Nhọc nhằn nghề khoan cắt bê-tông

Mỗi lúc đi ngang qua các công trình đang được đập phá dang dở, lại thấy những người thợ cầm búa, cầm khoan khai tử từng bức tường, dầm bê-tông… họ là những người thợ khoan cắt bê-tông. Một nghề đang thịnh hành ở thành phố “công trường” Đà Nẵng.

Mỗi lúc đi ngang qua các công trình đang được đập phá dang dở, lại thấy những người thợ cầm búa, cầm khoan khai tử từng bức tường, dầm bê-tông… họ là những người thợ khoan cắt bê-tông. Một nghề đang thịnh hành ở thành phố “công trường” Đà Nẵng.

Cả làng… đi khoan cắt bê-tông

Khoan cắt bê-tông - một nghề nhọc nhằn và nguy hiểm. (Ảnh có tính minh họa)

Khoan cắt bê-tông - một nghề nhọc nhằn và nguy hiểm. (Ảnh có tính minh họa)

Lần theo số điện thoại được in vội trên một bức tường ở đường Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Phúc, ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê. Trong ngôi nhà khá khang trang mới xây xong, anh cho biết, không có trình độ, bằng cấp nên từ thời trẻ đã rong ruổi cùng nghề thợ xây. Tiền công 80 ngàn đồng/ngày nên dù làm cật lực cũng chỉ đủ kiếm sống qua ngày. Khi thành phố bắt đầu phát triển mạnh với nhiều khu vực giải tỏa, công việc đập phá, khoan cắt bê-tông trở thành cái nghề kiếm ra tiền, nên anh chuyển qua làm luôn.

 

Với số vốn ban đầu chưa đến 15 triệu đồng, anh sắm được cho mình một ít đồ nghề: máy khoan điện, máy cắt tay, búa tạ… Tích cóp từng chút một, đến nay anh Phúc đã là ông chủ của đội thợ hơn 10 người chuyên nhận khoan cắt bê-tông. Hằng ngày, ngoài tiền cơm trưa, nước uống tại công trường, anh trả cho thợ 180 ngàn đồng/người. “Nghề này chỉ cần sức khỏe, chịu khó và cẩn thận là làm được. Hiện nay số đội khoan cắt bê-tông nhỏ, lẻ như chúng tôi khá nhiều. Riêng phường Tam Thuận đã có đến 5 nhà thầu, nên anh em nào chưa có việc làm đều đi theo hết”. Anh cho biết thêm: “Anh em trong đội của tôi toàn người trong phường, nên mấy năm qua quân số lúc nào cũng ổn định”.

Quy mô hơn đội của anh Phúc, đội thợ của anh Đoàn Dũng Tiến, Đội trưởng đội thi công phá dỡ thuộc Công ty TNHH Phú Thời lên đến 40 người. Lúc cần, có thể gọi thêm thợ để bảo đảm hoàn thành được công trình. Hiện đội thợ của anh đang tham gia tháo dỡ, cải tạo công trình Bể bơi thành tích cao của thành phố.  Anh Tiến cho biết, lao động trong thành phố tham gia vào nghề này rất đông.

Hiểm nguy rình rập

Nghề khoan cắt bê-tông luôn nằm trong danh sách những nghề nguy hiểm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ đôi lúc phải đổi cả tính mạng. Có thâm niên gần 20 năm trong nghề, anh Nguyễn Vũ Thụy (phường Thuận Phước) chia sẻ: “Nghề này chẳng có trường lớp nào đào tạo, chỉ có nghề dạy nghề thôi. Nhìn tưởng dễ, nhưng để bám trụ lâu dài phải học hỏi người đi trước rất nhiều. Từ việc thắt dây an toàn sao cho bảo đảm, đến cách quan sát khối bê-tông để biết được nên đập phần nào trước cho an toàn, đỡ tốn sức... làm lâu thì thấy bình thường, nhưng chưa biết thì cực lắm”. Anh Thụy bảo, nhiều lần chứng kiến đồng nghiệp không may gặp tai nạn gãy tay, chân, thậm chí chấn thương sọ não mà run. Nhưng rồi vì miếng cơm manh áo, nên anh vẫn không bỏ nghề. Hiện anh là thành viên trong đội thợ của anh Đoàn Dũng Tiến với  tiền công được trả 200 ngàn đồng/người/ngày.

Không chỉ ẩn chứa những nguy hiểm trong an toàn lao động, nghề khoan cắt bê-tông còn có sự đào thải, chọn lọc lao động khá khắc nghiệt. Có sức khỏe tốt nhưng nếu không chịu khó học hỏi và cẩn thận thì khó tồn tại lâu dài với nó. Qua tìm hiểu được biết, nghề này chỉ phù hợp với đàn ông trong độ tuổi thanh niên (từ 18 – 35). Ngay với những người đã có chút vị trí, tiếng tăm trong nghề nhưng chỉ cần xảy ra một ca tai nạn hay tử vong thì uy tín của đội, của công ty sẽ  đi tong ngay. Anh Tiến cho biết, mỗi lúc nhận đập phá, tháo dỡ một công trình nào đó, bản thân người đội trưởng như anh phải luôn suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành công việc một cách an toàn và tốt nhất. “Nhận một công trình, mình phải nghiên cứu kết cấu của nó để chỉ đạo anh em làm. Làm xong, mới dám thở phào nhẹ nhõm”, anh Tiến nói.  

Dù cực nhọc và về già phải gánh chịu không ít căn bệnh nghề nghiệp như: viêm phổi, rạn cơ… nhưng với những lao động như anh Phúc, anh Thụy… và nhiều người khác nữa, chỉ cần có công trình, có công việc và thu nhập họ lại sẵn sàng mạo hiểm để sống chết với nghề.

Khánh Hòa

Đọc thêm