Nhọc nhằn đi tìm thương hiệu thời trang Hải Phòng

Hải Phòng là một thành phố lớn, nhu cầu sử dụng các sản phẩm may mặc thời trang của người dân rất cao. Trong khoảng 5-10 năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang nội từng bước tạo được chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng Hải Phòng. Tuy nhiên, ngay tại thành phố, thật khó tìm ra thương hiệu của các nhà thiết kế đất Cảng để lại dấu ấn với người tiêu dùng.

Hải Phòng là một thành phố lớn, nhu cầu sử dụng các sản phẩm may mặc thời trang của người dân rất cao. Trong khoảng 5-10 năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang nội từng bước tạo được chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng Hải Phòng. Tuy nhiên, ngay tại thành phố, thật khó tìm ra thương hiệu của các nhà thiết kế đất Cảng để lại dấu ấn với người tiêu dùng.

 

Các người mẫu CLB Cung VHTT Thanh niên thành phố trong các cuộc trình diễn thời trang

Vắng bóng trên sân nhà

 

“Choáng ngợp” là cảm giác mỗi khi đi qua phố Cầu Đất, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Lợi- những nơi được mệnh danh là “thiên đường” quần áo thời trang của Hải Phòng. Không khó để nhận ra những thương hiệu có tiếng của Việt Nam như: Ninomax, Blue Exchange, May 10, Việt Tiến, Nhà Bè…cũng như một số tên tuổi của Trung Quốc. Chẳng hạn phố Cầu Đất có đến hàng chục shop thời trang mang thương hiệu của Việt Nam . Có thể xem đây là tín hiệu vui cho thị trường thời trang Hải Phòng khá sôi động, nhu cầu mua sắm ngày càng lớn, nhất là thời trang dành cho phái đẹp, rất đa dạng, phong phú, trẻ trung và giá phải chăng, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, trong vô vàn những chất liệu, kiểu dáng và thương hiệu ấy, dù tìm… “đỏ mắt” cũng khó thấy thương hiệu thời trang “made in Hải Phòng”.

 

“Nhắm mắt đưa chân” vào một số shop bán hàng Việt Nam trên phố Cầu Đất, ngỏ ý hỏi nhân viên bán hàng về thương hiệu thời trang Hải Phòng, chúng tôi chỉ nhận đước cái lắc đầu cùng với ánh mắt đầy ngạc nhiên (chắc họ nghĩ chúng tôi bị “ấm đầu”). Sau khi cất công và “lì mặt” hỏi thăm gần chục cửa hàng, cuối cùng chúng tôi có được thông tin, mặc dù khá “mù mịt”: trên đường Lạch Tray có cửa hàng May Hai - thương hiệu thời trang của Hải Phòng. Hăm hở tìm đến nơi (gần như là duy nhất Hải Phòng), cảm giác thất vọng ùa đến. Lèo tèo vài chiếc áo quần treo trên giá, mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu, hơn nữa chủ yếu là thời trang dành cho nam giới, cũng chẳng thấy bóng dáng khách mua hàng. Tủi thân cho một thương hiệu thời trang của Hải Phòng, dù “nổi đình đám” trong việc xuất khẩu lại “chết yểu” trong cạnh tranh ngay ở mảnh đất quê hương, trước sự bùng nổ của những hãng thời trang “du nhập” từ các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế…

 

Buồn bã ra về cùng với suy nghĩ: thành phố với dân số hơn 1,8 triệu người như Hải Phòng, một thị trường đầy tiềm năng đối với ngành thời trang, chẳng lẽ không có nổi một thương hiệu thời trang nổi tiếng, đặc biệt là thời trang nữ(!?). Không lẽ, thị trường thời trang Hải Phòng lại bỏ mặc cho hàng ngoại nhập và các thương hiệu có tiếng trong nước chiếm lĩnh?.

 

Vì sao không chịu “lớn”?

 

Trong khoảng 5-10 năm gần đây, nhiều thương hiệu thời trang nội dần có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng Hải Phòng, như Ninomaxx, Blue Exchange, May 10, Nhà Bè…Câu hỏi đặt ra, vì sao thời trang Hải Phòng mãi không chịu “lớn”?.

 

Theo ông Vũ Ngọc Quý, Phó giám đốc Cung văn hóa thể thao Thanh Niên Hải Phòng- nơi đào tạo người mẫu thời trang của thành phố- nguyên nhân của tình trạng này do hoạt động biểu diễn thời trang tại thành phố khá èo uột, may lắm được vài ba “sô diễn” một năm. Thiếu “đất diễn” nên nhiều người mẫu có chút tên tuổi rời bỏ thành phố để đến “miền đất hứa” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Cùng quan điểm, chị Tuyết Vân, Trưởng phòng đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Bắc Nam- chuyên dạy về cắt may và thiết kế thời trang, đánh giá: không có sàn diễn, một sản phẩm dù tốt đến mấy cũng khó tạo được dấu ấn, tiếng vang.

 

Quả thật, tại Hải Phòng có những nghệ nhân giỏi và nhà thiết kế trẻ, nhưng sản phẩm của họ mới chỉ dừng lại ở thị trường trung cấp và may mặc nhỏ lẻ. Ngay như sản phẩm của trường dạy nghề Bắc Nam gắn liền với tên tuổi của nghệ nhân Cao Hữu Nghị- người học nghề may tại Pháp, nổi tiếng với các sản phẩm veston của Hải Phòng từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng các sản phẩm may mặc ở đây cũng chỉ là đồng phục thời trang cho nhân viên công sở, học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp may mặc lớn, nhưng dường như đều chưa quan tâm thích đáng đến thị trường trong nước.

 

Trước thực trạng này, những người hoạt động trong lĩnh vực thời trang tại Hải Phòng rất trăn trở và nỗ lực thực hiện các kế hoạch để tạo dựng được những thương hiệu thời trang. Nhưng nếu chỉ biết trông chờ vào những nỗ lực cá nhân của các nhà thiết kế e rằng chưa đủ, mà còn cần một bộ máy chuyên nghiệp cho việc kích cầu thời trang- việc làm vốn không dễ và không thể có cuộc “đổi áo” nhanh chóng. Tất nhiên, khi cách thức tổ chức, quảng bá cho các thương hiệu thời trang Hải Phòng còn mang tính nghiệp dư thì rất khó có thể nói khi nào đáp ứng được yêu cầu của một nền công nghiệp thời trang hiện đại… Hy vọng với sự nỗ lực của những người trong cuộc, thời trang Hải Phòng sớm có các sản phẩm với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người dân đất Cảng.

 

Thảo Nguyên

Ảnh: Phương Linh

Đọc thêm