trong nước, từ vàng, USD đến chứng khoán và tiền gửi ngân hàng.
Một năm, vàng tăng tới 12 triệu đồng/lượng
Có thể nói, 2010 là năm giá vàng biến động mạnh chưa từng có. Đỉnh cao nhất của giá kim loại quý từ trước tới nay cả trong nước và thế giới được thiết lập trong năm này và sự “điên loạn” của vàng “nổi dậy” mạnh nhất vào tháng 11.
Cụ thể, giá vàng trong nước lập kỷ lục 38,2 triệu đồng một lượng vào ngày 9/11 so với mức mở đầu năm 2010 chỉ là 26,6 triệu đồng. Như vậy, trong năm này, giá kim loại quý đã tăng tới gần 12 triệu đồng mỗi lượng, một mức tăng chưa từng có trong lịch sử.
Còn nhớ thời điểm tháng 11/2009, giá vàng cũng từng có đợt “nổi loạn” tương tự, song mức đỉnh đạt được chỉ chạm 29,3 triệu đồng. Khi đó, không ít chuyên gia và giới kinh doanh vàng cho rằng, giá vàng qua năm 2010 sẽ khó có đợt biến động mạnh như thế. Nhưng tròn một năm sau, kim loại quý lại có đợt tăng giá phi mã và “khủng khiếp” hơn.
Một năm, vàng tăng tới 12 triệu đồng/lượng
Có thể nói, 2010 là năm giá vàng biến động mạnh chưa từng có. Đỉnh cao nhất của giá kim loại quý từ trước tới nay cả trong nước và thế giới được thiết lập trong năm này và sự “điên loạn” của vàng “nổi dậy” mạnh nhất vào tháng 11.
Cụ thể, giá vàng trong nước lập kỷ lục 38,2 triệu đồng một lượng vào ngày 9/11 so với mức mở đầu năm 2010 chỉ là 26,6 triệu đồng. Như vậy, trong năm này, giá kim loại quý đã tăng tới gần 12 triệu đồng mỗi lượng, một mức tăng chưa từng có trong lịch sử.
Còn nhớ thời điểm tháng 11/2009, giá vàng cũng từng có đợt “nổi loạn” tương tự, song mức đỉnh đạt được chỉ chạm 29,3 triệu đồng. Khi đó, không ít chuyên gia và giới kinh doanh vàng cho rằng, giá vàng qua năm 2010 sẽ khó có đợt biến động mạnh như thế. Nhưng tròn một năm sau, kim loại quý lại có đợt tăng giá phi mã và “khủng khiếp” hơn.
Lý giải về sự "tăng tốc" khó lường của giá vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, một phần là do giá vàng thế giới cũng tăng lên mốc cao nhất trong lịch sử 1.410 USD một ounce và tâm lý kỳ vọng giá còn lên cao nữa, nhưng chủ yếu vẫn là do sự thao túng của giới đầu cơ.
Để kìm chế cơn "điên loạn" của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thêm hạn ngạch nhập khẩu vàng cho một số doanh nghiệp; đồng thời, đánh thuế cao hơn đối với vàng xuất khẩu nhằm hạn chế kim loại quý chảy ra thị trường nước ngoài. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là biện pháp tình thế nên lượng vàng nhập khẩu sẽ chỉ được thực hiện trong một giới hạn cho phép, phù hợp với việc điều tiết thị trường. Như vậy, trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, nhiều hơn so với các năm trước.
USD “nhảy múa” liên hồi
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng phải hai lần điều chỉnh tỷ giá trên thị trường ngoại tệ.
Lần thứ nhất vào ngày 11/2, cơ quan này quyết định tăng tỷ giá thêm 3%, lên mức 18.544 đồng một USD. Sau đó, đến ngày 17/8, Ngân hàng Nhà nước lại thực hiện điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%), biên độ tỷ giá vẫn giữ nguyên ở mức +/-3%. Và giá USD trên thị trường tự do bắt đầu đà tăng không phanh từ thời điểm này, do việc điều chỉnh trên tác động mạnh tới tâm lý người dân, doanh nghiệp cũng như nhà đầu cơ.
Vào cuối tháng 9, giá USD tự do chính thức vượt mốc 20.000 đồng một USD, giá mua bán niêm yết tại hầu hết ngân hàng cũng ở mức kịch trần cho phép. Trong nhiều ngày, đa số ngân hàng để giá USD mua và bán ngang nhau, cho thấy nguồn cung ngoại tệ đang khá căng thẳng.
Đà tăng của USD chưa dừng lại ở đó, đến cuối ngày 4/11, mốc 21.000 đồng một USD chính thức được xác lập trên thị trường tự do. Tuy nhiên, thời điểm ghi nhận đỉnh cao nhất của đồng ngoại tệ xanh này trên “chợ đen” phải kể đến lúc 9h30 ngày 1/12, khi USD vọt lên 21.600 đồng.
Vào các tháng cuối năm 2010, người người, nhà nhà rút tiền mua vàng, USD tích trữ vì lo ngại VND mất giá, khiến một lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư không được lưu thông qua hệ thống ngân hàng hay đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thời điểm, các nhà đầu tư còn xôn xao tin đồn USD có thể lên 23.000 đồng, do một số nhận định từ một vài tổ chức nước ngoài.
Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng trở lại, giá kim loại quý giảm dần, kéo theo giá USD trên thị trường tự do cũng hạ nhiệt và hiện dao động quanh mức dưới 21.000 đồng.
Lãi suất ngân hàng đua nhau “phá rào”
Mặc dù Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi các ngân hàng thực hiện đồng thuận về lãi suất trong năm 2010 nhằm giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở kéo lãi suất cho vay thấp xuống, song nhiều ngân hàng vẫn “bỏ ngoài tai”.
Trong các tháng từ đầu năm tới hết quý 3, khi lãi suất cơ bản ở mức 8%, Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi mức đồng thuận lãi suất là “vào 10, ra 12” (lãi suất tiết kiệm 10%, cho vay 12%), song đa số ngân hàng vẫn huy động tiền gửi VND ở mức trên dưới 11%.
Sau đó, khi lãi suất cơ bản tăng lên 9% vào ngày 5/11, Hiệp hội Ngân hàng đưa ra mức trần lãi suất tiền gửi đồng thuận là 12%, nhưng thực tế, mức lãi suất mà các ngân hàng mời gọi khách bỏ xa mốc này, có ngân hàng huy động vốn lên tới 18% một năm.
|
Techcombank là tâm điểm của đợt "sóng" biến động lãi suất vừa qua |
Một điều đáng chú ý là thay vì ngầm huy động vốn với lãi suất cao, không ít ngân hàng đã ngang nhiên và công khai đưa ra biểu lãi suất “phá rào” để hút khách. Mở màn cho “xu hướng” này là chương trình khuyến mãi “3 ngày vàng” của Techcombank, áp dụng từ ngày 7/12, với mức lãi suất tiền gửi lên tới 17%. Để cạnh tranh khách, các nhà băng khác không chịu “ngồi yên”, với lý do “ông lớn” trong ngành ngân hàng là Techcombank mà cũng ngang nhiên “phá rào” thì nói gì những ngân hàng nhỏ.
Ngay sau khi Techcombank giới thiệu chương trình khuyến mãi khủng, đầu giờ chiều 7/12, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) liền công bố biểu lãi suất huy động mới, với mức cao nhất lên tới 18%. Bên cạnh đó, không ít ngân hàng cũng thay biểu lãi suất, và sẵn sàng “gọi vốn” với mức lãi trên dưới 17%.
Ngay sau khi có những hiệu ứng không mong muốn này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lập tức có công văn yêu cầu các ngân hàng đã thực hiện tăng lãi suất thái quá phải điều chỉnh lại theo đúng tinh thần thỏa thuận giữa các ngân hàng. Đến ngày 11/12, các ngân hàng đã đồng loạt cam kết, áp dụng lãi suất huy động tối đa là 14% một năm, tổng lãi suất qua quy đổi các chương trình khuyến mại, cộng thưởng đi kèm tối đa chỉ 15% một năm.
Thực tế, hầu hết ngân hàng không dám huy động vốn với lãi suất cao như trước, song mức lãi thực người gửi tiền nhận được tại một số nhà băng vẫn lớn hơn 15%.
Một sự kiện đáng chú ý trong năm này liên quan tới điều hành lãi suất là, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước “dọa” kỷ luật và cách chức lãnh đạo đơn vị nào để lãi suất phá rào, điển hình là việc giám đốc một chi nhánh của Techcombank tại TP HCM bị NHNN chi nhánh bản địa gay gắt đề nghị cách chức vì không thực hiện đồng thuận lãi suất.
Chứng khoán ngang nhiên bị “làm giá”
Dù thị trường chứng khoán năm 2010 nhìn chung là trầm lắng, song hiện tượng làm giá cổ phiếu trong năm này lại liên tục diễn ra một cách ngang nhiên và dàn trải, nhất là thời điểm đầu và giữa năm.
Hoạt động làm giá được thao túng bởi những nhóm nhà đầu tư có nguồn vốn lớn và một số lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp niêm yết, người nắm giữ lượng cổ phiếu lớn và các thông tin quan trọng. Nhóm người này đã khống chế toàn bộ nguồn cung và cách thức, thời điểm đưa tin để có thể tiến hành hoạt động mua gom, đẩy giá, xả hàng chốt lời.
|
Nhiều cổ phiếu tăng/giảm "đáng nghi" |
Một số cổ phiếu được làm giá một cách ngang nhiên trong năm 2010 có thể kể đến DVD, DHT đã được cơ quan an ninh khẳng định, còn lại một số nghi án cổ phiếu thao túng giá như AAA, HTV, MKV… đang được điều tra.
Cổ phiếu AAA (niêm yết trên HNX) đã tăng một mạch trong gần 1 tháng, từ 47.100 đồng ngày 19/8 lên mức cao nhất là 91.600 đồng (bình quân) ngày 16/9. Tuy nhiên, sau đó AAA liên tục giảm sàn. Việc giá của AAA tăng giảm bất thường trong khi chỉ số Vn -Index hầu như đi ngang thời điểm đó đã dấy lên mối nghi ngờ từ các nhà đầu tư là cổ phiếu này đã bị “làm giá”, khi mà công ty giải trình là hoàn toàn không có sự đột biến nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cổ phiếu HTV của Công ty vận tải Hà Tiên cũng có mức tăng đến 300%. Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, giá cổ phiếu HTV chỉ dao động quanh mức 15.000 - 16.000 đồng, nhưng từ giữa tháng 6, HTV tăng giá kéo dài tới giữa tháng 9. Ngày 13/9, HTV đạt mức cao nhất là 46.900 đồng một cổ phiếu và sau đó, bắt đầu giảm trong các phiên giao dịch còn lại của tháng 9. Giao dịch những ngày sau đó rất thấp, có phiên chỉ có 10 cổ phiếu được chuyển nhượng.
MKV được xem là một cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất trên thị trường chứng khoán. Đầu tháng 4, giá cổ phiếu MKV chỉ ở mức 11.900 đồng. Sau đó, khối lượng khớp lệnh dần tăng mạnh và giá cổ phiếu MKV bắt đầu leo dốc. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8, giá cổ phiếu này lên mức 77.000 đồng một cổ phiếu. Như vậy, trong khoảng thời gian này giá cổ phiếu MKV đã tăng 547,05%, trong khi đó, chỉ số HNX - Index giảm 27,79%.
Theo những người trong ngành thì việc “làm giá” các cổ phiếu là không khó đối với các tổ chức muốn thực hiện việc này, vì với số lượng cổ phiếu lưu hành thấp, nên mỗi phiên, giao dịch chỉ khoảng vài trăm ngàn cổ phiếu là đã có thể thay đổi được giá.
Việc nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông, ông Lê Văn Dũng mới đây bị bắt về hành vi thao túng giá chứng khoán đã trở thành một hồi cảnh báo mạnh mẽ với những người đang tham gia vào thị trường, vì đây là lần đầu tiên tội danh này được đưa ra xử lý hình sự. Nhiều người bắt đầu kỳ vọng về một thị trường chứng khoán minh bạch hơn, hoạt động nghiêm túc hơn.
Theo Thu Hạ
Đất Việt