Nhọc nhằn vì nắng nóng

Những ngày này, khoảng thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ hằng ngày, nhiều đường phố thiếu bóng cây xanh, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độC.

Bước vào đợt nắng nóng dữ dội thứ 2 từ đầu hè đến nay, cả thành phố như chao đảo vì nóng. Theo Trung tâm dự báo-Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, tình trạng nắng nóng gay gắt còn tiếp tục đến đầu tuần sau. Những ngày này, khoảng thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ hằng ngày, nhiều đường phố thiếu bóng cây xanh, nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độC.

 

Thợ “hồ” phải làm việc dưới cái nắng như đổ lửa

                                                                             Ảnh: Hoàng Phước

Bác Nguyễn Thị Kim, xã Trường Thành, huyện An Lão ngồi dưới gốc mít trong vườn cầm chiếc quạt nan luôn tay quạt phành phạch, than thở: “Nắng quá, ở trong nhà có quạt điện cũng không thấy mát hơn. Khổ nhất là đi làm đồng, chiều 15 giờ mới ra đồng, lội xuống ruộng lại phải lên vì nước bốc hơi hầm hập. Chờ trời dịu hơn thì lại tối rồi. Thời điểm này, bà con nông dân đang làm ruộng chuẩn bị cấy không thể chần chừ, phải ra đồng làm từ lúc tờ mờ !”. Nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi cũng khốn khổ vì nóng. Chăn nuôi tập trung, nhiều gà, lợn nên hầu hết các trang trại đều có hệ thống làm mát sử dụng điện, nhưng không gì tốt hơn là không khí mát mẻ, trong lành, nền nhiệt thấp. Anh Trần Thành Tú, một chủ trang trại gà ở xã Khởi Nghĩa (Tiên Lãng) xót xa : “Cứ đà nắng nóng thế này, dù có điện quạt mát gà cũng kém phát triển, chưa nói đến việc thỉnh thoảng lại bị cắt điện không báo trước, trang trại không chủ động được máy phát khiến gà bị chết rải rác”. Nhiều nơi ở ngoại thành, nắng nóng còn làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất cây cối, rau màu, mạ, thiếu nước tưới héo rũ… vì thế gần một tuần nay, giá rau xanh, hoa quả tăng gấp rưỡi ngày thường.

 

Dù nắng nóng nhưng ở nông thôn không gian thoáng, rộng, có nhiều cây xanh bóng mát không khí cũng dịu hơn chút ít. Còn người dân nội thành, ở nhà bê tông “hộp”, ra đường nhựa bốc hơi mờ cả mắt kính, ai nấy đều mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang mà mồ hôi vẫn ướt đầm quần, áo. Anh Trần Văn Dũng, phường Lãm Hà (Kiến An) nhăn nhó chỉ vào chậu nước: “Nhà tôi dùng téc nước đặt trên tầng 3, đến nửa đêm nước trong téc vẫn như bị đun sôi. Gia đình phải sử dụng hết xô, chậu xả nước ra từ sáng cho…. nguội để tối về có nước tắm”. Có lẽ khổ nhất là sinh viên và công nhân ở nhà trọ, bởi nhà trọ nào diện tích cũng chỉ 8-10 m2. Nguyễn Hoài Thư, sinh viên năm thứ 3 Trường đại học dân lập Hải Phòng, thuê nhà trọ ở phường Dư Hàng Kênh (Lê Chân) than thở, cả dãy nhà trọ đều lợp mái tôn, nóng hầm hập không thể ngủ, nghỉ. Ban ngày trốn nắng lên thư viện học, nhưng đêm về bức bối khó chịu, không ngủ được lại ra ngõ tiếp tục… ngồi hóng mát.

 

Chị Đỗ Thị Mai, bán hàng tại chợ Lãm Hà (Kiến An): Lán chợ vừa thấp, vừa nóng hầm hập. Tôi ngồi bán hàng cả ngày không chịu nổi, phải mang cả bình ắc quy với chiếc quạt “con cóc” để giải nhiệt. Tuy thế cũng chẳng mát hơn là bao, lại lích kích. Mong sao thời tiết sớm trở lại bình thường.

Bác Trần Lê Minh, bán chè sâm bông cúc trên đường Trần Nguyên Hãn (Lê Chân): Bình thường, khi mua nước, người  mua tranh thủ dừng chân nghỉ ngơi. Giờ nắng quá, nhiều người ngại dừng lại mua nước. Tôi đứng dưới chiếc ô tô thế mà mồ hôi vẫn đổ đầm đìa, nên người đi đường ngại dừng lại cũng đúng.

 

Trong vòng quay của nắng nóng, người già và trẻ nhỏ là đối tượng có sức chịu đựng kém. Điều đó cũng lý giải cho việc các bệnh viện quá tải do nhiều người già, trẻ em phải nhập viện điều trị, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Sống chung với nắng nóng là nỗi khổ của mọi người, mọi gia đình, nhất là những gia đình không có điều kiện mua sắm các thiết bị phục vụ chống nóng như máy điều hòa, quạt hơi nước…. Mong sao đợt nắng nóng sớm kết thúc để thành phố trở lại những ngày “mát lành”, người dân “tươi” hơn thay vì lúc nào cũng nhăn nhó “nắng quá, nóng quá”!.

 

Phương Nam

Đọc thêm