Ông coi tôi là bạn vong niên. Biết tôi trọng hoa đào, mỗi năm khi mùa hoa hé nụ, lão nghệ nhân - nông phu ấy lại chọn một cành ưng ý và trân trọng mang đến chỗ tôi làm việc và tự tay trang trí cho đến lúc thỏa ý. Tôi xin được gửi ông chút thù lao, ông gạt đi bằng một nụ cười ý nhị và lời nói chân thành: “Góp chút quà mọn di thực từ đất Bắc Hà để làm đẹp cho không gian của bạn, có chi mô mà ngại”. Rồi ông quay quả trở về Thung lũng đào hoa. Công việc những ngày cuối năm của ông luôn tất bật, bận rộn...
Cố nghệ nhân Mười Lời trong Thung lũng đào hoa. Ảnh: Thụy Trang |
Ông là nghệ nhân trồng hoa Bùi Văn Lời, bác Mười Lời thân kính, người đã làm nên cuộc di cư của hoa đào Thăng Long lên cao nguyên, tạo cuộc hôn phối và chắp cánh cho hoa, dưỡng ấm những cánh đào mỏng manh làm rạo rực thêm sắc xuân xứ hoa. Người đã giã biệt cõi thế qua hai mùa đào nở. Đã hai mùa hoa bừng hương sắc đón xuân, tôi vẫn đến Thung lũng đào hoa ngắm hoa, chọn hoa nhưng trống vắng lòng mình bởi không còn thấy bóng ông cặm cụi vun gốc, tỉa cành, không được nghe ông phẩm bình, giảng nghĩa dáng thế. Cả một thung lũng dạt dào hương sắc. Vườn đào tỏa sắc xuân. Những cánh hoa chúm chím, phớt hồng vẫn hồn nhiên bừng nở theo nhịp hải hà, nhưng người trồng hoa đã về với đất sâu. Ông đã là người thiên cổ, nhưng xuân ngắm hoa đào phố núi, không ai có thể quên hình ảnh của ông, tâm huyết của ông, người nông dân cả một đời gắn với đất với cây. Cơn bạo bệnh tai ác đã bắt ông vĩnh biệt vườn đào từ ngày 6-8-2009. Sự ra đi của bác Mười Lời để lại sự luyến tiếc cho người thân cùng những người yêu hoa và cả sự luyến tiếc của những loài hoa mà ông dày công dưỡng nuôi… Hai mùa hoa đào nở, như một lời hẹn trước, tôi vẫn đến Thung lũng đào hoa Mười Lời. Thung lũng như mang dáng dấp của một Đào Hoa Trang trong điển tích. Thi nhân Thôi Hộ ngày xưa hoài cố bóng giai nhân họ Đào mà trở lại vườn đào. Nay, tôi nhớ đến ông mà trở lại thăm nơi loài hoa đậm phong vị xuân ấy đang nở hoa. Tôi không có thơ để đề lên những gốc hoa ông từng nâng niu, nuôi dưỡng, đành mượn áng cổ thi bất hủ của thi nhân đời Đường mà nhớ người nghệ nhân tài hoa đã về thiên cổ. Áng thơ của người xưa mà hợp trạng xuân này. Cảnh cũ còn đây, người xưa vắng bóng. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười, chào đón khách du xuân: Khứ niên kim nhựt thử môn trung, Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ khứ? Đào hoa y cựu tiếu đông phong… Theo dòng cảm xúc, tôi nhẩm lại đôi câu đối của nhà Mỹ học Vũ Khiêu khắc trên mộ chí của ông: Non nước ngậm ngùi tri kỷ mười phương tình nghĩa nặng Gió mây thăm thẳm anh đào vạn nẻo lệ hoa rơi. Và thấy lòng mình rung lên những xúc cảm khó tả. Nghệ nhân hoa Mười Lời sinh năm 1938 ở quê lúa Đại Lộc, Quảng Nam. Ông vào cao nguyên Đà Lạt lập nghiệp và cả cuộc đời gắn bó với việc nhân giống các loài hoa ở xứ ngàn hoa này. Cũng như những nông phu khác của xứ sở, ông phải quần quật lao động trên những vườn rau, những vườn cây ăn quả kiếm kế mưu sinh. Nhưng tâm thế trong ông, không chỉ dừng lại ở cuộc mưu sinh giản đơn mà có điều rất khác biệt, trong suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với xứ mù sương, ông đã yêu đến si mê hoa đào. Tuy vậy, ở Đà Lạt chỉ có mai anh đào và đào má hồng, loài hoa có sắc hồng phơn phớt, đẹp nhưng bông thưa, cánh mỏng, không như hoa đào đất Bắc. Bao nhiêu năm, trong đầu ông nung nấu một ý nghĩ, di thực hoa đào Bắc vào đất Đà Lạt. Ấp ủ mãi, đến năm 1997, ông quyết định thực hiện ý tưởng làm cuộc “hôn phối” cho đào Bắc nở hoa trên thân của cây đào má hồng Đà Lạt bằng cách ghép mầm. Với sự giúp đỡ của các cán bộ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, ông đã tìm về làng đào Nhật Tân học hỏi kinh nghiệm ghép và chăm sóc cây đào, sau đó mua được 200 mầm đào Nhật Tân nâng niu mang về phố núi để thực hiện cuộc “xe duyên” mà nhiều người lúc đó cho là điều kỳ lạ và không tưởng. Theo lời ông kể lại, sau một chuyến đường xa mệt mỏi, về đến nhà thì trời đã tối nhưng ông quyết định thắp đèn sáng vườn và bắt tay luôn vào công việc. Suốt đêm hôm đó, bác Mười Lời đã thức trắng ghép những mầm đào đầu tiên trong một niềm tin về vườn đào rực rỡ trong tương lai… Hoa không phụ lòng người thương hoa. Mười bảy tháng sau, những mầm đào Nhật Tân, những mầm hy vọng của lão nông Mười Lời đã bén duyên trên thân đào má hồng và phát triển tốt trong điều kiện thổ nhưỡng, địa hình và khí hậu cao nguyên. Mùa Xuân năm ấy, người dân phố núi đã chứng kiến điều kỳ diệu khi những cành đào Bắc với cánh hoa đỏ thắm, đẹp đến lạ lùng đã khai nở giữa vườn nhà bác Mười Lời. Sự kết hợp giữa hai loài đào từ hai vùng khí hậu đã tạo nên loài hoa màu sắc đỏ thẫm, cánh dày và rất lâu tàn. Tết năm đó, trong nhiều gian tiền sảnh của các công sở, khách sạn và nhiều gia đình ở Đà Lạt đã ấm áp và sang trọng hơn khi có sự hiện diện của những chậu hoa đào Nhật Tân nở trên đất Đà Lạt mà những mùa xuân trước muốn có cũng phải tốn rất nhiều công sức. Sau thành công bước đầu vài năm, nghệ nhân Mười Lời đã xây dựng được “Thung lũng hoa đào” với diện tích rộng đến 6.000m2, không gian sống của hàng nghìn gốc đào. Hằng năm, cứ độ Tết về, Thung lũng đào hoa của ông nườm nượp người đến thưởng lãm và chọn đào về chưng. Những người sành chơi hoa đào còn phải đặt hàng từ cả năm trước để có cây, cành mang dáng thế đẹp và giàu ý nghĩa. Không chỉ ghép, lão nông Mười Lời còn mày mò, nghiên cứu để tạo nên nhiều cây đào thế độc đáo với các chủ đề, như: Phụ tử, Toàn thụ nhất đóa, Song thụ, Nhất thụ liên chi… Chứng kiến từ sự thành công của việc “ghép duyên” cho hoa đào, có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã mời ông hợp tác tạo nên cuộc “hôn phối” giữa các loại cây ăn quả. Bằng tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm, lão nông dân chưa hề qua một trường lớp chuyên môn nào ấy đã lai tạo thành công nhiều giống hoa quả như mận tam hoa, hồng giòn Fuja, bơ Hass xuất xứ từ Úc, bưởi Hà Nội ghép trên bưởi Thái Lan, cây mơ chùa Hương, một loại cây ra cả trái đào và trái mận Nestarine (Úc) và nhiều loài cây khác. Không dừng lại ở đó, nghệ nhân Mười Lời còn được mệnh danh là “lão phù thủy” khi đã phù phép để loài hoa quỳnh nở vào ban ngày. Một lần vào dịp cận Tết 2008, bác Mười dẫn mấy anh em chúng tôi khoe vườn nhật quỳnh cho hoa nở rất đẹp giữa Thung lũng đào hoa. Ông giải thích, để có được những chậu nhật quỳnh này ông đã mày mò mất năm năm, từ việc ghép mầm cây hoa quỳnh của Nhật lên nhiều họ cùng loại, nhưng kết quả mầm gép trên gốc cây thanh long của Bình Thuận mới ra hoa như ý muốn. Hiện tại, ông đã lai tạo được năm loại nhật quỳnh với hàng chục màu hoa riêng biệt: vàng, đỏ, hồng, trắng, tím... Ghi nhận những thành công của lão nông dân yêu hoa, năm 2005, tại Festival hoa Đà Lạt lần thứ nhất, ông đã được vinh danh, phong tặng là nghệ nhân về hoa, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ông cũng đã giành được nhiều huy chương vàng tại các hội hoa và được Bộ NN-PTNT tặng Huy chương Vì sự nghiệp xanh. Hàng năm, Thung lũng đào hoa Mười Lời đã đón hàng nghìn sinh viên đến thực tập, học hỏi và trải nghiệm thực tế. Nghệ nhân Mười Lời luôn là người tận tình và tâm huyết hướng dẫn. “Có trường đại học ở phía Nam đã mời tôi về giảng kỹ thuật ghép cây.” Bác Mười Lời đã khoe với tôi điều này trước khi tạ thế mấy tháng… Xưa, trên đường chiến chinh, vua Quang Trung gửi về Nam cành hoa đào đất Bắc làm đẹp lòng vị hôn thê Ngọc Hân Công chúa, làm cho nàng vơi nỗi nhớ về quê nhà, về vương tộc quyền quý của mình. Cành hoa đào lịch sử ấy đẹp như một biểu tượng của tình yêu nơi chốn cao sang, như một hàm ngôn của tình nghĩa phu thê; như một mối gắn kết lương duyên lịch sử của vị hoàng đế cờ đào áo vải hào hoa với vương nương Bắc Hà sắc nước hương trời. Cành đào ấy từ đất Bắc theo vó ngựa trẩy về phương nam còn là sự thể hiện khát vọng thống nhất sơn hà của vị Hoàng đế moang trong mình trọng trách vĩ đại của lịch sử. Còn cành hoa đào Mười Lời, một người nông dân Việt giản dị chốn ruộng đồng là thể hiện một ý tưởng lãng mạn, một tình yêu đất đai thẳm sâu, là mong muốn đổi dời không gian sống cho loài hoa cao quý. Cuộc di cư đào hoa đất Bắc lên cao nguyên thành công, ông như là người đã góp thêm hương sắc mùa xuân cho vườn hoa đa sắc Đà Lạt, phương Nam…
Uông Thái Biểu