Nhờ toà, chó được minh oan

Xét xử là nhiệm vụ của toà án. Kết quả của việc xét xử đúng người đúng tội là kẻ phạm tội bị vạch trần và trừng trị. Nhưng đồng thời, kết quả xét xử của toà án cũng còn là minh oan và gột rửa tai tiếng cho kẻ khác. Mới rồi ở nước Đức, một toà án đã làm chuyện xưa nay chưa từng thấy là minh oan cho một con chó.

Xét xử là nhiệm vụ của toà án. Kết quả của việc xét xử đúng người đúng tội là kẻ phạm tội bị vạch trần và trừng trị. Nhưng đồng thời, kết quả xét xử của toà án cũng còn là minh oan và gột rửa tai tiếng cho kẻ khác. Mới rồi ở nước Đức, một toà án đã làm chuyện xưa nay chưa từng thấy là minh oan cho một con chó.

Chuyện như thế này: một người đàn ông 50 tuổi bị kết tội giết vợ và bị tuyên phạt 8 năm tù. Toà án tối cao Đức đã bác bỏ bản án này với lập luận người đàn ông đã say rượu đến mức chỉ có thể đã sát hại vợ do say rượu không làm chủ được bản thân chứ không chủ ý và yêu cầu toà án cấp dưới xét xử lại. Toà này giữ nguyên bản án cũ, cho dù không còn buộc tội anh ta chủ ý giết vợ.

Điều thú vị hiếm thấy là trong lần xét xử này, luật sư của bên bị cho rằng người vợ đã bị chính con chó nặng 35 kg của mình đè chết. Bằng chứng được luật sư bảo vệ đưa ra là loài chó to lớn này thường vẫn đè chết chính những đứa con của chúng.

Các vị thẩm phán viện dẫn kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy người vợ bị bóp cổ cho đến chết, vết tím vẫn còn hằn ở hai bên cổ để bác bỏ lập luận của luật sư bảo vệ cũng như việc đổ tội cho con chó. Họ không bác bỏ việc loài chó to lớn này có lần đề chết con mình, nhưng không chấp nhận hiện tượng đó là bằng chứng để buộc tội con chó đã đè chết chủ, nhất là khi kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy người phụ nữ đã bị bóp cổ chết chứ không phải bị đè chết. Con chó nhờ thế mà đã được minh oan.

Cái khôi hài ở vụ việc này không phải là phán quyết ấy của toà, mà ở chỗ bên bị chủ định trốn tội bằng cách đổ tội cho một con vật. Trong thực tế cuộc sống vốn không thiếu những  con vật làm con người thiệt mạng, nhưng chúng làm sao có thể tự bào chữa được cho mình trước pháp luật của con người trong trường hợp chúng bị oan và thấm thía được mức độ phạm tội trong trường hợp là thủ phạm đích thị.

Thật khó có thể hình dung được phản ứng và cảm nhận của công chúng và dư luận về thế giới tư pháp nếu biện luận của bên bị được toà án này chấp thuận.

Ở Phương Đông có câu tục ngữ: "Hòn đất mà biết nói năng/ Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn". Còn trong vụ việc này, nếu con chó kia biết cảm nhận và có thể suy xét thì không biết nó cảm nhận gì về phán quyết của toà, nghĩ gì về việc đổ lỗi và buộc tội của phía bị đơn.

Thiên Lang

Đọc thêm