Khi mọi thứ xung quanh trở nên quá tuyệt vọng, khi trở nên cảnh giác và hoài nghi tất cả, Ngọc Thu vẫn tin rằng “trường học và thầy cô sẽ giúp kéo em ra với thế giới bình thường”. Bởi vậy, em đã đạp xe suốt 30km để gõ cửa xin học cho mình...
Một cô bé mà kí ức đầu đời là những chuỗi ngày ngủ lang thang thì việc học được tới lớp 11 ở một trường phổ thông công lập ở TPHCM cũng được xem là điều kỳ diệu. Kỳ diệu hơn là suốt những năm học, bao giờ Nguyễn Thị Ngọc Thu cũng đạt loại giỏi. Năm học 2009-2010, Ngọc Thu được bầu làm Phó bí thư Đoàn trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ.
Nụ cười lạc quan vẫn nở trên khuôn mặt Ngọc Thu dù em phải chịu bao vất vả để không phải nghỉ học.
|
Trong ký ức bập bõm của mình, Ngọc Thu nhớ "ngôi nhà" mình là mảnh chiếu trải qua đêm trên vỉa hè phía sau Nhà hát thành phố, rồi ở bến Bạch Đằng (quận 1), có khi là ở dưới chân cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh). Người thân của em có khi là cha, có khi là mẹ, chứ chẳng bao giờ có đủ cả hai.
Cô bé sống lang thang như thế đến khi 6 tuổi thì được vào ở trong mái ấm Thanh Xuân trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh.
Bước ngoặt cuộc đời đến khi Ngọc Thu được một người dì ở huyện Cần Giờ nhận về làm con nuôi. Gia đình mới không ủng hộ việc đến trường nên Ngọc Thu phải tự mình đi xin học. Với em, ở nhà đồng nghĩa với việc bị cắt đứt mối dây liên hệ với mọi người. Cô bé mạnh dạn gõ cửa phòng ban giám hiệu Trường THPT Bình Khánh trình bày hoàn cảnh của mình. Vì trái tuyến nên cô bé được hướng dẫn phải về Trường THPT Lương Văn Can, quận 8 cách đó 20km để nhập học rồi xin giấy chuyển trường. Khi Ngọc Thu tìm đến nơi thì lại hết hạn nhập học, cô bé lại gò lưng đạp xe hàng chục cây số từ xã An Thới Đông, Cần Giờ lên Sở GD-ĐT TPHCM để xin học. Rút cuộc, cô bé cũng được đến trường.
Học hết học kỳ 1 ở Trường THPT Bình Khánh là một thành công lớn với Ngọc Thu khi cô bé phải tự xoay xở để có tiền sống và để đi học. Lúc đó, chú Soái, bảo vệ trường, đã cho em chiếc cặp xách, tập vở. Thầy Hưng thì cho hai cái áo đồng phục. Các thầy cô khác khi biết hoàn cảnh của Thu thì xin xe buýt không thu tiền vé của em. Sách giáo khoa thì Ngọc Thu mượn thư viện trường, học phí thì được miễn. Có được vài chục ngàn người ta cho, Ngọc Thu mua xôi ăn cho cả ngày. Bạn bè biết hoàn cảnh nên rủ Thu cùng ăn cơm chung. Có bữa nào khi dì nuôi nấu cơm còn thừa lại thì cô bé lén gói mang theo đi học.
Sống trong mái ấm từ nhỏ, nào có biết công việc của người nông dân nhưng Ngọc Thu vẫn chịu khó theo dì đi đốn lá dừa nước, bắt ốc... Mọi chuyện tưởng đâu là tốt đẹp khi Thu có được một gia đình như mong ước, có cả cha lẫn mẹ và những anh chị em trong nhà. Những lần va chạm xung đột với những đứa con của dì mở đầu cho những tháng ngày căng thẳng sống trong ngôi nhà của mẹ nuôi. Lúc đầu là nói xa nói gần, sau dì nói thẳng: “Tao nuôi mày là để mày đi làm chứ không phải để đi học. Muốn đi học thì ở nơi khác”. Sang học kỳ 2 năm lớp 10, Ngọc Thu quyết định bỏ đi khỏi nhà dì nuôi và đến ở trong nhà mở Tam Thôn Hiệp vốn dành cho con những người giữ rừng ở Cần Giờ.
Hiện nay, cha Ngọc Thu đi làm xa họa hoằn mới về. Ngoài khoản học phí được miễn, Ngọc Thu phải tự xoay sở những chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Cô Phó bí thư Đoàn trường Ngọc Thu (giữa) được nhiều bạn bè nể phục.
|
Ngọc Thu mong mỏi sau này phải đậu đại học và đi làm có một công việc ổn định. Cô bạn nuôi ước mơ kiếm tiền xây một căn nhà thật lớn cho những em bé hoặc những cụ già lang thang, nghèo đói hoặc bất cứ ai muốn vào ở khi bị con cái bạc đãi.
Theo Dân trí