Nhớ về ngày 29-3-1975

... Ta điểm trúng huyệt Buôn Mê Thuột, địch rúng động, tê liệt trên toàn chiến trường. Lực lượng ta hùng mạnh đủ sức khống chế toàn bộ Tây Nguyên, địch không cách gì chống đỡ nổi. Thiệu lúng túng, bị động, ngày 14-3 quyết định rút bỏ Tây Nguyên, co cụm về giữ đồng bằng duyên hải miền Trung. Ngày 16-3-1975, địch bắt đầu tháo chạy, bỏ cả Kon Tum, Gia Lai.

... Ta điểm trúng huyệt Buôn Mê Thuột, địch rúng động, tê liệt trên toàn chiến trường. Lực lượng ta hùng mạnh đủ sức khống chế toàn bộ Tây Nguyên, địch không cách gì chống đỡ nổi. Thiệu lúng túng, bị động, ngày 14-3 quyết định rút bỏ Tây Nguyên, co cụm về giữ đồng bằng duyên hải miền Trung. Ngày 16-3-1975, địch bắt đầu tháo chạy, bỏ cả Kon Tum, Gia Lai.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu)

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975. (Ảnh tư liệu) 

Tin tức chiến thắng dồn dập và sự tấn công của quân ta ở Tây Nguyên, Thừa Thiên-Huế, các tỉnh duyên hải miền Trung, sự bối rối, hoang mang của quân địch, lôi cuốn các hãng thông tấn phương Tây đưa tin, dự đoán, bình luận làm nức lòng quân dân ta, cũng vừa là đòn tấn công gây hoang mang, rã rời hàng ngũ địch.

Theo dõi chiến trường, đồng chí Võ Chí Công (Năm Công), Bí thư Khu ủy Khu 5 trên đường vào thị xã Pleiku định lên Buôn Mê Thuột để gặp đồng chí Văn Tiến Dũng nhận chỉ thị của Bộ Chính trị… Khi vào đến Pleiku, đồng chí lại điện cho đồng chí Văn Tiến Dũng, xin không vào Buôn Mê Thuột nữa mà quay về lo giải phóng đồng bằng. Đồng chí xin ý kiến của Bộ Chính trị và đồng chí Văn Tiến Dũng: “Địch sẽ rút bỏ đồng bằng Khu 5 và Trị Thiên, ta phải huy động toàn bộ lực lượng tấn công ngay, hướng tấn công chủ yếu là thành phố Đà Nẵng và Quy Nhơn”.

Ngày 20-3-1975, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà nhận được điện của anh Năm Công: “Tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẽ chuyển hướng chiến trường về phía Quảng Đà”.

Ngày 21-3-1975, Thường vụ Khu ủy triệu tập toàn Ban Thường vụ Đặc Khu ủy lên nhận chỉ thị mới. Trước khi đi, chúng tôi bàn với Văn phòng triệu tập cuộc họp Thường vụ mở rộng vào ngày 24-3-1975, phân công đồng chí Phan Văn Nghệ (Đặc khu ủy viên-Phó ban thành phố) khởi thảo kế hoạch khởi nghĩa Đà Nẵng; đồng chí Lê Văn Nhẫn (Phó Văn phòng Đặc khu ủy) khởi thảo kế hoạch giải phóng nông thôn. Ban Tuyên huấn viết lời kêu gọi khởi nghĩa.

Đồng chí Võ Chí Công – Bí thư Khu ủy nói ngắn gọn về diễn biến và nhận định tình hình chung toàn chiến trường, nhận định khả năng địch rút bỏ Huế, co cụm về Đà Nẵng, thời cơ giải phóng Đà Nẵng đã đến. Đồng chí đề ra 3 phương án. (1)

Sáng ngày 28-3-1975, anh Hồ Nghinh và anh Trần Thận đón anh Năm Công xuống Quảng Đà. Anh Năm Công phổ biến kế hoạch các mũi tiến công của Sư đoàn 2 ở phía nam, Sư đoàn 304 hướng tây nam, Quân đoàn 2 ở phía Hải Vân. Hướng tiến công chiếm lĩnh xã Hòa Hải (Hòa Vang), Sơn Trà chặn đường rút lui của địch ra biển do các Trung đoàn 96 và 97 của Mặt trận 4 Quảng Đà. Anh nói: “Đêm 29-3, các đơn vị phải tiếp cận các mục tiêu để rạng sáng ngày 30-3-1975 nổ súng tiến công đánh chiếm thành phố”.

Trong ngày 28-3-1975, tác động bởi chiến trường chung, quân địch ở Đà Nẵng với quân số hơn 10 vạn tên hoang mang đến cực độ, tình thế giải phóng Đà Nẵng sớm hơn quy định, không đợi đến ngày 30 hoặc 31-3-1975 như dự kiến trước.

Chiều ngày 28-3-1975, sau khi làm việc lần cuối với anh Năm Công, đồng chí Trần Thận, Bí thư Đặc Khu ủy từ căn cứ trú quân tại Mặt Rạng vượt qua chốt điểm Nổng Đế và Dương Thông xuống Thọ Xuyên (thuộc xã Xuyên Thanh-Duy Xuyên) ra thôn La Thọ Bắc (xã Điện Hòa), nơi đặt bộ phận tiền phương của Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đoàn gồm có Ngô Hạnh, chuyên viên văn phòng; cơ yếu, điện đài và đồng chí Đoàn Hữu Hà, Trần Kim Thoa (cảnh vệ), Đoàn quân sự Mặt trận 4 có đồng chí Phan Hoan, Tư lệnh; Trần Quang Hải, Tham mưu trưởng; Lê Công Thạnh, Phó Chính ủy, dẫn đầu cùng cán bộ tùy tùng, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía nam (do 2 Trung đoàn 96 và 97 của Mặt trận 4 đảm nhận), phối hợp mở cuộc tiến công vào Đà Nẵng trưa ngày 29-3-1975.

Đoàn thứ hai, do đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 dẫn đầu, gồm các ban, ngành và bộ phận tiền phương của Khu ủy theo hướng xã Xuyên Trà, ra quốc lộ 1 để gặp Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 đang hành tiến từ Núi Quế (đông Quế Sơn) ra Đà Nẵng vào sáng ngày 29-3-1975. Đi theo đoàn có các đồng chí Phạm Đức Nam, Trần Văn Đán (Phó Bí thư Đặc khu ủy). Văn phòng Thường vụ có đồng chí Phạm Thanh Ba, Lê Văn Nhẫn và toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của Văn phòng đang đứng ở phía trước.

Đến 12 giờ trưa ngày 29-3-1975, đoàn dừng chân tạm nghỉ tại xóm Chay và nhà thờ tộc Lê, làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn.

Trước đó, vào ngày 27-3-1975, nhận được điện chỉ đạo của anh Năm Công, Thường vụ Đặc khu ủy gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho Tổng tiến công và nổi dậy Đà Nẵng. Đồng chí Trần Hưng Thừa, Thường vụ Đặc khu ủy, kiêm Bí thư Quận ủy quận Nhất Đà Nẵng đã được phân công tổ chức một bộ phận chỉ đạo nội thành cùng đồng chí “lót” vào thành phố trong ngày 28-3-1975, do đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Quận ủy viên, và đồng chí Nguyễn Hiệp chạy xe Honda vào phái Nhì (xã Điện Hòa) đón đồng chí Thừa vào thành phố.

Chớp thời cơ thuận lợi nhất, kẻ địch như rắn mất đầu (Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 bỏ chạy), quần chúng thì nô nức vùng dậy, vào lúc 6 giờ ngày 29-3-1975, tại nhà cơ sở số 245 Phan Châu Trinh, đồng chí Trần Hưng Thừa triệu tập cuộc họp khẩn cấp có đầy đủ 30 cán bộ chủ chốt của các Ban khởi nghĩa. Sau khi đánh giá tình hình địch-ta tại chỗ, xác định thời cơ có một không hai, đồng chí phát lệnh khởi nghĩa.

Đồng thời, đồng chí Trần Hưng Thừa gửi thư hỏa tốc và giao đồng chí Nguyễn Hiệp (cán bộ quận Nhất) phóng xe Honda vào Quán Thị - Hà Tây (xã Điện Hòa) gặp đồng chí Lê Văn Huấn, Phó Bí thư quận Nhất. Hai người cùng đến phái Nhì (xã Điện Hòa) gửi anh Hiệp ở lại nhà dân, đồng chí Huấn đem thư đi giao cho đồng chí Bí thư Trần Thận.

Nội dung thư, đồng chí Trần Hưng Thừa viết: “Ngô Quang Trưởng cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 chiến thuật đã bỏ chạy ra Hạm đội 7 lúc 20 giờ 30 ngày 28-3-1975. Địch vô cùng rối loạn, không còn sức chống cự, thành phố gần như bỏ ngỏ. Đề nghị đưa lực lượng vũ trang vào giải phóng thành phố, không chờ đến ngày 31-3-1975. Bên trong nội thành, chúng tôi phát lệnh khởi nghĩa phối hợp với bên ngoài giải phóng thành phố”.

Như vậy, sáng ngày 29-3-1975, đồng chí Trần Hưng Thừa đã phát lệnh khởi nghĩa cho các lực lượng biệt động, tự vệ phối hợp với các ban khởi nghĩa huy động nhân dân nổi dậy chiếm các công sở, nhà máy, phá nhà lao giải thoát tù chính trị làm nòng cốt nổi dậy, lần lượt giành chính quyền, làm chủ hầu hết các phường, khóm trong thành phố. Đến 11 giờ 30 ngày 29-3-1975, đội biệt động quận Nhất đã làm chủ và cắm cờ giải phóng trên nóc Tòa nhà Thị chính Đà Nẵng, trước khi đại quân ta tiến vào thành phố
.
… Nhận được thư, tôi (Trần Thận) và anh Phan Hoan đã trao đổi và nhất trí với anh Trần Hưng Thừa. Chúng tôi điện xin ý kiến anh Năm Công và anh Hai Mạnh (tức đồng chí Chu Huy Mân-Tư lệnh Quân khu 5): Đề nghị cho quân vào thành phố ngay” (2). Đến 11 giờ thì nhận được điện chấp thuận của anh Năm Công và Hai Mạnh.

Anh Phan Hoan ra lệnh cho bộ đội xuất quân. Từ La Thọ Bắc tiến đến quốc lộ 1, chúng tôi gặp anh Phạm Đức Nam đi truyền đạt ý kiến anh Năm Công: Chiều nay tổ chức đưa xe ra đón anh Năm Công vào thành phố.

Ngoài tác động chung của toàn chiến trường miền Nam địch tan rã nhanh chóng, tình thế giải phóng Đà Nẵng đã quyết định sớm hơn quy định thì tại nội lực Đà Nẵng, sự nổi dậy của quần chúng nhân dân là nguồn sức mạnh để làm chủ thành phố.

… Lúc 13 giờ 30, cánh quân đi đầu của Quân đoàn 2 vượt qua cầu Trịnh Minh Thế thọc ra bán đảo Sơn Trà. Các cánh quân của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) cùng cánh quân đi đầu của Quân đoàn 2 (Bộ Tổng) và Trung đoàn 97 (Quảng Đà) đã hội quân tại trung tâm bán đảo Sơn Trà vào lúc 15 giờ ngày 29-3-1975, sau khi đã giải giáp hơn 10 vạn quân ngụy.

Ngày 25-4-1975, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn điện mời đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 ra Hà Nội báo cáo tình hình giải phóng Khu 5 cho Bộ Chính trị nghe. Anh Phạm Đức Nam được anh Năm Công chỉ định đi theo để báo cáo tình hình Đà Nẵng.

14 giờ ngày 26-4, sau khi đến Hà Nội, đoàn đến ngay nhà anh Lê Duẩn thăm. Vừa thấy anh Năm Công, anh Lê Duẩn ôm chầm, hôn anh Năm Công hồi lâu:

- Anh giỏi quá, vận dụng đại tài, linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết Bộ chính trị, giải phóng hoàn toàn Khu 5, làm tan rã hàng chục vạn quân ở Đà Nẵng, tạo thuận lợi cơ bản cho giải phóng Sài Gòn sắp tới” (3).

LÊ VĂN NHẪN

(Nguyên Phó Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà)

(1) Phương án I: Khi thành phố Huế và Tam Kỳ được giải phóng, địch bên trong Đà Nẵng rối loạn, quân chủ lực của ta chưa kịp có mặt. Trong thời cơ đó thì Quảng Đà phải huy động toàn bộ lực lượng vũ trang, chính trị tại chỗ, kịp thời tấn công, nổi dậy giải phóng thành phố.

- Phương án II: Có lực lượng Sư đoàn 2 phối hợp sau giải phóng Tam Kỳ tiến ra Đà Nẵng và Sư đoàn 304 đang đứng chân ở Thượng Đức sẽ từ phía tây nam đánh xuống.

- Phương án III: Giải phóng Đà Nẵng bằng lực lượng chủ lực cơ động của Bộ Tổng tham mưu phải chờ sau giải phóng Huế mới tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Phương án này phải có thời gian chuẩn bị để bảo đảm công tác hậu cần.

(2) Điện khẩn của đồng chí Trần Thận, trong tập Đà Nẵng Xuân 1975. NXB Đà Nẵng, 2000. tr. 15.

(3) Anh Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN và anh Phan Đấu (Thư ký đồng chí Võ Chí Công) thuật lại.

Đọc thêm