Nhịp cầu nhân ái Báo Hải Phòng: Những mảnh đời bi đát, cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm

Nằm trên giường bệnh, mỏng manh như  chiếc lá, chị Nguyễn Thị Xoà ở thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng (Kiến Thụy) khó nhọc trả lời  câu hỏi của bác sĩ về tình trạng sức khoẻ. Năm nay 51 tuổi, chị Xoà có “thâm niên” lọc máu  5 năm. Trong thời gian này, chị  hai lần phải mổ vì bị tụ máu thận và dính ruột.

Đến nay, sức khoẻ gần như suy kiệt, cầu tay bị tắc không thể chọc ven để lọc máu.Theo bác sĩ điều trị, đối với trường hợp người bệnh  nặng như thế này, để có thể chọc được ven trong thời gian tới phải đặt Catheter cảnh trong. Thiết bị này khá đắt,  7-10 triệu đồng và cũng chỉ có thể dùng  trong 2-5 năm. Gia đình người bệnh lại quá khó khăn, chồng chị Xoà là thương binh, được trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng nhưng phải trả nợ ngân hàng hết. Chị có 4 người con, con gái lớn đang làm công nhân da giày trong miền Nam bị tái phát bệnh lupus ban đỏ, con trai út phải vào chăm nuôi chị. Con trai thứ hailàm mộc ở quê và tuần 3 lần đưa mẹ vào bệnh viện lọc máu. Vì vậy, thu nhập của gia đình hầu như không đủ ăn, không có gì để bồi dưỡng sức khoẻ, nói gì đến việc đặt Catheter cảnh trong.

 

Bác sĩ Phùng Đức Lâm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc- Bệnh viện hữu nghị Việt -Tiệp cho biết: Khoa thường xuyên có  95-100 người bệnh,  trong đó, 2/3 suy thận mãn tính, phải lọc máu 3 lần/tuần.  Với số máy lọc máu hiện có, khoa thường xuyên phải lọc máu 3-4 ca/ngày. Hầu hết người bệnh  lọc máu (còn gọi là chạy thận nhân tạo) là người nghèo.Đa số có thẻ BHYT, tuy nhiên, theo quy định hiện nay, nếu là công nhân viên chức, nhân dân, hộ nghèo phải chi trả 20% chi phí. Gia đình chính sách được ưu tiên hơn, chỉ phải chi trả 5% chi phí. Tuy nhiên, ngoài số thuốc điều trị tại bệnh viện, người bệnh cần bồi bổ cơ thể và uống thêm một số loại thuốc bổ. Đó là chưa kể, những người bị bệnh thận còn mắc thêm nhiều chứng bệnh nan y khác do biến chứng như tiểu đường, tim mạch, tai biến mạch máu não, mù loà…Và hầu hết phải uống thêm thuốc điều trị huyết áp. Nếu không có BHYT, người bệnh phải chi trả 650.000 đồng/lần lọc máu cấp cứu và 400.000 đồng/lần lọc máu theo chu kỳ. Một số trường hợp quá khó khăn như hai mẹ con chị Trần Thị Thuận và Nguyễn Tuấn Điệp ở Minh Đức (Thuỷ Nguyên) đều phải lọc máu thường xuyên. Anh Nguyễn Văn Phương, 33 tuổi, phải lọc máu 2 năm nay, bị mù bẩm sinh do bố bị nhiễm chất độc da cam. Trước đó, em của Phương cũng bị mù, người bệnh lọc máu thường xuyên của khoa, đã chết. Bố Phương thường xuyên phải đưa Phương đi bệnh viện, lao động chính trong gia đình chỉ còn trông vào mẹ Phương với nghề làm ruộng. Một trường hợp khác cũng không kém phần bi đát là ông Đặng Quốc Hưng, 60 tuổi, bị suy thận, vợ bị ung thư vú đang điều trị tại khoa Ung Bướu cùng bệnh viện, con trai bị xuất huyết giảm tiểu cầu, đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), con gái bị bệnh động kinh…

 

Những số phận, những mảnh đời bi đát trên rất cần sự chung tay giúp đỡ của những nhà hảo tâm, các cơ quan, doanh nghiệp để động viên, khích lệ họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là truyền thống “lá lành đùm lá rách”, thương người như thể thương thân của dân tộc. Rất mong nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Địa chỉ tiếp nhận sự giúp đỡ, hỗ trợ chị Nguyễn Thị Xoà ở thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng (Kiến Thụy) xin gửi về khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc- Bệnh viện hữu nghị Việt -Tiệp hoặc Phòng Bạn đọc Báo Hải Phòng, số 8 phố Đà Nẵng - quận Ngô Quyền - TP Hải Phòng. ĐT: 031.3852504 – 01236960716

 

Mai Hương

Đọc thêm