Nhọc nhằn nghề buôn… "một góc con người"

Tới làng Đông Bích (Đông Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh) hỏi thăm cánh lái buôn tóc, dân làng ai cũng cười. Họ bảo, từ già tới trẻ, chẳng kể đàn ông hay đàn bà, đã là người làng Đông Bích thì đều được coi là một “tay buôn” có hạng.

Tới làng Đông Bích (Đông Thọ, Yên Phong, Bắc Ninh) hỏi thăm cánh lái buôn tóc, dân làng ai cũng cười. Họ bảo, từ già tới trẻ, chẳng kể đàn ông hay đàn bà, đã là người làng Đông Bích thì đều được coi là một “tay buôn” có hạng.

Dân quanh vùng vẫn trầm trồ nể phục dân làng Đông Bích bởi nơi đây chả thiếu nhà cao tầng. Vậy nhưng, những vui  buồn trong công việc của cánh thương lái tóc thì không phải ai cũng hiểu hết được. Với người trong làng, đó là những ngày nhọc nhằn ngược xuôi trên những con đường đầy bụi cát, ăn nhờ ở trọ để rêu rao, lượm lặt mua về “một góc con người.”

Lang bạt nghiệp “lấy đường làm nhà”

Người dân làng Đông Bích vẫn tự hào nói với nhau rằng, dấu chân của họ đã in trên những con đường của mọi miền Tổ quốc, nơi nào có tóc là ở đó có người dân nơi đây.

Chị Phạm Thị Hiếu đang lấy trong hòm đựng tóc ra mặt hàng mà chị mới mua được từ chuyến hành trình Cao Bằng về.

Theo người dân trong làng, nghề buôn tóc manh nha ở đây từ năm 1998, sau khi nghề thu gom phế liệu lụi dần. Lúc đầu chỉ là một vài hộ “cả gan” bỏ làng, bỏ xã đi thu gom tóc ở các vùng lân cận về bán cho các cửa hàng tại Hà Nội. Thế rồi không biết từ bao giờ, cả làng chuyển hẳn sang nghề này.

Tiếp chuyện chúng tôi trong gian nhà cấp 4 cũ kĩ, chị Phạm Thị Hiếu vẫn còn lấm lem bụi đất sau chuyến đi dài hai tháng lên Cao Bằng gom tóc. Chị kể rằng,  mấy năm gần đây, nếu không lặn lội đi xa thì nghề này không có cơm ăn là cái chắc.

Nếu như trước kia, người dân Đông Bích chỉ quanh quẩn mấy tỉnh lân cận hoặc lặn lội lên những phiên chợ vùng cao mua tóc thì nay họ còn phải “lặn ngụp” sang tận Lào, Campuchia mới mong có hàng.

Do không phải chủ buôn lớn nên công việc mua bán tóc chị phải tự cất công đi thu gom. Ít thì đi rong ruổi hai ngày, nhiều có khi cả mấy tháng trời.

“Tất cả các chi phí sinh hoạt dọc đường mình phải tính toán cẩn thận, gặp được người bán thì lãi được vài đồng nếu không thì lỗ nặng,” chị Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Tiến Trung, 60 tuổi, một chủ buôn tóc có tiếng lâu năm trong làng nhớ lại chuyến đi mua tóc tận đảo Phú Quốc.

Quá chán ngán cảnh “hói” tóc dài ngày, ông Trung bạo dạn mò tận ra đảo, đi tàu biển mất ba ngày, lặn lội hàng tháng rong ruổi trên đảo để gom hàng.

Ông Trung cho biết: “Có khi đi mấy trăm kilômét đường mà cũng chẳng có cọng tóc nào, nhiều lúc đi mua hàng ở nơi xa về nhưng không bán được giá lại đành ngậm ngùi "ươm" trong hòm.”

“Nhiều lần tại các tỉnh, thành rộ lên chuyện bắt cóc trẻ con, mọi người lại đổ lỗi cho chính những người buôn tóc chúng tôi. Đến nơi, vừa cất tiếng rao đã bị họ đánh chửi xơi xơi mà chẳng dám cãi lại,” ông Trung cười nhăn nhó.

Thu mua được vẫn chưa xong, nếu muốn bán được giá, cánh lái buôn còn phải biết “lên đời” cho từng lọn tóc

Anh Thắng, người đã có 6 năm kinh nghiệm phiêu bạt với nghề, tâm sự: “Việc đầu tiên là phải phân loại tóc rồi sau đó chỉnh trang lại cho tóc thẳng bằng từng công đoạn như: gội, duỗi, chải tóc và hong khô tóc.”

Theo anh Thắng, tóc chủ yếu có hai loại là tóc cái [tóc dài và dày-PV] và tóc tỉa. Giá cả tùy thuộc vào độ dài, cân nặng và độ mượt nhưng đắt nhất vẫn là tóc cái.

Chui xuống đáy giếng… mò tóc

“Muốn làm lái buôn tóc giỏi, trước hết phải là tay cắt tóc có nghề”, người làng Đông Bích vẫn thường bảo nhau như thế.

Thì ra, cánh phụ nữ bán tóc thường yêu cầu người mua phải cắt tỉa theo đúng mốt hoặc chí ít cũng phải ngay ngắn đâu ra đấy thì mới chịu bán.

Tâm sự về cái nghiệp bôn ba cả đời người thương lái tóc, anh Thắng bảo, cái nghiệp này ấy vậy cũng vô khối chuyện dở khóc dở cười.

Ngày ấy, anh vào Bình Dương mua tóc theo sự đặt hàng của tiệm cắt tóc. Đến khu tập trung hàng, anh mới giật mình nhận ra tóc được “giấu” trong… giếng cạn sâu tới 10m.

Trèo từng bậc thang xuống giếng tối hun hút, chỉ có chiếc đèn pin trên tay, vừa mò mẫm dò đường anh vừa cảm thấy  lành lạnh nơi sống lưng, tóc gáy tóc mai dựng ngược cả lên.

Anh Thắng bảo, anh vẫn nhớ cái cảm giác trượt dài rồi ngã lăn lông lốc khi vừa hăm hở chui xuống giếng.

“Giếng cũ nên thành đầy rêu, vừa ẩm lại trơn tuột, trời đất lúc đó tối sầm lại, mất một lúc tôi mới tỉnh dậy được,” anh Thắng cười hỉ hả khi nhớ lại kỷ niệm “oanh liệt”.

Anh Thắng còn kể rằng, dưới giếng không khí ẩm thấp quện với mùi tóc phả lên rất khó chịu. Khi nhồi tóc vào trong bao tải, tóc ngắn nên bay vào làm mắt tối sầm, nhồi được bì nào lại thả dây câu lên. Mất hai tiếng anh mới thu dọn xong được tóc dưới đáy giếng.

Người trong làng vẫn bảo, làng Đông Bích sau Tết buồn và vắng lặng lắm. Đi khắp cả làng, đâu đâu cũng chỉ thấy toàn người già và trẻ con.

Những đứa trẻ mới sinh được 8 tháng đã cai sữa bỏ lại cho ông bà nuôi để bố mẹ chúng đi xa buôn tóc. Có nhà cả năm chỉ gặp nhau được vài ba ngày Tết còn lại trong năm thì tới 11 tháng ở ngoài thiên hạ.

Mấy năm gần đây, các chủ buôn bán tóc ở Đông Thọ đang ăn nên làm ra, nhưng họ cũng luôn canh cánh một nỗi lo là cạn nguồn nguyên liệu. Những mái tóc đẹp giờ chỉ ở những vùng quê, nơi xa xôi mới có. Và nguồn hàng này ngày một khan hiếm.

Với những người như chị Hiếu, anh Thắng và nhiều người dân làng Đông Bích, họ “thèm” được cái nghề ổn định hơn. Với cuộc sống mưu sinh trước mắt, dân làng nơi đây vẫn phải đi cắt, chăm tỉa cho cái “góc của con người”.

Theo Mạnh Hùng - Xuân Dũng

 

Đọc thêm