Nhớ mãi mùa xuân năm ấy...

Có thể nói rằng trong rất nhiều những câu thơ hay của Tố Hữu viết về Hồ Chủ tịch, đoạn thơ trên là một trong những dòng viết nhiều cảm xúc nhất, gần với lịch sử nhất và, hàm chứa thật nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Có thể nói rằng trong rất nhiều những câu thơ hay của Tố Hữu viết về Hồ Chủ tịch, đoạn thơ trên là một trong những dòng viết nhiều cảm xúc nhất, gần với lịch sử nhất và, hàm chứa thật nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Mô tả ảnh.
Phong cảnh Pắc Bó (Cao Bằng). Ảnh: M.H
Mùa Xuân năm 1941 cách Xuân này vừa tròn 70 năm. Đó là một mùa Xuân đặc biệt của dân tộc Việt Nam: Lịch sử cận – hiện đại nước nhà chứng kiến sự trở về của vị lãnh tụ vĩ đại nhất. Hơn thế nữa, đó là sự trở về sau 30 năm bôn ba khắp biển rộng sông dài để tìm và thấy con đường cứu nước đúng đắn, thành công cho dân tộc Việt Nam. Trong những ngày đầu Xuân Tân Mão ấm áp và an bình này, chúng ta hãy dừng lại vài khoảnh khắc để nhớ về việc cách đây đúng 100 năm, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và cách đây đúng 70 năm, Người trở về để cho dân tộc bắt đầu được trở về với độc lập, tự do – chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều hơn sắc xuân nồng trong hương cỏ non đang bừng nở từ những mùa xanh mới, sắc xuân tươi trên những mái nhà, những cây cầu, những con đường rộng mở thênh thang, đẹp như dáng Xuân…

Ôi sáng Xuân nay, Xuân Bốn Mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về… Im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ…
Trước mùa Xuân năm 1941, Cách mạng Việt Nam dường như vẫn chưa nhìn rõ, thật đúng, thật đủ con đường hướng về phía trước. Bằng chứng rõ rệt nhất của sự lúng túng khắc khoải là tổ chức để đoàn kết mọi lực lượng dân tộc mang cái tên vừa dài, vừa ít nghĩa, vừa chung chung: Mặt trận Dân tộc Thống nhất phản đế Đông Dương. Tên và cách đặt tên là chuyện rất đáng nghĩ, đáng bàn dù đó là mối quan tâm của bất kỳ thời đại nào. Tên gọi của Mặt trận DTTNPĐĐD vừa… sai, vừa thiếu những điều không thể thiếu! Thứ nhất, chủ nghĩa fascio (lâu nay quen gọi là chủ nghĩa phát xít) đã gây chiến tranh từ 1-9-1939 vậy sao vẫn cứ loay hoay với khẩu hiệu đấu tranh phản đế? Thứ hai, sau 11 năm cách mạng 3 nước Đông Dương có rất nhiều cái chung, đến lúc này đã có nhiều điểm khác vì không thể cùng lúc, đồng thời đấu tranh như nhau được nữa. Đặc thù riêng đòi hỏi phải có cách đi riêng, tính cụ thể hóa sát thực, gần gũi.
Thứ ba, mục tiêu phản đế, thống nhất không phản ánh được đòi hỏi cấp bách của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do. Thứ tư, trong khi thế giới phân chia thành hai phe rất rõ ràng, những nhà cách mạng Việt Nam không hề thể hiện rõ lập trường là mình đứng về phe nào nên không thể tranh thủ được sự ủng hộ của phe Đồng Minh trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa fascio. Thứ năm, tính chung chung của tinh thần đoàn kết không đủ sức mạnh, khả năng để lôi kéo tập hợp mọi lực lượng, phân hóa mọi loại kẻ thù nhằm tạo nên sức mạnh mới cho tất cả mọi người Việt Nam yêu nước.

Nói như thế để thấy rằng sự trở về của Nguyễn Ái Quốc mùa Xuân năm 1941 thực sự là “chim én đem đến cả mùa Xuân” (nguyên văn từ dùng của Bác Hồ là “báo hiệu mùa Xuân”) với động thái làm thay đổi một cách căn bản diễn trình của lịch sử. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII (khóa II) từ ngày 10 đến 19-5-1941 đã đề ra mục tiêu, phương châm, sách lược của giai đoạn cách mạng sắp tới cụ thể và chính xác.

Để đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân theo nguyên tắc không phân biệt già trẻ trai gái, tôn giáo, tín ngưỡng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đề nghị thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Mục đích tối thượng của cách mạng thật giản dị, rõ ràng: làm cho nước Việt Nam độc lập. Và, cách mạng Việt Nam là một bộ phận nằm trong phe đồng minh chống phát xít. Đây là một tuyên ngôn mới, thực sự là một bước ngoặt của sáng tạo và niềm tin của cách mạng Việt Nam. Bằng cách đặt – giải quyết vấn đề như trên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (từ Hội nghị này chính thức xuất hiện với tên gọi Hồ Chí Minh) đã đem đến cả một bầu trời lộng gió mà lòng yêu nước nở đầy sáng rực như dải Ngân Hà. Ai cũng có thể đứng vào hàng ngũ Việt Minh để chống lại chủ nghĩa fascio – kể cả công chức, quan chức người Pháp, nhân sĩ, thân sĩ yêu nước…

Một trong những lợi ích vô giá của việc khẳng định dứt khoát tính chính nghĩa của cách mạng Việt Nam là việc tuyên bố đứng trong phe Đồng Minh – có nghĩa là thành quả của Cách mạng Tháng Tám sau này mặc nhiên được phe Đồng Minh tôn trọng. Đó là chưa nói sự hỗ trợ của quân đội Mỹ về thuốc men, quân trang, quân dụng, huấn luyện trong những năm 1943 - 1945 đối với lực lượng cách mạng là sự hỗ trợ, liên kết đầu tiên của cách mạng Việt Nam với một nước thứ hai. Tiếc rằng, những bất đồng và nghi ngại, sự chưa hiểu hết từ hai phía đã làm cho quan hệ Việt - Mỹ, cực kỳ hiệu quả trong chiến tranh thế giới thứ hai đã lụi yếu dần và thực sự đã chấm dứt sau tháng 10-1949.

Nguyễn Ái Quốc đã trở về với Tổ quốc Việt Nam dấu yêu sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, trong đó, có 10 năm hết sức cam go, vất vả. Vẫn còn rất nhiều điều để nghĩ suy, tìm hiểu và lý giải… Tất nhiên, sẽ đến ngày lịch sử phải trả lời cho chính nó câu hỏi: Vì sao lại thế? Nguyễn Ái Quốc trở thành Hồ Chí Minh, An Nam trở về với tên gọi có từ hơn 100 năm là Việt Nam (1802); đồng bào cả nước trở về với tổ tiên, truyền thống… Tất cả đã hội tụ dưới lá cờ Việt Minh, hội tụ xung quanh Người để tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại làm nên cuộc cách mạng phi thường mùa Thu năm 1945.

Ôn lại lịch sử để thấy rằng có những điều tưởng chừng như đã hiểu đúng, thực ra, mỗi chúng ta vẫn chưa hiểu rõ, bao giờ. Nhân cách sáng ngời của sự mẫn tiệp, tầm nhìn nhạy cảm đi trước thời đại của Hồ Chí Minh khi Người trở về Tổ quốc mùa Xuân năm 1941 vẫn mãi là sự thao thức của hàng triệu tâm hồn Việt. Sẽ không khi nào các thế hệ sau có thể chiết giải thật đúng và thật đủ tầm vóc lớn lao của một thiên tài. Có thể nói trong cái nghĩa rất hạn hẹp rằng, thiên tài giống như một thi phẩm tuyệt tác: Càng đọc càng thấy sâu sắc; càng lâu, càng hiểu rõ hơn cái ý vị, cái hương sắc, cái “để lại cho muôn ngàn cách hiểu” của thi ca. Chính vì thế, những bài thơ hay quyện mãi với thời gian để trở thành bất tử trong mọi không gian. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, cứ mỗi mùa Xuân đến, cùng với hoa mai, hoa đào rực nở, chúng ta lại nhớ đến – ngẫm suy về những mùa Xuân diệu kỳ năm 1930, 1941. Cả hai mùa Xuân ấy đều gắn liền với sự trở về của niềm tin và hạnh phúc từ con người lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

HÀ VĂN THỊNH

Đọc thêm