Nhọc nhằn gà trống nuôi con

Hoàn cảnh không may đã đẩy một số người đàn ông vào cảnh “gà trống nuôi con”. Vừa là bố, vừa là mẹ, nhưng họ vẫn làm tròn “hai vai” bằng tình yêu con vô bờ bến…

Hoàn cảnh không may đã đẩy một số người đàn ông vào cảnh “gà trống nuôi con”. Vừa là bố, vừa là mẹ, nhưng họ vẫn làm tròn “hai vai” bằng tình yêu con vô bờ bến…

Học cách làm mẹ

Không đủ tiền chữa trị căn bệnh ung thư vú, người vợ vĩnh viễn ra đi để lại người chồng trẻ và đứa con gái chưa đầy năm tuổi. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, anh Lưu Nguyễn Hoài Trang (67/5 Tam Bình, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chạnh lòng: “Tôi đã khủng hoảng vì chưa bao giờ nghĩ đến cảnh mất vợ. Ngày chôn cất vợ, nhìn con hai tay bưng di ảnh mẹ, tôi không biết sẽ nuôi cháu thế nào”. 

Vượt qua nỗi đau, anh Trang tiếp tục làm công nhân tại Công ty TNHH Shing Việt (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) để có tiền lo cho con gái Lưu Nguyễn Thu Vân (hiện đang học lớp 4) và người mẹ tuổi 60. Lương tháng chưa đầy hai triệu, anh phải học cách chi tiêu dè xẻn để không thâm hụt, nợ nần.

Một ngày của người đàn ông 33 tuổi này bắt đầu từ mờ sáng. Sau khi giúp con gái xem lại bài vở, anh chở con đến trường rồi mới đi làm. Anh ưu tiên quỹ thời gian rảnh rỗi ít ỏi để theo dõi những chuyên mục về sức khỏe trên đài để chăm sóc con tốt hơn. Công việc của anh Trang thường tăng ca tới 20g30. Những ngày ấy, vừa về tới nhà là anh “lật đật” kiểm tra bài vở cho bé Vân để con đi ngủ sớm rồi mới làm những việc khác.

Mô tả ảnh.

Anh Trang chia sẻ: “Sắp xếp thời gian là chuyện đau đầu nhất. Nếu ngày nào cũng tăng ca đến 20g30, tôi sẽ không còn nhiều thời gian chăm sóc và kiểm tra bài vở cho con. Nếu không tăng ca thì 1,7 triệu đồng không đủ nuôi ba miệng ăn. Trong khi đó, tiền sách vở, đồng phục, tiền cơm trưa bán trú của cháu đã gần 600.000đ”.

Nhức đầu với bài toán chi tiêu, nhưng đến kỳ thi học kỳ của con, anh nhất định không tăng ca để về sớm đôn đốc con học. Phát hiện con học yếu môn nào, anh để bé trình bày lý do rồi tìm cách giải quyết.

Người cha đa năng

Cùng cảnh “gà trống nuôi con”, nhưng ông Trần Hữu Đức ở xóm cù lao Mỹ Phú, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp còn khó khăn hơn. Sau ngày vợ mất cách đây ba năm, người đàn ông khuôn mặt khắc khổ, da sạm nắng hằng ngày phải chạy xe ôm để nuôi bốn người con đang tuổi ăn học và một mẹ già 86 tuổi.

Mái nhà tranh của gia đình ông đã sập một bên vách; không gian còn lại chừng 20m2 đó chỉ đủ để kê bàn thờ vợ, và hai cái bàn được ghép từ vài ba miếng gỗ - một để tiếp khách, một để các con học bài.

Những ngày đầu đi chợ, ông ngần ngại trả giá bó rau, con cá, nhưng ngày này qua tháng khác, việc ấy đã thuần thục. Hôm nào may mắn, trong túi rủng rỉnh vài chục ngàn, ông vui lắm vì có thể lo cho con bữa cơm đầy đủ. Hôm ế, thì tới 7g - 8g tối, nhà ông mới ăn bữa cơm chiều để tránh cái đói nửa đêm.

3g sáng, ông Đức tất tả thức dậy cho đàn heo ăn. Trời tờ mờ, ông ra chợ mua thức ăn cho bữa trưa, trước khi chạy xe đón khách. Đến trưa, ông vội về nấu ăn cho các con rồi tiếp tục rong ruổi với những cuốc xe đến tối mịt. Bữa nào khách đông, ông tranh thủ chạy không kịp ăn cơm.

Chưa hết nỗi lo kiếm ăn từng bữa, ông Đức lại thức đêm triền miên khi đứa con gái đầu là Trần Thị Mỹ Ngọc bị rối loạn tâm thần. “Ngày vợ tôi mất cũng là lúc cháu Ngọc đậu đại học. Cháu bị “sốc” nên đã lâm bệnh. Nhiều đêm, nhìn con chạy ra đường gọi mẹ, tôi không kềm lòng”, ông Đức kể. Bệnh của Ngọc phải dùng thuốc khoảng sáu tháng liền, mỗi lần mua thuốc hết gần một triệu đồng. Tính tình cháu thất thường nên những hôm không có ai ở nhà, ông Đức phải ở nhà canh chừng con.

Thương cha vất vả, chị bệnh tật, các em của Ngọc đều tìm việc làm thêm để trang trải việc học, chia nhau chăm sóc bà nội bị thoái hóa cột sống và giặt quần áo, lo cơm nước cho cả nhà. Ông Đức tự hào: “Tụi nhỏ đều học tốt, tối đến đứa lớn kèm đứa nhỏ, riêng cậu con học lớp 12, tôi kèm sát hơn. Lúc vợ mới mất, tôi buồn nên hay uống rượu. Đến bữa ăn, các con góp ý, tôi thấy đúng nên bỏ rượu luôn”.

Vào những dịp đầu năm học, ông Đức như già trước tuổi với những khoản tiền xếp hàng. Ông tâm sự: “Tiền học phí, tôi thường phải chia ra đóng làm mấy bận. Năm ngoái, học phí của thằng Khoa chưa tới 200.000đ mà gần cuối năm học tôi mới đóng xong. Nhà trường hiểu hoàn cảnh nên cũng thông cảm”.

“Ba rất tuyệt vời” 

Đó là lời khen của hai cô con gái dành cho anh Nguyễn Hữu Lộc, công tác tại Phòng LĐ-TB-XH Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Đã sáu năm một mình anh Lộc bươn chải nuôi hai con gái ăn học.

Lúc vợ mất, hai con anh Lộc là Tường Minh và Minh Thư mới học lớp 10 và lớp 5. Đều đặn mỗi tuần, anh Lộc chở hai con lên thăm mộ mẹ. Khi vợ còn sống, tiền lương của vợ lo việc nội trợ, của anh lo chi phí học hành cho con nên lúc vợ mất, anh không khỏi thiếu trước hụt sau. Cứ 6g sáng, anh đi chợ mua thức ăn về nấu sẵn cho các con, sau đó chở con gái út đi học rồi mới đến cơ quan.

Nói về những vất vả của người vừa làm cha, vừa làm mẹ, anh Lộc bộc bạch: “Đàn ông không thể giỏi vun vén bằng phụ nữ. Rồi đến cách chăm sóc con, hai con gái đã lớn nên có những chuyện bọn trẻ rất cần người phụ nữ để tâm sự. Nhiều lần, hai đứa phải bàn bạc với cô, dì rồi nhờ cô dì nói lại để xin tôi tiền bạc trong những chuyện tế nhị”.

Ròng rã bảy năm, anh Lộc một mình nuôi dạy hai con nên người, oằn vai gánh những nỗi lo, nhưng chưa một lần xưng hô nặng lời với hai con. Giờ đây, cháu lớn vừa tốt nghiệp đại học, cháu út cũng đang học cuối cấp III. Sự tự hào của các con về cha là động lực lớn lao để anh Lộc vào vai “làm mẹ” xuất sắc.

Theo  PNO

Đọc thêm