Cuộc “di cư” lịch sử
Dưới cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng 6, theo chân một cán bộ văn phòng xã Lôc Trì (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi tìm đến làng Khe Su nằm lọt thỏm dưới dưới chân núi Bạch Mã. Ngôi làng rộng chừng 40 ha, ngút ngàn cây cao su, tràm... chính là nơi mà những người bản Mường nguyên quán ở xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ di cư đến đây lập ấp, an cư lạc nghiệp...
Là một trong những người đầu tiên đặt chân vào đây lập làng, lập bản, ông Hà Xuân Lâm (SN 1960, thôn Khe Su, xã Lộc Trì) cho biết: Vào khoảng những năm 1990, ông Cái Quang Cừ - một trong những người tìm trầm nổi tiếng thời bấy giờ đã đặt chân đến đất của người Mường ở Phú Thọ để tìm trầm và tại đây chính ông Cừ đã “bén duyên” cho đồng bào Mường đặt chân đến Huế.
“Tại Phú Thọ, ông Cừ đã làm quen với ông Đinh Văn Giáp và tôi (tức ông Lâm bấy giờ-PV). Thời gian ở đây, ông Cừ đã được đồng bào Mường giúp đỡ lương thực và để đáp lại tình cảm đó, ông Cư đã mời ông Giáp và tôi vào Huế chơi. Nhận lời của ông Cừ, chúng tôi lên đường vào Huế. Ngay khi đặt chân xuống Huế, chúng tôi đã có ước muốn vào đây sinh sống bởi nhìn xung quanh cây cối xanh tốt, đất đai rất màu mỡ…”- ông Lâm kể lại.
Hơn 20 năm từ ngày “di cư” vào vùng đất cố đô, gia đình ông Hà Xuân Lâm (bên phải) đã có cuộc sống ổn định |
Trở về quê hương Phú Thọ, khoảng hơn một năm sau, ông Giáp và ông Lâm dẫn cả gia đình “di cư” từ Phú Thọ vào vùng đất dưới chân núi Bạch Mã để khai hoang lập nghiệp. Tại đây, họ bắt đầu dựng dựng lều lá để sống tạm qua ngày. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những người Mường lúc ấy cũng đã khiến cho chính quyền địa phương xã Lộc Trì hết sức khó xử. Sau một thời gian, phía chính quyền sở tại cũng đã đồng ý cho phép người Mường khai hoang tại vùng đất Khe Su để lập làng và cho mỗi hộ mượn 2 sào ruộng để canh tác. Ngoài ra, mỗi gia đình còn được trợ cấp mỗi hộ 15 triệu đồng để xây nhà tránh bão từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ. Tại đây, họ cũng bắt đầu cày cuốc lấy, xới đất đất canh tác và sản xuất.
Theo ông Nguyễn Thám – Trưởng thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, hiện toàn thôn có 74 hộ gia đình, trong đó có 12 hộ gia đình là người bản Mường. Phần lớn các hộ người Mường đã hòa đồng với bà con và tập tục nơi đây. Cũng như bao người dân khác, các hộ người Mường cũng trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng …để mưu sinh. Sau một thời gian dài sinh sống trên vùng đất Khe Su, năm 2002, tất cả cư dân của bản Mường đã được nhập khẩu.
Thay đổi trên vùng đất mới
Dẫn chúng tôi ra thăm khu vườn nhà ông, ông Lâm cho hay, thời đó vẫn chưa có điện thắp sáng như bây giờ, trẻ nhỏ vẫn chưa có điều kiện đến trường. Thế nhưng, với sự giúp đỡ của người dân bản địa và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cuộc sống của người những người Mường dần dần được cải thiện. Cũng là một trong những người bản Mường xa xứ, đến lập nghiệp nơi vùng đất mới, bà Hà Thị Diễn (SN 1967, trú tại thôn Khe Su) tâm sự: “Từ khi được cấp đất sản xuất, hỗ trợ tiền xây nhà đời sống bà con người Mường khấm khá lên hẳn. Con cái chúng tôi cũng đã được đến trường như bao đứa trẻ trong xã và luôn được tạo điều kiện về vật chất và tinh thần…Nhờ có sự giúp đỡ cùa chính quyền địa phương nên cuộc sống của người dân bản Mường đã tốt hơn…”
Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc cho biết, chính quyền địa phương luôn luôn có những chính sách để tạo mọi điều kiện cho người dân bản Mường được sinh sống và làm việc. Ngoài những chính sách để hỗ trợ trong việc làm, địa phương còn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không làm những việc trái pháp luật. Ngoài ra, nhờ sự tự nỗ lực vươn lên cuộc sống của các hộ người bản Mường ở Khe Su đã đổi thay rất nhiều. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các hộ người Mường còn biết đầu tư cho giáo dục, nuôi con em ăn học đến nơi đến chốn.