Nhìn lại và đi tới

“Đảng đã cho ta một mùa xuân và ước vọng”. Cảm ơn nhạc sĩ đã cho tôi một cảm xúc về mùa xuân và Đảng; mà không chỉ có Đảng gắn với mùa xuân, hơn thế nữa, Đảng - mùa xuân và ước vọng tới tương lai.

“Đảng đã cho ta một mùa xuân và ước vọng”. Cảm ơn nhạc sĩ đã cho tôi một cảm xúc về mùa xuân và Đảng; mà không chỉ có Đảng gắn với mùa xuân, hơn thế nữa, Đảng - mùa xuân và ước vọng tới tương lai.

Trống hội mùa xuân

Trống hội mùa xuân 

80 năm trước, trong không khí và hơi thở của mùa Xuân Canh Ngọ, Đảng ta ra đời và ghi trên lá cờ của mình “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Triển khai chủ trương đó, trước hết phải làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, thành lập Chính phủ công - nông - binh, cuối cùng thực hiện xã hội cộng sản. Mười lăm năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khẳng định mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Bốn lăm năm sau ngày Đảng ra đời, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước quá độ dần dần lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1986, từ thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống và trí sáng tạo của nhân dân, Đảng ta đã có bước đột phá trong tư duy, đưa đất nước bước sang giai đoạn đổi mới.

Tám mươi mùa xuân nhìn lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổ quốc đã có độc lập, nhân dân đã và đang từng bước được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới cả về vật chất và tinh thần. Thành tựu to lớn của hơn hai mươi năm đổi mới có ý nghĩa lịch sử và cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Tám mươi mùa xuân của Đảng kết tinh lại trong hai mươi bốn mùa xuân đổi mới. Không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì cũng không có thắng lợi của chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân năm 1975. Và thành tựu của hơn hai mươi năm đổi mới là thước đo giá trị độc lập của ba mươi năm chiến tranh giải phóng (1945-1975). Tất nhiên, đó là những thắng lợi không đơn giản, nhẹ nhàng. Chúng ta đã phải trả giá đắt để có thắng lợi, thu được những hiểu biết và kinh nghiệm ngày nay và Đảng đã có bước trưởng thành. Đó là tổng kết của Đảng ta trên diễn đàn Đại hội đổi mới năm 1986.

Nhìn lại là cần thiết nhưng đi tới mới là quan trọng và có ý nghĩa quyết định nhất. Đi tới từ những bài học của nhìn lại và nhìn lại là để đi tới. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kiểu tư duy mẫu mực của nhìn lại và đi tới. Người lướt qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với một niềm tin chắc chắn thắng lợi để đi tới tương lai:

“Còn non, còn nước, còn người.
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”,

Thành tựu của Đảng đem lại cho nhân dân trong tám mươi năm lớn bao nhiêu thì trách nhiệm của Đảng trong hiện tại và tương lai càng nặng nề bấy nhiêu. Nhiệm vụ hiện tại và tương lai bao giờ cũng khó khăn hơn nhiều so với quá khứ. Sau tám mươi mùa xuân của Đảng, nhân dân ta đã có độc lập. Trên con đường đi tới, mục tiêu là hạnh phúc, tự do. Để đạt được mục tiêu này, phải xác định đây là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.

Bề dày kinh nghiệm của Đảng tám mươi năm, trong đó có hơn hai mươi năm đổi mới là không nhỏ. Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, ta vẫn có thể nhận ra rằng đó là kinh nghiệm của Việt Nam trong chiến tranh giải phóng; của chủ nghĩa xã hội thời chiến và bao cấp; hệ thống chính trị được thiết kế cơ bản vẫn trong điều kiện chưa đổi mới toàn diện, chưa hội nhập quốc tế, chủ yếu để chơi trên sân nhà.

Hiện nay, chúng ta vẫn rất cần các tố chất về lòng yêu nước, ý chí cách mạng, khát vọng dân tộc. Chúng ta vẫn khẳng định Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhưng nếu với tư duy cũ thì con đường đi tới hạnh phúc, tự do sẽ còn nhiều gập ghềnh, quanh co. Nhìn lại để đi tới là phải có những đột phá về tư duy, không phải chỉ là trở lại tư duy của hơn hai mươi năm đổi mới mà phải là tư duy cho vài chục năm tiếp theo, tư duy khoa học, cách mạng và có tính toàn cầu.

Vẫn khẳng định Đảng lãnh đạo cách mạng nhưng tư duy mới là phải có một Đảng đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh; mọi sự thành bại của cách mạng đều liên quan tới Đảng có thật sự là một Đảng đạo đức, văn minh hay không. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Không phải là Đảng mà là đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; phẩm chất, năng lực, bản lĩnh của đảng viên, cán bộ mới là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng.

Vẫn khẳng định vai trò quản lý của Nhà nước, nhưng đột phá tư duy là không phải cần một Nhà nước to, tập trung ý chí hành động, hoạt động một cách cưỡng bức để huy động các năng lực cho sự phát triển nóng. Chúng ta đang cần một sự phát triển bền vững bằng cách thức tỉnh các nguồn lực khác nhau của dân tộc, trong đó “đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một khâu đột phá. Phải thiết kế một mô hình phát triển mà giá trị nằm trong cấu trúc quyền lực thuộc về nhân dân. Cán bộ là công bộc của dân không chỉ là một khẩu hiệu mà phải được triển khai trên thực tế. Mô hình cấu trúc của xã hội hiện đại đã được Hồ Chí Minh thiết kế từ những năm bốn mươi. Đó là “nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân... Tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Nhà nước của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải thực hiện chức năng công quyền, quản lý chủ yếu bằng hoạch định chính sách, xây dựng thể chế pháp luật, tổ chức cung cấp dịch vụ công như hành chính, y tế, giáo dục, an ninh, thông tin... Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Tóm lại, Nhà nước chỉ tạo ra sân chơi chứ Nhà nước không chơi trong sân đó.

Nhà nước là tổ chức công quyền thì nhân viên Nhà nước là công bộc, có trách nhiệm thi hành công vụ được giao phó, chứ không phải là “quan cách mạng”, cậy quyền cậy thế với dân. Đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà nước phải đủ cả đức và tài, trong đức có tài, tài càng lớn thì đức càng phải cao.

Dân tộc nào cũng có lịch sử của mình. Chúng ta tự hào với hàng ngàn năm lịch sử. Hiện tại bao giờ cũng đi lên từ quá khứ và định hướng cho tương lai. Lịch sử là chiếc gương phản chiếu, là bệ đỡ cho hiện tại và tương lai, chứ không phải là tương lai. Vì vậy, bề dày của lịch sử không hoàn toàn đồng thuận với tính vững chắc của tương lai. Vấn đề là cách thức khai thác các giá trị lịch sử. Người ta thường nói, nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Nhưng cũng đừng quên rằng nếu say sưa và ngủ quên trên quá khứ, dù quá khứ hào quang tới đâu, thì cũng chỉ là quá khứ, cùng lắm là chạm tới hiện tại, chứ không thể đi tới tương lai.

Nhìn lại quá khứ để đi tới tương lai cần một cách nhìn và tầm nhìn khoa học, biện chứng. Bài học kinh nghiệm nào cũng có cả thành công và không thành công. Biết rút ra các bài học chưa thành công để tránh dẫm lên vết xe đổ; biết nhận ra khuyết điểm, phân tích nguyên nhân gây ra khuyết điểm, để tìm cách sửa chữa khuyết điểm là một giá trị. Ngược lại, nhìn ra bài học thành công nhưng không biết làm mới nó trong sự phong phú và đa dạng của cuộc sống thì cũng dừng lại, khó có bước phát triển mới.

Kỳ vọng từ mùa xuân 81 trở đi, trên những thành quả đã đạt được, biết nhìn lại và đi tới, Đảng ta tiếp tục có được những nguồn nhựa sống mới, nguồn nhựa sống của mùa xuân dân tộc và thời đại.

Bùi Đình Phong

Đọc thêm