Nhìn lại và cảm nghĩ

Trong những ngày ở chiến trường miền Nam, nếm trải và chứng kiến những tội ác trời không dung, đất không tha của Mỹ và tay sai, nhiều lúc tôi thật sự không hiểu vì sao chúng lại có thể tàn ác đến mức ấy.

Trong những ngày ở chiến trường miền Nam, nếm trải và chứng kiến những tội ác trời không dung, đất không tha của Mỹ và tay sai, nhiều lúc tôi thật sự không hiểu vì sao chúng lại có thể tàn ác đến mức ấy.

Mô tả ảnh.
Tăng cường tình hữu nghị tạo thuận lợi để phát triển về nhiều mặt.
Đành rằng lúc đó chúng tôi cũng biết có một nước Mỹ khác và phải phân biệt đế quốc Mỹ với nhân dân Mỹ, Ních-xơn và Mo-ri-xơn. Tôi nhớ lúc đó đài ta có đưa tin về một bộ phim phản chiến có cái tên rất độc đáo “Mặt thứ 6 của Lầu Năm Góc”, chúng tôi ao ước được xem phim đó.

Dân tộc ta toàn thắng. Chiến tranh kết thúc. Song cục diện chung vẫn là chiến tranh lạnh. Việt Nam khốn khó vì chiến tranh phá hoại nhiều mặt và cũng vì tự trói buộc, bởi nhìn thế giới đang thay đổi như vũ bão với một tư duy cũ. Trong chiến tranh cực kỳ gian khổ, ác liệt, Việt Nam là danh dự, là lương tri của thời đại mà giờ đây lại là nạn nhân của bao vây cấm vận.

Được giao nhiệm vụ tham gia một số hoạt động đối ngoại nhân dân, tôi luôn cảm thấy công tác này nói là quan trọng nhưng đang được nhìn nhận với nhiều nghi ngại, dè dặt. Tôi luôn nhớ và tự nhủ, phải thực hiện câu nói nổi tiếng của Fucik: “Nhân loại hỡi, ta yêu hết thảy mọi người. Hãy cảnh giác”.

May mắn là tôi được sự giúp đỡ, động viên của các đồng chí ở Bộ Ngoại giao, ở Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam và sự tin cậy giao phó của các đồng chí địa phương.

Các anh chị nói “Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt, một số tổ chức phi chính phủ (NGO) sẽ được phép hoạt động ở đây. Quảng Nam-Đà Nẵng làm tốt sẽ rút kinh nghiệm mở rộng ra các nơi khác. Có gì khó khăn, vướng mắc chúng ta sẽ cùng tháo gỡ”. Các đồng chí ở địa phương nhiều người cũng nằm gai nếm mật trong chiến tranh thì nhắc nhở “Không có gì phải e ngại, lo lắng, mình làm đây vì lợi ích chung”.

Xin cảm ơn Đảng, với công cuộc đổi mới đã khẳng định “đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Xin cảm ơn nhân dân, các em nhỏ và các bà mẹ chưa được huấn luyện và giao nhiệm vụ đối ngoại nhân dân mà đã thực hiện rất nhuần nhuyễn phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Khi thực hiện sự hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích MIA, Quảng Nam-Đà Nẵng là nơi Mỹ đổ vào sớm nhất, đóng quân dày đặc nhất nên đây là địa bàn trọng điểm. Bao nhiêu vấn đề được đặt ra vì cảnh giác, an toàn, nhất là khi các đội MIA phải ở nhiều nơi để tìm kiếm. Có bà mẹ từng bám trụ ở vùng đất lửa, con trai hy sinh vẫn chưa tìm được hài cốt. Nghe nói mấy người Mỹ đen có, trắng có, đến đây tìm hài cốt lính Mỹ. Lúc đầu mẹ không để ý, sau thấy trời nắng như đổ lửa, mấy người đó chỉ mặc quần xà lỏn, hì hục đào bới, mồ hôi đầm đìa, mẹ thấy thương họ. Chuyện đã mấy chục năm rồi, mẹ đâu có nhớ hết, lục trong ký ức có đôi ba thông tin về trận càn ngày ấy. Mẹ đến nói với các đồng chí Việt Nam, may ra góp được một vài tia sáng. Mẹ còn đem cho họ mấy nải chuối chín cây trong vườn, một ấm chè xanh. Mẹ tâm tình: “Con tôi hy sinh tôi không khóc, mấy năm nay tôi khóc hết nước mắt, con tôi còn nằm ở đâu, mồ xiêu mả lạc. Mẹ mấy anh lính Mỹ chết trận đó cũng như tôi. Mấy chú ráng giúp cho họ tìm được”. Các đồng chí ta dịch lại cho các bạn Mỹ, họ ngạc nhiên và cảm động, họ nghĩ đâu người mẹ ấy nhìn họ với đôi mắt hận thù, mẹ lại đến với họ trong tình bao dung.

Một cô sinh viên Nhật, nhân nghỉ hè có một chuyến du lịch Việt Nam, cô đến Đà Nẵng và tình cờ gặp được một nhóm em nhỏ rất dễ thương. Không bị rào cản về ngôn ngữ, cô và các em kết thân. Không thể biết họ trò chuyện những gì, chỉ biết có một tấm ảnh chụp cô và các em nhỏ tất cả cười rất tươi và hình như còn reo hò nữa.

Trở về nhà, cô nói với cha mẹ về các em nhỏ Việt Nam mà cô hết sức yêu quý và ngỏ ý sau này tốt nghiệp đại học, đi làm cô sẽ dành nhiều hoạt động giúp đỡ cho các em nhỏ Việt Nam rất đáng yêu và đang còn nhiều khó khăn.

Không may vì một tai nạn cô qua đời, cha mẹ cô thể theo nguyện vọng của con gái đã đem số tiền mà ông bà dành làm hồi môn cho cô tặng Việt Nam xây dựng một ngôi trường. Ngôi trường mang tên Junko, cô gái Nhật đoản mệnh và giàu tình người ấy ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn. Các bạn cô còn lập ra Hội Những người bạn Junko, tiếp tục giúp đỡ học sinh Việt Nam như ước muốn của cô.

Cha mẹ Junko có cho tôi xem tấm hình cô chụp với bầy em Đà Nẵng dễ thương. Rất tiếc tôi không xin tấm hình ấy để từ đây tìm ra các em (bây giờ chắc đều 27, 30 tuổi), các em đâu có biết chính các em là sứ giả của tình hữu nghị.

Một lần, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam có giao cho Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc gặp gỡ giữa một số Bà mẹ Việt Nam anh hùng với một số bà mẹ Mỹ. Tôi nghĩ cần bồi dưỡng, trao đổi trước để các bà mẹ Việt Nam nói những điều cần nói với các bà mẹ Mỹ. Nhưng rồi vì lấp gấp, việc này không làm được, tôi có phần lo lắng.

Các mẹ Việt Nam đến, bà nào cũng ăn mặc đàng hoàng, có thể nói là sang trọng, ai cũng đeo nữ trang, thì ra các mẹ muốn cho họ biết đời sống các mẹ nay được Chính phủ và cộng đồng lo cho rất đầy đủ, tươm tất. Điều đau khổ lớn nhất, không thể bù đắp được là vĩnh viễn mất đi những người con yêu quý. Các mẹ đã phải hết sức cố gắng, tự vượt lên nỗi đau để sống.

Các mẹ đem những điều gan ruột ấy chia sẻ với các bà mẹ Mỹ. Họ ôm lấy nhau, nắm tay nhau thân thiện, cởi mở.

Tôi biết có một cuộc gặp gỡ liên hoan khá lạ lùng. Một bác sĩ Mỹ từng có thời gian phục vụ ở một trung tâm phẫu thuật của quân đội Mỹ tại Đà Nẵng, tuy là bác sĩ dân sự. Theo quy định, trung tâm này chữa trị cho các binh sĩ Mỹ và quân đội Sài Gòn, ngoài ra một số “cán binh Việt Cộng” bị thương và bị bắt đang được chữa trị ở Tổng Y viện Duy Tân cũng có thể được đưa đến đây chữa trị. Thiếu tá bác sĩ Lê Ngọc Dũng (cơ sở cách mạng) công tác ở Tổng Y viện Duy Tân, người sàng lọc và giới thiệu các đối tượng này.

Trong cuộc hội chẩn và sau đó là phẫu thuật, không thể trao đổi đầy đủ, rõ ràng với nhau, nhưng bác sĩ Dũng đã ngầm báo cho các đồng nghiệp Mỹ đây là một trường hợp, một con người cần chữa chạy, chăm sóc hết sức tốt. Và người thương binh đó đã hồi phục.

Sau ngày Việt Nam thắng lợi, anh được trao trả và trở lại đội ngũ. Bác sĩ Dũng tiếp tục công tác ở Đà Nẵng. Bác sĩ Mỹ ấy cũng tìm cách trở lại Việt Nam. Họ đã chắp nối liên lạc và gặp nhau. Không có ai làm đạo diễn, họ đến với nhau từ trái tim đến trái tim.

Khó có thể nói hết sự phong phú, đa dạng, sức thuyết phục mạnh mẽ của những con người bình thường, giản dị của nhân dân trong những hoạt động đối ngoại nhân dân vì hòa bình hữu nghị, vì vị trí một Việt Nam trong hội nhập phát triển.

Giờ đây Đà Nẵng có quan hệ với hơn 150 NGO ở khắp năm châu, giá trị viện trợ phi chính phủ hằng năm đến cả trăm tỷ đồng.

Chúng ta tri ân nhà tỷ phú tài trợ chính của Đông Tây Hội Ngộ đã giúp Đà Nẵng xây dựng các cơ sở y tế, giáo dục có kiến trúc tân kỳ, trang bị hiện đại và cả “Một giọt nước” một NGO có cái tên khiêm tốn do một cô gái mang hai dòng máu Việt-Pháp sáng lập. Chúng ta nhớ mãi những bà mẹ Nhật tóc bạc phơ, nạn nhân bom nguyên tử ôm hôn các nạn nhân chất độc da cam, nước mắt giàn giụa và những cô gái Lào đến Việt Nam như về nguồn khi cô tới thăm Tam Dân, hậu cứ của cách mạng Lào, nơi cha ông các cô đã rèn cán chỉnh quân trong tình thương của các bà mẹ đất Quảng cách đây 60 năm. Ở Hội An chỉ có hai người được dựng tượng ngoài trời là Nguyễn Duy Hiệu, lãnh tụ Nghĩa hội cầm quân đánh Pháp đã hy sinh lẫm liệt năm 1887 và Ka-dích, kiến trúc sư Ba Lan, người vô cùng yêu mến Việt Nam và đã có công lớn trong phát triển, gìn giữ Hội An, Mỹ Sơn.

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay. Cái buổi ban đầu tiếp xúc, làm bạn với thế giới của những người không phải là xã hội chủ nghĩa ấy, chúng ta có nhiều vụng về, dè dặt và có lẽ cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội. Âu cũng là chuyện thường tình.

Oliver Stone, đạo diễn lừng danh của Holywood từng đoạt nhiều giải Oscar, người được Fidel dành mấy chục giờ trò chuyện phỏng vấn đã thực hiện một bộ phim về Fidel và Cuba. Lần đầu đến Đà Nẵng, được đón tiếp dè dặt, ông nói thẳng: “Tôi đi khắp thế giới, ở đâu tôi cũng gặp các nguyên thủ quốc gia”. Ông không nói ra nhưng chúng tôi biết ý tại ngôn ngoại “trừ Việt Nam”.

Đà Nẵng có một khẩu hiệu rất hay: “Chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển”.

Trong thời đại ngày nay, hội nhập và phát triển gắn bó và tác động lẫn nhau cùng thúc đẩy xã hội tiến về phía trước. Hội nhập không chỉ là việc của các chính khách, các công ty du lịch, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, cán bộ các cơ quan đối ngoại. Hội nhập rồi sẽ là công việc thường ngày của mỗi chúng ta, bạn và tôi.
Chính hoạt động đối ngoại trong quá trình hội nhập sẽ rèn luyện thử thách, nâng cao hơn chúng ta, loại bỏ những gì là vụng dại, ấu trĩ, hẹp hòi, sẽ phát huy những gì là nhân bản, lành mạnh trong chúng ta.

Và thế hệ trẻ với hội nhập qua các hoạt động đối ngoại nhân dân đa dạng và phong phú muôn màu, những người chủ của thời đại mới sẽ là những người Việt đích thực có tầm công dân toàn cầu.

Tôi tin ở điều này.

NGUYỄN ĐÌNH AN
(Nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị thành phố Đà Nẵng)

Đọc thêm