“Vườn hoa Đại tướng” trên đảo Sơn Ca

(PLO) - Đến đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa, ngoài cảm phục những người lính kiên cường trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, khách từ đất liền còn ngỡ ngàng trước vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhiều loài hoa khoe sắc rực rỡ.
 Đoàn công tác từ đất liền trước đảo Sơn Ca.
Đoàn công tác từ đất liền trước đảo Sơn Ca.
 Vườn hoa ấy không chỉ khẳng định việc làm chủ cuộc sống ở nơi thừa nắng, thừa gió, thiếu nước ngọt, hiếm rau xanh mà còn là tình cảm tri ân người Anh Cả lực lượng vũ trang nhân dân của cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca anh hùng.
Hoa giống vượt sóng ra đảo
Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đầu năm 2014, Ban Chỉ huy đảo Sơn Ca đã triển khai kế hoạch xây dựng “Vườn hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp” ngay trong khuôn viên đơn vị. Nhưng giống hoa ở đâu ra, cách trồng hoa thế nào ở nơi khí hậu khắc nghiệt này, trong khi bộ đội chỉ biết trồng các loại rau xanh? Ban Chỉ huy đảo họp bàn, xác định: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải trồng cho bằng được vườn hoa, đó vừa là nhiệm vụ, vừa thể hiện tình cảm tri ân đối với Đại tướng”.
Tháng 3/2014, hơn 20 chuyến tàu từ đất liền chở đoàn công tác vượt sóng ra khơi. Trên mỗi chuyến tàu ấy, ngoài hàng hóa, quà tặng còn có nhiều chậu hoa giống được các chiến sĩ mang ra đảo theo “đơn đặt hàng” từ trước. Tuy “tháng ba bà già đi biển”, sóng yên biển lặng, thời tiết khá thuận lợi song chuyển được những bồn hoa giống lên đảo không hề dễ. 
Bởi đối với hàng hóa, khi chuyển xuống xuồng đưa lên đảo nhỡ có dính nước biển cũng chẳng hề gì, nhưng đối với cây hoa giống, nhiễm nước mặn coi như bỏ đi hoàn toàn, nhất là những loài hoa như cúc vàng, lay ơn. Do vậy, công đoạn chuyển hoa từ đất liền ra đảo gặp không ít khó khăn. Trung úy Vương Huy Thọ, Tổ trưởng Tổ chăm sóc “Vườn hoa Đại tướng” cho biết, do điều kiện vận chuyển xa, dài ngày trên biển nên việc giữ cho rễ cây tươi trong điều kiện sóng gió, muối mặn phải được đặt lên hàng đầu. Chẳng cần giống hoa to, mà chỉ cần cây nhỏ, bỏ vào cóc ba lô là được, miễn sao đem ra đảo cây hoa còn tươi sống. 
Một góc “Vườn hoa Đại tướng” ở đảo Sơn Ca.
 Một góc “Vườn hoa Đại tướng” ở đảo Sơn Ca. 
Sau khi hoa giống được tập kết tại đảo, công đoạn thứ hai là ươm giống và chăm bón. Đất trồng hoa ngoài đem từ đất liền ra, còn được đào lên từ lòng đảo. Hàng trăm ngày công chiến sĩ được huy động. Sau những giờ huấn luyện “lăn, lê, bò, trườn”, các chiến sĩ trẻ đem cuốc chim đi đào đất nguyên thủy trong lòng đảo. Đó là loại đất không nhiễm mặn, không lẫn sỏi cát. Trên bề mặt trải đất xốp mùn, phía dưới lót đất thịt từ đất liền đem ra để giữ độ ẩm. Những loài hoa cúc, lay ơn, hoa giấy được trồng theo phân khu. Vây quanh vườn hoa 200 mét vuông là những phiến đá san hô đủ mọi hình thù được các chiến sĩ đem về từ triền đảo. Ở giữa là khối khoa cúc vàng tạo hình ngôi sao vàng năm cánh. 
“Để có được vườn hoa mang tên Đại tướng giữa Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đã tận dụng thời gian hai ngày nghỉ cuối tuần và sau giờ huấn luyện để xây dựng. Làm Vườn hoa Đại tướng là một trong 4 tiêu chí xây dựng đảo vững mạnh, vừa là tình cảm của cán bộ chiến sĩ đối với người Anh Cả của quân đội. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng”, Trung tá Bùi Xuân Lệ, Chính trị viên đảo Sơn Ca chia sẻ.
Công viên văn hóa giữa đảo xa
Cho đến bây giờ, sau hơn một năm “Vườn hoa Đại tướng” được hoàn thành kể từ tháng 2 năm 2014, song giây phút hân hoan xúc động vẫn còn đọng mãi trong trái tim mỗi người lính đảo Sơn Ca. Giữa biển đảo bao la, cán bộ, chiến sĩ và khách từ đất liền tập trung trước vườn hoa mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả một lòng thành kính nghiêng mình. Đêm trước ngày khánh thành Vườn hoa Đại tướng, cả đảo hầu như không ngủ. Nhiều chiến sĩ trẻ đàn hát thâu đêm chờ trời sáng. Ai cũng muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa, coi đó như nghĩa cử, tình cảm đối với Đại tướng.
Các chiến sĩ đảo Sơn Ca vui văn nghệ cùng ca sĩ đến từ đất liền.
Các chiến sĩ đảo Sơn Ca vui văn nghệ cùng ca sĩ đến từ đất liền.
 
Sau khi hoàn thành, “Vườn hoa Đại tướng” trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện giữa các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Đây cũng chính là nơi giáo dục truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; kể chuyện truyền thống về các anh hùng liệt sĩ Trường Sa đã anh dũng ngã xuống giữa lòng biển mẹ. Để đảo Sơn Ca mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm tình quân dân như ngày hôm nay, nhiều người lính Trường Sa đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chính truyền thống ấy như mệnh lệnh không lời thúc giục những người lính đảo Sơn Ca viết tiếp bản hùng ca mà các thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam để lại.
Trong “Vườn hoa Đại tướng” có nhiều loại hoa, trong đó có những cây cổ thụ lâu năm vận chuyển từ đất liền ra trồng. Những cây cổ thụ ấy biểu trưng cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi trước vươn bóng trên trời cao, xung quanh là những cây non xanh, đại diện cho thế hệ trẻ đảo Sơn Ca hôm nay luôn sẵn sàng bám đảo, giữ biển trời trong mọi tình huống. 
Trung úy Vương Huy Thọ, Tổ trưởng Tổ chăm sóc vườn cây cho biết: “Khu vườn được chăm sóc bằng chế độ đặc biệt, vào mùa khô cây cối vẫn xanh mướt do hệ thống dẫn nước từ khu vực khác về khu vườn để tưới, chăm sóc nên cây tươi tốt. Nhưng về mùa gió biển khắc nghiệt, mang theo nhiều hơi nước muối vào, cây cối trên đảo bị khô cháy hết lá, chỉ có cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba mới chịu nổi, còn các loài cây khác phải che chắn thì mới phát triển được, cho nên việc trồng và chăm sóc cây ở đảo cũng là một nhiệm vụ không kém phần gian nan, vất vả. Mỗi chiến sĩ mới ra đảo làm nhiệm vụ đều đem theo một cây hoa ra trồng. Chiến sĩ nào trước khi hết nghĩa vụ về đất liền đều trồng một cây hoa, coi là một nghĩa cử, tri ân đối với Đại tướng”.
Hiện “Vườn hoa Đại tướng” ở đảo Sơn Ca vừa là điểm hẹn tâm tình, vừa là công trình văn hóa thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ. Sau một ngày huấn luyện lăn, lê, bò, trườn trên sỏi cát, những lúc nhớ đất liền sau ca gác trong sương biển gió gào, đến “Vườn hoa Đại tướng” lòng cảm thấy thêm yêu biển, đảo, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc./.