Nhờ bạn tù bỏ được oan án giết người

Đôi mắt anh Sỹ luôn ầng ậc nước khi kể lại những thăng trầm đã trải qua. Nhờ bạn tù Cao Tiến Mùi, anh được giải oan sau 2.000 ngày ngồi trong nhà lao. Vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ngày anh được tháo gông xiềng bước từng bước xiêu vẹo, chỉ kịp ngã vào vòng tay của người thân...

Đôi mắt anh Sỹ luôn ầng ậc nước khi kể lại những thăng trầm đã trải qua. Nhờ bạn tù Cao Tiến Mùi, anh được giải oan sau 2.000 ngày ngồi trong nhà lao. Vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ngày anh được tháo gông xiềng bước từng bước xiêu vẹo, chỉ kịp ngã vào vòng tay của người thân...

2000 ngày tù oan trái

Đêm 28 Tết Nguyên đán năm 1983, giảng viên đại học Nguyễn Sỹ Lý về quê ăn Tết tại xã Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Cha anh Lý vừa nấu xong nồi bánh chưng, trên đường mang nồi đi trả cho hàng xóm thì vô tình ánh đèn pin ông cầm trong tay lướt ngang mặt hai anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai.

Cho rằng mình bị “chơi xỏ”, Lai sấn đến đá bay chiếc đèn pin. Phản ứng tự nhiên, người cha kêu lên. Nghe tiếng bố, bốn đứa con chạy ra thì hai thanh niên càn quấy đã biến mất trong đêm.

Bạn tù Cao Tiến Mùi đã giải oan cho Nguyễn Sỹ Lý sau 2.000 ngày anh Lý vào tù

Thật ra, phía ngoài xảy ra một thảm kịch đau lòng. Khi thấy các con của ông lão chạy ra, sợ bị đánh nên Vinh trốn vào bụi cây ven đường, còn Lai chạy về phía trước. Lúc mọi người chạy vãn, Vinh mới chui ra khỏi chỗ nấp, chạy theo anh. Trong đêm tối, Lai không hề biết đó là em mình, ngỡ là “đối thủ” đuổi theo, nên quay lại vung dao về phía người đang lao tới. Đến khi nghe tiếng em hét lên “sao anh lại đâm em” thì tất cả đã muộn. Lai điên cuồng ném một quả lựu đạn vào nhà ông lão.

Không nhận tội đã giết lầm em, Lai đổ vấy cho cha con ông lão. Ngày 7/1/1983, bốn cha con nhà anh Lý bị bắt giam vì nghi vấn giết Vinh.

Những ngày cha con nằm trong trại tạm giam, thương cha, thương các em nên người anh cả Nguyễn Sỹ Lý nhắm mắt thừa nhận mình giết người để mọi người thoát khỏi cảnh tù đày. Anh bị tuyên 17 năm tù.

Người vén bức màn bí mật vụ án là anh Cao Tiến Mùi, ngày ấy là một bạn tù cùng phòng, nay sống trong căn nhà phía sau trại giam số 3, thuộc xóm Bàu (xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An).

Anh kể lại, vợ chồng anh sinh được 5 người con nhưng 3 đứa bị ảnh hưởng chất độc da cam, hai đứa đã chết. Năm 1982, đói quá, anh đánh liều lẻn vào kho vật tư của Hợp tác xã trộm hai bao phân đạm thì bị phát hiện. Trước đó, Hợp tác xã liên tục bị mất vật tư nên anh bị "đổ vấy" là thủ phạm của các vụ trộm, bị kết án 3 năm tù.

Sẵn sự ấm ức vì bị kết án chưa đúng người đúng tội, nên ngày đầu nhập trại, thấy những “đại ca” trấn lột đồ tiếp tế, cướp miếng ăn của bạn tù, anh "dằn mặt" những “đại ca” mấy trận "nhừ tử". Biệt danh “đại ca gấu đen” được bạn tù gắn cho Mùi từ ấy.

Một lần, do “ra tay” quá mạnh, Mùi khiến hai phạm nhân phải nhập viện điều trị. Anh bị chuyển sang phòng dành cho những tù nhân án giết người. Hôm đầu tiên đến “nhà mới”, anh triệu tất cả phạm nhân trong buồng đến tra hỏi con đường dẫn đến phạm tội.

Mặc dù đang sốt cao, rên rỉ vì vết thương lở loét ở bụng, Lý vẫn đập đầu kể về nỗi oan của mình. “Những ngày sau liên tục như vậy, tôi bắt đầu tin vào những lời kêu oan. Tôi hứa khi ra tù sẽ tìm cách giải oan”, anh Mùi nhớ lại. Ngay khi vừa bước chân ra khỏi nhà giam, Mùi lao vào hành trình đi tìm công lý cho bạn.

Việc đầu tiên Mùi làm là tìm gặp lại bố và các em của Lý. Có một điều thôi thúc Mùi đẩy nhanh tiến độ giải oan cho bạn hơn, là trong khoảng thời gian gần 5 năm từ khi con bị kết án và vào tù, người cha đội đơn đi khắp nơi từ tỉnh đến trung ương kêu oan cho con. Mái tóc của người cha chưa đầy 50 tuổi vì thế mà bạc trắng như cước.

Mấu chốt của vấn đề là tìm gặp nghi phạm Bùi Văn Lai, bắt anh này nhận tội tước đi mạng sống của em trai mình. Bất chấp sự xua đuổi, bằng sự kiên trì, Mùi đã khiến họ dần hiểu ra. Nghi phạm thấu hiểu nỗi đau đớn người vô tội đang phải gánh chịu, phần vì lương tâm sám hối.

Lường trước mọi chuyện nên khi nghi phạm viết giấy thú nhận tội lỗi, Mùi cho làm 3 bản, kèm theo đó là 3 bản nghi phạm viết nhận xét, cam kết Lai không ép buộc mình. Gần một năm ròng, Mùi thu thập đầy đủ các tài liệu liên quan, gửi ra Toà án nhân dân tối cao. Phạm nhân Lý được tạm tha cuối năm 1987, kết thúc hai ngàn ngày tù oan trái.

Sống không oán trách hay thù hận

Đã 30 năm sau ngày xảy ra oan án, Nguyễn Sỹ Lý bây giờ tóc đã bạc, đôi chân teo tóp là dấu vết của những năm tháng trong tù. Anh sống cùng người vợ và hai đứa con trong một căn nhà nhỏ ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, ngày ngày lê đôi chân tập tễnh ra sau nhà giúp vợ làm đậu phụ mưu sinh.

Mấy chục năm, mọi di chuyển đều nhờ vào đôi nạng gỗ, giờ là lúc anh quyết tâm tập đi để giảm bớt gánh nặng cho người vợ. Cách đây hơn hai năm, con gái đầu lòng của anh thiệt mạng trong một vụ tai nạn khi chỉ còn mấy ngày là cưới.

Đôi mắt anh luôn ầng ậc nước khi kể lại những thăng trầm đã trải qua. Vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ngày anh được tháo gông xiềng bước từng bước xiêu vẹo, chỉ kịp ngã vào vòng tay của người thân.

Ngày anh bị bắt, con gái đầu lòng mới 10 ngày tuổi. Ngày cha về, đứa con đã hơn 5 tuổi, nhìn anh với ánh mắt lạ lẫm, sợ hãi. Nhớ lại chuyện xưa, Lý bảo anh không ân hận vì đã nhận tội. Phần vì thương bố, thương em, phần nữa hoàn cảnh lúc bấy giờ không thể khác.

Mấy ngày sau khi nhận tội, cán bộ điều tra dẫn giải anh trở lại hiện trường đêm xảy ra án mạng để thực nghiệm hiện trường, anh cứ đứng trơ ra, lóng ngóng không biết cầm con dao thế nào cho phải.

Sau khi được minh oan, Lý có tâm nguyện trở lại trường giảng dạy. Lãnh đạo trường Đại học Tây Nguyên lúc bấy giờ cũng sẵn sàng nhận anh trở lại. Nhưng hóa ra hoàn cảnh không cho phép. Đôi chân anh đã teo tóp dẫn đến bại liệt, cộng với sức khoẻ suy sụp, ước mơ ngày về với bục giảng cứ thế dần xa. Anh quyết định ở lại quê cùng vợ con.

Từ ngày ra trại, cứ dăm bữa nửa tháng, vợ chồng anh Mùi lại đèo nhau lên thăm người bạn tù năm nào. Vợ chồng anh Lý cũng thỉnh thoảng nhờ người chở về nhà anh Mùi hàn huyên tâm sự. Nhà hai người cách nhau 50 km nên không quá khó khăn để gặp nhau, nhưng gần đây tuổi tác và bệnh tật đã khiến những cuộc gặp ngày càng thưa hơn. Cả hai nhà cùng có điểm chung là nghèo nàn, đạm bạc, có khi uống với nhau chén trà rồi lại chia tay.

Nỗi đau xưa đã tạm lắng xuống, ít ra cũng mừng cho anh Lý vì cố gắng không biết mệt mỏi đã được đền đáp, đôi chân của anh dần hồi phục, bước được những bước đi lẫm chẫm. Hỏi anh có trách ai, anh lắc đầu: “Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vì có oán trách hay thù hận cuộc đời thì chẳng thể sống thanh thản được”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm