[links()] Cùng với việc “cơn lốc” mỹ phẩm giả đang bùng phát và tràn ngập thị trường thì tại các bệnh viện da liễu, số trường hợp bị dị ứng do dùng mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng cũng tăng nhanh đến mức báo động. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng mặt mũi sưng phồng, biến dạng, suy hô hấp... Thậm chí có trường hợp hỏng cả nửa khuôn mặt do dùng mỹ phẩm giả, đến khi điều trị khỏi thì làn da không thể phục hồi được như trước.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. |
Nguy hại khôn lường
Một nghiên cứu thị trường về mỹ phẩm chỉ ra: Trong số nhiều phụ nữ Việt Nam được hỏi “bạn thích một làn da như thế nào?”, cứ 10 người thì có tới 8 người nói rằng thích có làn da trắng rồi mới đến da mịn, da không có lỗ chân lông to, da không nám... Đánh vào thị hiếu này của chị em, nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả đã cho ra đời nhiều loại kem làm trắng, gọi chung là “kem trộn”.
Chỉ đến khi những cơ sở này bị lôi ra ánh sáng thì người tiêu dùng mới bàng hoàng về sự thật của những thứ vật phẩm chăm sóc sắc đẹp đó. Một loạt các sản phẩm làm trắng da được một “lò” mỹ phẩm ở đường Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) “chế biến” với công thức gồm vitamin B1, PP, vitamin B12 và Halog. Dụng cụ để pha chế mỹ phẩm cũng chỉ giản đơn như... làm bánh vậy: bàn xay, chậu nhựa, xoong nhôm để trộn nguyên liệu, các loại nhãn mác, vỏ hộp cũ. Vậy mà không biết đã có bao nhiêu chị em bôi những thứ mỹ phẩm kinh dị đó lên cơ thể, khi biết điều này, hẳn họ sẽ giật mình.
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, mỹ phẩm giả được chia làm hai dòng: Một loại được bắt chước y hệt công thức của mỹ phẩm chính hãng, nhưng chất lượng nguyên liệu sản xuất kém hơn nhiều; loại thứ hai thì tự nghĩ ra công thức pha chế, đóng gói thành phẩm giống với mỹ phẩm hàng hiệu.
Các loại mỹ phẩm giả thường chứa axit salicylic, corticoid và màu công nghiệp. Đáng sợ nhất là những loại “kem tự chế”, kem gia truyền được quảng cáo có tác dụng làm trắng da cấp tốc. Các loại kem này thường chứa chất corticoide và thủy ngân, có tác dụng làm da trắng, mịn tức thời. Nồng độ thủy ngân càng cao, pha chế corticoide càng nhiều thì càng có tác dụng nhanh, nhưng nếu sử dụng lâu sẽ xuất hiện các triệu chứng: mụn đỏ, teo da, rạn da, giãn mạch máu, mất sắc tố da...
Hầu hết các loại mỹ phẩm chăm sóc da hay làm đẹp đều chứa đựng từ 15 đến 20 loại hóa chất khác nhau, trong đó có các kim loại nặng không tan, dễ tích tụ ở màng dịch tế bào (như thủy ngân, chì, kẽm, cyanua...).
Ngay như Glycerin, một loại hóa chất cơ bản sử dụng trong ngành mỹ phẩm cũng có khoảng 10 chủng loại với độ tinh khiết từ 96% đến 99,9%. Glycerin càng lẫn nhiều tạp chất giá thành càng rẻ. Điều này cũng giải thích tại sao cùng một loại kem dưỡng da với thành phần như nhau mà có hãng chỉ bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/lọ và có loại lên đến 70 – 90 USD/lọ. Phấn trang điểm, phấn phủ hay son môi cũng tương tự.
Mỹ phẩm giả, hậu quả thật |
Tiền mất, tật mang
Vì hàng thật, hàng giả “nhập nhèm” lẫn lộn nên không ít người tiêu dùng đã gánh hậu quả xấu khi làm đẹp. Chị M.T.H (ở tổ 13 phường Trần Phú, thị xã Hà Giang), sau khi nghe quảng cáo sản phẩm chữa nám da Naebeaute của Pháp (tại Công ty Mỹ phẩm N.V, Khâm Thiên) “chữa nám da trong vòng 12 ngày, nếu quá 12 ngày mà không khỏi công ty sẽ hoàn lại tiền và chịu phạt thêm 5 triệu đồng”, chị đã mua một bộ sản phẩm trị nám với giá hơn 3,5 triệu đồng. Nhưng dùng được 14 ngày mà không thấy có kết quả, chị đến cửa hàng để đòi lại tiền thì không được giải quyết.
Mặc dù bị mất tiền nhưng trường hợp của chị H vẫn còn may mắn hơn chị L.T.V ở khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội. Chị V vào nhập viện trong tình trạng cả khuôn mặt sưng như phải bỏng, không thể mở mắt, không thể thở bằng mũi do sử dụng kem dưỡng da không rõ nguồn gốc, không ghi hạn sử dụng.
Mới đây, Khoa nhi của Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa mới tiếp nhận một bệnh nhân là Hoàng Vũ, một bé trai mới 6 tuổi, bị hội chứng hoại tử da nhiễm độc do dị ứng (hội chứng Stevens Johnson) sau khi dùng phấn trang điểm ở trường.
Được biết, nhà trường tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ và Vũ đại diện cho lớp tham gia. Để các bé trông xinh xắn và bắt mắt hơn, cô giáo đã dùng mỹ phẩm để trang điểm cho bé Vũ trước khi lên hát. Loại phấn mà cô giáo sử dụng gắn mác Lancôme, xuất xứ từ Trung Quốc (Lancôme chính hãng được sản xuất tại Pháp) được mua ở một cửa hàng mỹ phẩm gần nhà với giá 110.000 đồng.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, người trực tiếp điều trị cho cháu Vũ cho biết, cháu nhập viện trong tình trạng tổn thương lan rộng khắp toàn thân, kèm bọng nước, lở loét niêm mạc môi miệng gây nhiễm trùng... Đối với bệnh tình của cháu, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải và gây nguy hiểm tính mạng.
Không chỉ riêng chị em phụ nữ và các cháu nhỏ phải vào viện vì sử dụng hóa mỹ phẩm giả. Bệnh nhân V.V.Tr. (52 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cũng “được dịp” đến khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội với một bộ mặt đỏ tấy, sưng vù. Trước đó, ông Tr. được một người họ hàng đi Hàn Quốc về tặng cho một tuýp thuốc nhuộm tóc có tên là Lancui 60ml (được sản xuất tại Hàn Quốc). Sẵn thấy râu mình đã dài và trắng trông rất già, ông Tr. muốn trở nên trẻ trung hơn nên đã dùng tuýp thuốc nhuộm tóc để... nhuộm râu.
Tuy nhiên, chỉ sau mấy tiếng bôi thuốc nhuộm lên râu thì cả vùng hàm mặt của ông Tr. trở nên đỏ ửng, ngứa không chịu được, nổi bọng và chảy nước. Quá sợ hãi, ông liên tục dùng nước lã để rửa sạch thuốc nhuộm trên râu nhưng tình trạng vẫn không khá hơn. Không biết làm cách nào, ông Tr. đành phải bịt kín mặt rồi đến Bệnh viện Da liễu để khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận ông bị dị ứng mỹ phẩm, phải kết hợp bôi và uống thuốc kháng sinh để tránh bị nhiễm trùng...
Cơ địa khỏe cũng bị tổn thương
Thống kê của khoa Khám bệnh Bệnh viện Da Liễu Hà Nội cho thấy, ngày nào khoa Khám bệnh cũng tiếp nhận khám và điều trị cho ít nhất 10 ca bị dị ứng như ngứa da mặt, da đầu, lở loét do mỹ phẩm gây ra.
Theo các chuyên gia da liễu của Bệnh viện, các mặt hàng mỹ phẩm như phấn son, thuốc nhuộm... làm giả đều gây hại tới sức khoẻ người sử dụng, đặc biệt nguy hại cho những người có cơ địa dị ứng. Ngay cả những người có cơ địa khoẻ mạnh, khi tiếp xúc liên tục với những loại hóa chất lạ trong những dòng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng đều gây tổn thương và mắc các loại bệnh về da ở những vùng da tiếp xúc với hoá chất, mỹ phẩm.
Ngoài ra, những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu, quảng cáo có tác dụng tẩy mạnh thì đều có nồng độ sút cao, khả năng phá hủy, làm khô da, sạm da là rất lớn đối với người sử dụng. Đặc biệt, khi bị những tổn thương do hóa chất gây ra thì việc điều trị sẽ kéo dài và rất khó khăn.
Thị trường mỹ phẩm đang phát triển hết sức nhanh chóng nhưng lượng người dân có kiến thức đúng đắn về sử dụng mỹ phẩm chưa cao, lại chưa hề có một đánh giá toàn diện về hàng giả, hàng nhái đang có mặt trên thị trường. Do đó, người tiêu dùng khi muốn sử dụng các loại mỹ phẩm làm đẹp nên tìm đến các điểm kinh doanh sản phẩm chính hãng, được các chuyên gia làm đẹp, bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách dùng.
Mặt khác, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục thường xuyên thanh, kiểm tra về gian lận thương mại, mong được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng.
Thu Hồng