Nhóm doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn ở Lâm Đồng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều đơn hàng xuất khẩu tại Lâm Đồng giảm, khó khăn nhất trong đó là nhóm dệt may. Các doanh nghiệp gia công hàng may mặc cho biết không có đơn hàng (đơn hàng chủ yếu từ Châu Âu, Bắc Mỹ).
Nhóm dệt may gặp khó trong xuất khẩu tại Lâm Đồng.
Nhóm dệt may gặp khó trong xuất khẩu tại Lâm Đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hỗ trợ, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, trong 8 tháng, tỉnh có 912 doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có tới 516 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 14,2%; số doanh nghiệp giải thể là 151 doanh nghiệp, tăng 6,3%.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chịu tác động kép từ yếu tố bên ngoài (tính hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường) và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.

Cụ thể, doanh nghiệp gặp khó do tác động từ việc lạm phát tăng cao, tăng lãi suất ngân hàng cho vay, tăng giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Đồng thời, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy cục bộ, nhiều đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, đặc biệt là hàng dệt may và nguyên liệu dệt may giảm 22% so với cùng kỳ, alumin và bô xít nhôm giảm 5,6% về giá trị so với cùng kỳ...

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh chủ yếu là trong nhóm dệt may. Các doanh nghiệp gia công hàng may mặc cho biết không có đơn hàng (đơn hàng chủ yếu từ châu Âu, Bắc Mỹ). Nhóm sản xuất tơ tằm xuất khẩu thiếu nguyên liệu sản xuất, giá kén tăng cao. Ngoài ra, một số công ty xuất khẩu sang các thị trường các nước Trung Á như Ả rập, Afganistan, Pakistan gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán từ đối tác (tỷ giá đồng đô la Mỹ biến động, thiếu ngoại tệ…) nên một số công ty đã tạm ngưng xuất hàng.

Nhiều doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do áp lực tăng chi phí đầu vào, chi phí vốn vay và khó khăn về dòng tiền, đơn hàng… “Nói cách khác, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp đã đến hạn, tạo thách thức lớn để tiếp tục tồn tại và duy trì hoạt động”, báo cáo nêu.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, xây dựng mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tháo gỡ nhưng nhìn chung vẫn rất khó khăn; các giao dịch bất động sản đất nền, nhà ở riêng lẻ đều giảm.

Nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; cắt giảm thủ tục hành chính đã được tỉnh Lâm Đồng triển khai, tuy nhiên tình hình hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đọc thêm